Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2023-2024
Ngày 13-9, tại Hội trường 23-3 (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), Hiệp hội Mía đường Việt Nam khai mạc triển lãm nông, công nghiệp ngành mía đường Việt Nam; hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường Việt Nam và hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2023-2024.
Dự hội nghị tổng kết sản xuất mía đường có đại diện lãnh đạo một số Cục, Vụ, Viện có liên quan; đại diện các cơ quan quản lý các tỉnh có nhà máy đường, công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và liên kết mía đường; các nông dân trồng mía có thành tích xuất sắc trong sản xuất mía niên vụ 2023-2024.
Về phía tỉnh Gia Lai có ông Dương Mah Tiệp-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và thị xã An Khê.
Theo báo cáo, đến tháng 6-2024, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2023-2024 với sản lượng đạt 11.204.789 tấn mía, sản xuất được 1.107.777 tấn đường các loại; so với niên vụ ép mía 2022-2023, sản lượng mía ép đạt 117,9% và sản lượng đường đạt 118,4%.
Từ niên vụ ép mía 2020-2021 đến niên vụ ép mía 2023-2024, sản lượng mía ép tăng 166% và sản lượng đường đạt mức tăng 161%. Điều này cho thấy, từ khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ năm 2021, ngành đường Việt Nam đã ghi nhận sự hồi sinh và tăng trưởng đáng kể.
Niên vụ sản xuất mía đường 2023-2024 đã ghi nhận một số diễn biến chính như năng suất đường với mức tăng trưởng 4 vụ liên tiếp, lần đầu tiên ngành mía đường Việt Nam đạt đến mốc năng suất đường 6,79 tấn đường/ha. So với các nước sản xuất mía đường chính trong khu vực bao gồm Thái Lan, Indonesia, Philippine, kết quả trên lần đầu tiên đưa ngành mía đường Việt Nam vào vị trí số 1 về năng suất đường trong khu vực.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành mía đường Việt Nam gặp không ít thách thức, khó khăn khi sự bùng nổ nhập khẩu đường lỏng siro ngô HFCS vào Việt Nam, hoạt động nhập lậu đường, giá cả…, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành mía đường.
Sáng cùng ngày đã diễn ra hội thảo với chủ đề chiến lược thích ứng khí hậu nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường Việt Nam. Tại hội thảo, một số công ty, doanh nghiệp đã tham luận nội dung liên quan đến sáng kiến cải tiến máy bốc mía sử dụng dây đai; Nhà máy Đường An Khê 25 năm hình thành và phát triển; tuyển chọn giống mía thích ứng biến đổi khí hậu theo từng vùng nguyên liệu để cải thiện năng suất mía tại Ấn Độ; chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành mía đường Brazil; kết quả nghiên cứu, chuyển giao giống mía và tiến bộ kỹ thuật của Viện nghiên cứu mía đường giai đoạn 2022-2024; định hướng phát triển ngành mía đường Việt Nam niên vụ 2024-2025…
Cũng trong sáng 13-9, Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức triển lãm nông, công nghiệp mía đường Việt Nam với 24 gian hàng của 16 công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và liên kết mía đường. Các công ty, doanh nghiệp đã trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm đặc trưng của đơn vị mình như đường, sữa đậu nành, bánh kẹo, phân bón, hóa chất, hệ thống thiết bị cho sản xuất đường, hệ thống điện tự động hóa, số hóa và truyền động công nghiệp…
Trong khuôn khổ chương trình tổng kết mía đường vụ 2023-2024, từ ngày 12 đến ngày 14-9 còn có một số hoạt động như tham quan di tích lịch sử văn hóa ở thị xã An Khê; hội thi văn nghệ thể thao ngành đường; tham quan kỹ thuật nông nghiệp mía.
Dịp này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam tặng giấy khen 41 nông dân thuộc Nhà máy Đường An Khê (tỉnh Gia Lai) của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), Công ty cổ phần mía Đường Sơn La (tỉnh Sơn La), Công ty cổ phần Đường Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Công ty cổ phần Đường Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Công ty cổ phần mía Đường Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) và Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong niên vụ mía đường 2023-2024.
Cũng trong dịp này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã phát động quyên góp, ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2023-2024