Hiểu đúng về hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước
Thực hiện kế hoạch đào tạo năm 2024, ngày 21/11, Báo Kiểm toán tổ chức Hội nghị tập huấn thông tin về tài chính công, kiểm toán tài chính công cho phóng viên chuyên trách đưa tin hoạt động của Kiểm toán nhà nước (KTNN) nhằm trang bị kiến thức, thông tin về hoạt động kiểm toán của KTNN.
Tham dự Hội nghị tập huấn có đông đảo phóng viên chuyên trách đưa tin về hoạt động kiểm toán đến từ các cơ quan báo chí Trung ương.
TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II làm diễn giả tại hội nghị.
Tại Hội nghị tập huấn, TS. Lê Đình Thăng đã thông tin về chức năng, nhiệm vụ và vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong phát triển kinh tế; vấn đề tài chính công và đối tượng của KTNN…
Theo TS. Lê Đình Thăng, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Với chức năng được luật định, KTNN luôn nỗ lực khẳng định tính độc lập, liêm chính trong hoạt động kiểm toán, chỉ tuân theo pháp luật để đưa các ý kiến đánh giá khách quan, dựa trên bằng chứng thu thập được.
“Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công” - TS. Lê Đình Thăng thông tin.
TS. Lê Đình Thăng cũng cho rằng, theo Luật KTNN, KTNN thực hiện đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính và báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán của đơn vị được kiểm toán. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ thể, trong đó có cơ quan quản lý nhà nước còn chưa hiểu rõ nội dung này.
Về khái niệm tài chính công trong hoạt động kiểm toán, TS. Lê Đình Thăng cho biết, khái niệm này được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và tương đối thống nhất về cách hiểu.
Trong đó, tại khoản 10 Điều 3, Luật KTNN cũng nêu rõ: Tài chính công bao gồm: ngân sách nhà nước; dự trữ quốc gia; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tài chính của các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị cung cấp dịch vụ, hàng hóa công, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng kinh phí, ngân quỹ nhà nước; phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; các khoản nợ công.
Như vậy, tài chính công là một thuật ngữ để chỉ khoản tài chính thuộc sự quản lý của nhà nước. Trong đó bao gồm các khoản: Ngân sách nhà nước; Dự trữ quốc gia; Các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Theo quy định của Luật KTNN, đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
Như vậy, thẩm quyền của KTNN là kiểm toán đối với các chủ thể được giao quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, như: sử dụng ngân sách, sử dụng đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp nhà nước…
"Khi đưa tin về hoạt động kiểm toán, phóng viên, biên tập viên cần nắm vững để chủ động tiếp cận thông tin và có cách thức khai thác phù hợp, hiệu quả, cũng như qua đó có thể phát hiện thêm nhiều đề tài hấp dẫn, được dư luận, bạn đọc quan tâm" - TS. Lê Đình Thăng gợi mở.
Tại Hội nghị tập huấn, TS. Lê Đình Thăng cũng thông tin về các quy định quốc tế liên quan đến kiểm toán quản lý tài chính công; mối quan hệ của KTNN với cơ quan Quốc hội…
Theo đó, dù quy định về hoạt động KTNN tại mỗi quốc gia có sự khác biệt, nhưng các cơ quan kiểm toán đều hướng đến mục tiêu chung, đó là giúp đảm bảo lành mạnh nền tài chính công; các cơ quan kiểm toán, trong đó có KTNN, đều “khẳng định tính độc lập, liêm chính trong hoạt động kiểm toán”.
TS. Lê Đình Thăng cũng nhấn mạnh, để nâng cao khả năng phát hiện, cũng như đảm bảo hiệu quả kiểm toán, KTNN ngày càng chú trọng đến việc thực hiện kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu. Đây cũng là xu thế tất yếu của các cơ quan kiểm toán quốc tế.
Tại Hội nghị tập huấn, TS. Lê Đình Thăng cũng trao đổi, giải đáp câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí liên quan đến hoạt động kiểm toán; kiểm toán các điểm nóng, dễ phát sinh lãng phí, tiêu cực; cách thức tiếp cận, khai thác thông tin báo chí về hoạt động kiểm toán...
Theo phóng viên các báo, đài, kiến thức trao đổi tại Hội nghị là rất hữu ích, giúp cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách đưa tin về hoạt động kiểm toán của KTNN có thêm hiểu biết, từ đó tạo thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin để đưa tin về hoạt động của KTNN, khẳng định tính "độc lập, liêm chính" là yếu tố cốt lõi, xuyên suốt của KTNN trong thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Hội nghị tập huấn là hoạt động nằm trong kế hoạch tập huấn, đào tạo của Báo Kiểm toán diễn ra trong 02 ngày 21-22/11. Trong ngày mai (22/11), phóng viên, biên tập viên Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục tham gia hoạt động tập huấn nghiệp vụ báo chí để phục vụ cho công tác chuyên môn, thông qua đó nâng cao năng lực tổ chức, thực hiện tác phẩm báo chí chất lượng cao./.