Lúa chết bất thường ven đường cao tốc, cách gì khắc phục?
Cánh đồng lúa hàng chục ha trên địa bàn xã Lương Nghĩa, trồng dọc hai bên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đang thi công) bất ngờ ngả màu vàng cháy, thối rễ, hạt lép. Nhiều mảnh ruộng mất trắng, nông dân không thể thu hoạch.
Trước sự việc này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Hậu Giang khẩn trương cử các cơ quan khoa học kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân lúa chết bất thường xảy ra trên công trường cao tốc này; kịp thời có các giải pháp khắc phục không để xảy ra thiệt hại đối với sản xuất của người dân. Phó thủ tướng Chính phủ yêu cầu báo cáo trước ngày 4/4.
Nguyên nhân lúa hai bên đường cao tốc chết khô là do cát?
Ông Lê Quốc Cường, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hậu Giang cho biết, nguyên nhân nước nhiễm mặn do nhà thầu thi công cao tốc. Khi cát sông được các sà lan đưa về gần công trường, nhà thầu bơm nước sông đang bị nhiễm mặn (mùa khô) vào làm lỏng cát để bơm hút từ sà lan vào chân công trình. Do đường cao tốc không có hệ thống gom nước, nên nước nhiễm mặn từ cát chảy ngược ra ruộng lúa của người dân.
Trước đó, tháng 6/2024, diện tích trồng lúa tại Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau, thuộc Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025. cũng đã xảy ra tình trạng lúa cạnh đường cao tốc ở Hậu Giang chết hàng loạt.
Kết quả đo nồng độ mặn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang khi đó, mẫu lấy ở diện tích lúa bị chết có độ mặn 2,5‰ trong khi độ mặn của nước ruộng vùng không bị chết lúa là 0,1‰.
Theo TCCS 01:2024/TT ngày 19.4.2024 ban hành kèm theo Quyết định số 179/QĐ-TT-ĐMT của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT thì tiêu chuẩn cơ sở về ngưỡng chịu mặn của cây lúa là 1,28 ‰

Lúa chết hàng loạt ven đường cao tốc ở Hậu Giang.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó trưởng trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Vị Thủy, Hậu Giang cho biết, đối với cây lúa, tùy giống rất mẫn cảm với độ mặn. Nồng độ mặn từ 2‰ trở lên sẽ gây ảnh hưởng đến cây lúa, nhất là giai đoạn mạ và trổ bông.
Giai đoạn mạ (5-7 ngày tuổi), khi nhiễm mặn, chót lá bị cháy đỏ, tiếp theo rễ bị thối, lá bị cuốn cong chuyển màu đỏ và khô dần đi. Khi lúa trổ thì hạt bị lép lửng, nếu bị nhiễm mặn nặng thì lúa bị chết. Thông thường, khi lúa bị nhiễm mặn với nồng độ cao, từ 6‰ trở lên phải mất từ 5-10 năm mới rửa sạch độ mặn đã thấm và tồn đọng trong đất.
TS.Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, do nhu cầu xây dựng hệ thống cao tốc miền Tây, cần hàng chục triệu m3 cát trong vài năm, nên chúng ta đang khai thác các mỏ cát trầm tích sông có từ nhiều chục năm trước, mà cát bồi tích hàng năm sẽ không đủ cân bằng lượng khai thác. Điều đó dẫn tới sụt lở bãi, mỏ và dần dần sẽ là sạt lở bờ sông và đường giao thông dọc hai bên bờ sông. Do không đủ khối lượng cát sông nên Bộ Giao thông vận tải muốn khai thác cát biển để đắp nền đường cao tốc.
Để đánh giá về khả năng chịu lực của cát biển có thể làm nền đường cao tốc không, khi đó, Bộ Giao thông vận tải giao cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, nghiên cứu thử 1 đoạn đường gom, với chiều dài 310m, rộng 9m và đắp với chiều dày 0,9m phần hạ âm (dưới mặt ruộng), bằng cát biển đã được xối rửa mặn ngay trên xà lan (không có quy trình rửa và nghiệm thu cát sau khi rửa được công bố).
Và thực tế ghi nhận một tại đoạn cao tốc ở Hậu Giang, sau khi san phần hạ âm bằng cát biển, lúa hai bên tuyến san nền bị chết. Cát san lấp có nhiều vỏ sò, nhuyễn thể. Sau đó đã xác định nước ruộng lúa mà lúa bị chết đã bị nhiễm mặn từ 1,8 phần nghìn đến 6,8 phần nghìn.
Làm gì để sử dụng cát biển hiệu quả?
Chia sẻ về giải pháp sử dụng cát biển đạt hiệu quả, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường, TS Trần Bá Việt cho biết, muốn dùng cát biển cho san nền đường trong vùng nước ngọt có 2 cách: Rửa cát biển bằng nước ngọt cho tới khi đạt yêu cầu cho phép và dùng hóa chất cố kết muối trong cát thành hợp chất ổn định, không hòa tan.
Còn về việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng thay thế cát sông, PGS.TS Lê Trung Thành – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, giải pháp này về mặt kỹ thuật là hợp lý. Cát biển hay cát sông đều là các vật liệu dạng hạt có độ đặc chắc cao, hoàn toàn có thể được sử dụng để làm vật liệu đắp nền đường.
Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản số 2499/BGTVT-KHCN&MT ngày 11/03/2024 thông báo một số kết quả, nội dung chính việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông và hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường giao thông.
Tuy nhiên, các hạt cát biển có nước biển bám vào bề mặt, mà nước biển thì có chứa các muối với nồng độ mặn khác nhau. Vì vậy, nếu sử dụng cát biển để đắp nền đường thì nên đánh giá độ mặn có thể bị thôi nhiễm ra các vùng đất xung quanh gây tác hại đến vật nuôi, cây trồng như thế nào. Đồng thời, việc khai thác cát biển cũng cần phải có đánh giá cẩn thận về tác động môi trường, hệ sinh thái, sinh vật biển ở các khu vực biển khai thác cát biển.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng cát biển trong làm nền đường, san lấp mặt bằng, thậm chí trong việc xây dựng công trình là việc làm cần thiết nhằm thay thế nguồn cát tự nhiên đã sử dụng lâu nay đang dần cạn kiệt. Trước mắt để sử dụng cát biển có hiệu quả và hạn chế những tác động xấu về môi trường, chúng tôi cho rằng có thể dùng cát biển để phục vụ san lấp các mặt bằng, làm nền các công trình hạ tầng kỹ thuật ở những khu vực cửa biển và ven biển.
Dự án cao tốc chạy dọc miền Tây dài gần 111 km, đi qua TP Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Đây là tuyến cao tốc cuối cùng giúp kết nối liền mạch từ TP HCM xuống Cà Mau. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, khởi công đầu năm 2023, đến nay hoàn thành hơn 60%. Nhà thầu đang đẩy mạnh thi công để đưa dự án sử dụng vào cuối năm nay.
Cũng như nhiều công trình giao thông trọng điểm trên cả nước, dự án gặp khó khăn về nguồn vật liệu đắp nền. Ngoài việc bổ sung các mỏ cát sông, dự án được dùng nguồn cát biển sau khi rửa và kiểm tra độ mặn. Đầu năm trước, một số diện tích lúa dọc cao tốc ở huyện Vị Thủy, Hậu Giang, cũng hư hỏng. Cơ quan chức năng tỉnh xác định lúa chết ở khu vực trên do nguồn nước nhiễm mặn. Nhà thầu bác bỏ đất ruộng nhiễm mặn do nguồn cát biển đắp nền dự án nhưng sau đó đồng ý hỗ trợ các diện tích bị thiệt hại.