Hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW giữa Bộ Công an với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức thành viên về 'Đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trong tình hình mới' (CTPH 09) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân.

Ngày 1/8/2013, trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Công an phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ký kết Chương trình phối hợp (CTPH 09); đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo "Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ" Trung ương để thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện CTPH 09, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ từ cấp Trung ương đến cơ sở.

Công an tỉnh Nghệ An phối hợp Ủy ban MTTQ địa phương xây dựng nhà tình nghĩa cho người nghèo.

Công an tỉnh Nghệ An phối hợp Ủy ban MTTQ địa phương xây dựng nhà tình nghĩa cho người nghèo.

Qua 10 năm triển khai thực hiện CTPH 09 giữa Bộ Công an và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã đạt được rất nhiều kết quả nổi bật. Qua đó, khẳng định vai trò, hiệu quả mối quan hệ phối hợp gắn bó truyền thống giữa lực lượng Công an với MTTQ và các tổ chức thành viên nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh, tiềm lực to lớn của toàn dân trong công tác xây dựng phong trào (XDPT) bảo vệ ANTQ và đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Nổi bật là, trong công tác tuyên truyền vận động, lực lượng Công an các cấp đã phối hợp với MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và ý thức trách nhiệm tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ thông qua các hệ thống thông tin tuyên truyền như: báo chí, phát thanh, truyền hình, tạp chí, website, trang thông tin, chuyên mục "ANTT"..., lực lượng CAND, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp đã tích cực xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng tin, bài, phóng sự nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, các hoạt động sôi nổi của "Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ" hằng năm; tuyên truyền về các tấm gương "người tốt, việc tốt", các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và phòng, chống tội phạm (PCTP), tệ nạn xã hội; tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với các cuộc vận động, các phong trào cách mạng của Đảng, Nhà nước và các phong trào, chương trình hành động của Ủy ban Trung ương MTTQ và các tổ chức thành viên phát động; tuyên truyền khẳng định chủ quyền biển đảo, vận động quần chúng nhân dân thể hiện lòng yêu nước đúng quy định của pháp luật, không để các đối tượng xấu kích động phá hoại, gây mất ANTT...

Qua tuyên truyền, vận động, nhận thức của nhân dân ngày càng được nâng cao, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự ủng hộ to lớn của nhân dân trong công tác bảo đảm ANTT, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu "Diễn biến hòa bình", hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị (ANCT), bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong công tác phối hợp tổ chức triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, lực lượng Công an, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thường xuyên phối hợp đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp đẩy mạnh thực hiện công tác XDPT toàn dân bảo vệ ANTQ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình các địa bàn, lĩnh vực, chú trọng tại các địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới, biển đảo, vùng tập trung đồng bào dân tộc, tôn giáo...

Phối hợp tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm về phát huy vai trò của người có uy tín trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ và trong đồng bào Chăm; tổ chức các điểm "Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ" tại các địa phương, cơ sở tạo khí thế thi đua sôi nổi trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; Đẩy mạnh hoạt động tự phòng, tự quản, tự bảo vệ và tự hòa giải về ANTT từ cơ sở; xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến có hiệu quả theo từng vùng, từng lĩnh vực, phù hợp và sát với tình hình của địa phương, được đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia; phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh việc đăng ký, thi đua xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn "an toàn về ANTT" và đạt điển hình tiên tiến về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Các Ban Chỉ đạo địa phương tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các chủ trương, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, phát động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh với hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, vận động nhân dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tham gia quản lý, giáo dục đối tượng ở cơ sở, giúp đỡ người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, phối hợp giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân... không để hình thành các điểm nóng về ANTT ở cơ sở, góp phần giữ vững ANCT và TTATXH...

Nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư kinh phí, tăng cường duy trì hoạt động của các mô hình tự quản về ANTT tại cộng đồng dân cư với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân; chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng... Bên cạnh đó, hai bên đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ gắn kết với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của Đảng, Nhà nước: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Cả nước chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau", "Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; "Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở"; "Dân vận khéo"...

Đặc biệt là phối hợp hiệu quả trong thực hiện tiêu chí về "ANTT" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; tổ chức thực hiện có hiệu quả "Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ", "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc", "Ngày Truyền thống công tác Dân vận". Nhất là phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm "Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ" hàng năm với nhiều nội dung thiết thực, hình thức phong phú, đa dạng như: Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, tổ chức liên hoan biểu dương khen thưởng, tôn vinh điển hình tiên tiến, sinh hoạt khu dân cư, tổ chức sơ kết về ANTT các cụm giáp ranh, tuần tra bảo vệ ANTT, tổ chức các hội nghị, diễn đàn "Công an lắng nghe ý kiến của nhân dân", tuyên truyền pháp luật về PCTP bằng hình thức sân khấu hóa, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia.

Bên cạnh đó, công tác xã hội, từ thiện, xây nhà cho người nghèo cũng được chú trọng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng Công an, MTTQ và các tổ chức thành viên với quần chúng nhân dân, qua đó củng cố thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, vận động nhân dân tích cực tham gia PCTP, tệ nạn xã hội, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến.

Phạm Tâm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/hieu-qua-chuong-trinh-phoi-hop-giua-bo-cong-an-va-mat-tran-to-quoc-viet-nam-i711220/
Zalo