Hiệu quả chương trình giảm nghèo ở Tà Xùa
Cuối tháng 11, chúng tôi có dịp trở lại xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên. Nằm ở độ cao trên 1.600 m so với mực nước biển, nên mùa đông nơi đây lạnh cắt da, cắt thịt. Xã có 4 bản, 574 hộ, trên 3.500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Ông Đinh Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, gắn với phát triển du lịch. Trong đó, định hướng phát triển chăn nuôi gia súc tại bản Bẹ và Trò A; phát triển cây chè đặc sản, lê, khoai sọ tại bản Tà Xùa, Chung Trinh; phát triển du lịch nghỉ dưỡng tại 4/4 bản. Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện quản lý và thực hiện quy hoạch du lịch Tà Xùa, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông.
Về bản Chung Chinh, cách trung tâm xã 5 km, tuyến đường đất nhỏ hẹp trước đây giờ đã được mở rộng, đổ bê tông kiên cố, sạch sẽ. Đặc biệt, vừa qua, tuyến đường dài 2 km nối khu dân cư Tà Xùa C đến Chung Chinh, có tổng mức đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp 147 hộ, 765 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông của bản đi lại thuận lợi. Đến nay, toàn bộ 7 km đường nội bản đã được đổ bê tông, nhà văn hóa được xây dựng khang trang. Bên cạnh đó, 16 hộ của bản còn được hỗ trợ mỗi hộ 500 cây lê giống, nâng diện tích trồng lê của bản lên 8 ha. Ngoài ra, bà con trong bản duy trì, chăm sóc tốt gần 60 ha chè. Nhận thấy giá trị từ cây chè mang lại, bà con đã áp dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm chè Tà Xùa.
Nhiều năm nay, gia đình anh Lù A Hờ, bản Chung Chinh, chăm sóc hơn 1 ha chè, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Anh Hờ chia sẻ: Từ khi có đường bê tông về bản, việc sản xuất và đi lại của bà con thuận lợi hơn rất nhiều. Năm nay, gia đình bán được hơn 250 kg chè khô, thu về 75 triệu đồng, ngoài ra còn thu hơn 30 triệu đồng từ bán dong riềng.
Tháng 9 vừa qua, niềm vui đến với nhân dân xã Tà Xùa, khi công trình Trạm Y tế xã, gồm nhà 2 tầng, 12 phòng và các công trình phụ trợ, hoàn thành, đưa vào sử dụng, giúp hơn 3.500 người dân trong xã có điều kiện được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh.
Bác sĩ Hà Văn Biến, Trạm trưởng Trạm Y tế xã, phấn khởi nói: Trạm được xây dựng mới, cùng với đầy đủ trang thiết bị y tế, đáp ứng tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Từ đầu năm đến nay, Trạm thực hiện khám bệnh cho 1.050 lượt người và điều trị cho 950 lượt bệnh nhân; trên 97% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 7 loại vắc xin phòng bệnh, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 20%.
Trong giai đoạn 2021-2024, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xã Tà Xùa được đầu tư hơn 29 tỷ đồng đổ bê tông 12 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài hơn 18 km; xây mới nhà lớp học 2 tầng, 6 phòng học cho Trường Tiểu học và THCS Tà Xùa; nâng cấp chợ trung tâm xã; trạm biến áp; 3 công trình phục vụ phát triển du lịch của xã. Ngoài ra, xã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng 2,4 ha măng bát độ; 4,6 ha cây hồng; 10 ha lê; trồng mới 26,5 ha chè, nâng tổng diện tích chè của xã lên gần 237 ha; chăm sóc gần 250 ha cây ăn quả, 44,2 ha cây dược liệu. Từ các nguồn hỗ trợ của nhà nước, xã Tà Xùa thực hiện bảo tồn, chăm sóc 1,5 ha chè trồng từ trước năm 1993 và 0,7 ha chè trồng sau năm 1976, cho ra sản phẩm chè đặc sản Tà Xùa, với doanh thu đạt 300 triệu đồng/năm.
Khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, Tà Xùa đã đẩy mạnh phát triển du lịch, tạo thêm việc làm cho người dân. Hiện nay, xã đã thực hiện phục dựng, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm; thành lập đội văn nghệ các bản, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc và thu hút du lịch. Thương mại dịch vụ có bước phát triển, với 44 hộ kinh doanh nhà nghỉ cộng đồng, đáp ứng khoảng 800 khách du lịch/ngày, đêm; 18 hộ kinh doanh dịch vụ. Đến nay, xã đón trên 137 nghìn lượt khách du lịch, doanh thu trên 100 tỷ đồng.
Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã Tà Xùa đã phát huy hiệu quả, giúp cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; diện mạo nông thôn mới của xã ngày càng khởi sắc. Đến nay, 4/4 bản có nhà văn hóa và có đường về bản được đổ bê tông; 100% số trường học được kiên cố; trên 90% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hơn 5%/năm; xã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới.
Phấn đấu đến hết năm 2025, xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13%, xã Tà Xùa tiếp tục tập trung sử dụng hiệu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đầu tư hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng đồng bộ, với trọng tâm là hạ tầng giao thông, gắn với phát triển du lịch; xây dựng xã Tà Xùa thành trung tâm phát triển du lịch của huyện Bắc Yên, gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết, từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ sản phẩm.