Hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025
Ngày 2/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã tổ chức hội nghị hiệp đồng với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2025.

Đại biểu dự hội nghị.
Năm 2024, tỉnh Nam Định chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 và hoàn lưu bão số 2, 4, gây mưa lũ nghiêm trọng. Tổng thiệt hại tại địa phương ước tính 1.023,8 tỷ đồng, tăng 830,1 tỷ đồng so với năm 2023. Thực hiện nhiệm vụ ứng phó thiên tai và TKCN, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã phối hợp duy trì nghiêm túc chế độ trực cứu hộ, cứu nạn, theo dõi sát diễn biến thời tiết, tham mưu hiệu quả cho chính quyền. Thực hiện nghiêm các chỉ thị, kế hoạch về ứng phó thảm họa, thiên tai và TKCN; chỉ đạo các đơn vị triển khai hiệu quả. Các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và người dân về phòng, chống thiên tai (PCTT); phối hợp Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh theo dõi thời tiết, khảo sát hệ thống đê, kè, cống, điều chỉnh kế hoạch PCTT. Cử cán bộ tham gia tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ TKCN; tổ chức diễn tập phòng, chống cháy nổ, cứu sập. Các cơ quan đơn vị trong tỉnh còn phối hợp với các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 ứng cứu khi có thiên tai nghiêm trọng, xác định các tuyến cơ động, tập kết lực lượng. Hợp tác Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cứu hộ trên biển; chỉ đạo các huyện phối hợp với Hải đội 2 thông tin kịp thời về bão, áp thấp nhiệt đới, đảm bảo an toàn tàu, thuyền. Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức diễn tập PCTT và TKCN; phối hợp tổ chức 10 cuộc diễn tập cấp xã tại các trọng điểm đê, kè, cống; huy động 630 lượt bộ đội, 2.200 lượt dân quân tự vệ (9.700 ngày công) và hàng nghìn trang thiết bị để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Quang cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, đại biểu các sở, ngành, đơn vị liên quan đã tập trung thảo luận việc hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ và thông qua biên bản hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN năm 2025. Theo đó, xác định các trọng điểm ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai và TKCN năm 2025, hệ thống đê, kè, cống của tỉnh Nam Định gồm 31 trọng điểm xung yếu cần đặc biệt chú ý, trong đó có 27 trọng điểm tuyến đê, kè, cống, sông; 4 trọng điểm tuyến đê, kè biển thuộc khu vực biển của tỉnh Nam Định quản lý.
Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai và TKCN năm 2025 đạt hiệu quả, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng chống thiên tai, các nghị định, chỉ thị của Chính phủ, UBND tỉnh về quản lý đê điều, phòng chống lũ, bão và các văn bản liên quan. Duy trì chế độ trực cứu hộ cứu nạn, theo dõi sát tình hình thời tiết, tham mưu kịp thời các biện pháp ứng phó hiệu quả. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho lực lượng vũ trang tỉnh và nhân dân. Phối hợp các lực lượng tổ chức luyện tập các phương án TKCN, phòng, chống cháy nổ, cứu sập, cháy rừng. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó. Thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh, phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch TKCN, bảo vệ đê điều. Phối hợp Binh chủng Hóa học tổ chức tập huấn ứng phó sự cố hóa chất độc, xạ; tuyên truyền pháp luật về phòng, chống thảm họa. Kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, PCTT và TKCN các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể, nâng cao hiệu quả chỉ huy và điều hành. Thực hiện phương châm "4 tại chỗ", lấy "Phòng tránh là chính", đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai và TKCN, hiệp đồng với các đơn vị Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 để tăng cường ứng phó thiên tai. Ban CHQS các huyện, thành phố phối hợp Phòng Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra hệ thống đê điều, xây dựng phương án ứng phó thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản. Ban CHQS các huyện ven biển phối hợp với đơn vị Biên phòng quản lý tàu, thuyền, lao động trên biển, hướng dẫn ngư dân trang bị thông tin liên lạc và tổ chức trú tránh bão an toàn. Ban CHQS các địa phương rà soát lực lượng dân quân tự vệ, phương tiện kỹ thuật, sẵn sàng huy động phục vụ công tác ứng phó thiên tai và TKCN.