Hiệp thương cử bổ sung 2 đại biểu tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Chiều 20-2, Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ ba khóa X tiếp tục phiên họp để cho ý kiến công tác nhân sự theo thẩm quyền.

Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ ba khóa X
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu đã trình bày tờ trình của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc hiệp thương cử nhân sự tham gia Ủy ban, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029.
100% đại biểu tham dự hội nghị đã nhất trí, đồng thuận cao biểu quyết, hiệp thương cử bổ sung bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Đinh Công Thực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ tham gia Ủy ban, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Hai nhân sự thôi tham gia theo quy định của Điều lệ MTTQ Việt Nam là bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (chuyển công tác) và ông Nguyễn Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ (chuyển công tác).
Cũng trong chiều 20-2, tại hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận, góp ý tại các tổ thảo luận sáng 20-2.
Theo đó, về Chương trình làm việc toàn khóa của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, các đại biểu kiến nghị Mặt trận ra lời kêu gọi toàn dân cùng bước vào kỷ nguyên mới; đề xuất Luật Giám sát của nhân dân do Mặt trận là cơ quan chủ trì xây dựng để đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội; nội dung toàn dân thực hành tiết kiệm phòng, chống lãng phí.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng hoa chúc mừng 2 vị tham gia Ủy ban, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X
Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, các đại biểu đề nghị Mặt trận phát huy vai trò của các tổ chức thành viên thực hiện nghị quyết, như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các hội đồng tư vấn của mặt trận; phát huy vai trò, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện nghị quyết.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất Mặt trận cần có phương thức để phát huy những ý kiến của chuyên gia đầu ngành trong nước và ngoài nước để đưa ra quyết sách phù hợp. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến đề xuất chính sách mở để thu hút nhà khoa học giỏi khoa học công nghệ - chuyển đổi số, để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển đất nước.
Hiện có nhiều kiều bào là người làm việc ở nước ngoài cho các tập đoàn nước ngoài, trực tiếp sử dụng, nghiên cứu các công nghệ này, do đó cần có cơ chế để tận dụng được nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho quá trình công nghệ hóa hiện nay ở nước ta.
Đại biểu đề nghị MTTQ Việt Nam thành lập Ban KHCN để tiếp nhận các đóng góp, đề xuất, kiến nghị của việt kiều về lĩnh vực khoa học, công nghệ. Đại biểu cũng kiến nghị lập Quỹ để trả cho những người có đề tài, có cống hiến…
Về triển khai thực hiện Kết luận số 123-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đa số các ý kiến của các đại biểu đều đồng tình, đề nghị Mặt trận cần thể hiện rõ vai trò, vận động nhân dân hưởng ứng tham gia việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Đại biểu tham dự hội nghị
Một số đại biểu cho rằng, năm 2024, GDP đạt 7,09%, tuy nhiên chủ yếu ở khu vực công; khu vực tư nhân còn nhiều dư địa. Kinh tế tư nhân đang đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị mặt trận giao Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam làm nòng cốt phối hợp với các tổ chức thành viên lĩnh vực kinh tế để phát huy nguồn lực khu vực kinh tế tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng.
Đồng thời, Mặt trận cần quan tâm việc giám sát để đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển bền vững (bảo vệ môi trường và xã hội; ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế vĩ mô).
Một số ý kiến cho rằng, Mặt trận cần phát động vận động toàn dân phòng chống lãng phí, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; đề nghị trích nguồn tiết kiệm từ chống lãng phí để thực hiện công tác an sinh xã hội.
Về phản ánh ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, các đại biểu cho rằng, nhân dân đồng tình, đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã mang lại kết quả tích cực, sau sắp xếp đã giảm các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; tinh gọn tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị; giải thể những tổ chức hoạt động không còn phù hợp; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu.
Bên cạnh đó, nhân dân đề nghị cần phải tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng, chế độ, chính sách đối với cán bộ bị tác động, ảnh hưởng; bố trí cán bộ phải công tâm, khách quan, giữ được những cán bộ có năng lực, không để “chảy máu chất xám”, người giỏi ra về, người không giỏi ở lại.
Việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy nhà nước phải đảm bảo sự hoạt động thông suốt, tránh ách tắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Một số ý kiến cho rằng, năm 2025, phong trào xóa nhà tạm được triển khai mạnh, đề nghị Mặt trận bên cạnh việc huy động nguồn lực cần giám sát việc triển khai thực hiện để không xảy ra tiêu cực.
Các đại biểu cũng phản ánh về một số vấn đề khác như ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu; việc xóa đói giảm nghèo ở vùng khó khăn; tình hình tội phạm công nghệ trong thời gian qua…, cơ quan chức năng cần có biện pháp để giải quyết các vấn đề trên, đảm bảo đời sống người dân.