ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông
Theo một bài phân tích trên trang CNA, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại trong khu vực thông qua việc xây dựng mạng lưới giao thông và hậu cần tốt hơn. Điều này cũng sẽ cho phép các quốc gia thành viên tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro địa chính trị và kinh tế đang ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho biết nhiệm vụ phía trước của khối vẫn còn nhiều thách thức, vì các quốc gia phải nỗ lực để đơn giản hóa thủ tục hải quan và xóa bỏ các giấy tờ thủ tục rườm rà.
Giảm bớt các rào cản
Nằm ở trung tâm của mạng lưới giao thông khu vực trải dài từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương, ASEAN nắm giữ vị trí địa chiến lược quan trọng, đóng vai trò là trung tâm cho các tuyến đường biển và hàng không quan trọng. Các quốc gia ASEAN đã và đang nỗ lực tăng cường kết nối giao thông hướng tới hiệu quả, hài hòa và cả bền vững về môi trường.
Bộ trưởng Giao thông Malaysia Anthony Loke cho rằng ASEAN đang làm khá tốt, đồng thời nhấn mạnh chính sách bầu trời mở của khối đã giúp tăng cường kết nối khu vực. Đối với lĩnh vực hàng hải, các nước thành viên đang có kế hoạch số hóa các cảng trong khu vực để có thể chia sẻ thông tin với nhau và tăng năng lực cạnh tranh của các cảng.
Bên cạnh đó, “mạng lưới đường sắt cũng quan trọng. Có những liên kết bị thiếu đã sớm được khắc phục, đặc biệt là giữa Lào và Trung Quốc”, Bộ trưởng Loke cho biết thêm.
Hồi tháng 6, dịch vụ đường sắt chở hàng ASEAN Express đầu tiên kết nối Malaysia với Trung Quốc qua Thái Lan và Lào đã được đưa vào hoạt động. Giải pháp mới này được dự báo sẽ thúc đẩy ngành đường sắt khu vực, rút ngắn thời gian vận tải hàng hóa và giảm chi phí dịch vụ logistics tới 30%.
Tuy vậy, hành trình này ban đầu dự kiến chỉ mất 8 ngày nhưng hiện đang mất gần 2 tuần (vẫn nhanh hơn so với tuyến vận tải đường biển có thể mất tới 3 tuần) do phải thay đổi khổ đường ray và thủ tục hải quan tại biên giới. Thực tế, trên thế giới có các khổ đường ray (khoảng cách giữa hai thanh ray của một tuyến đường sắt) khác nhau, tạo ra rào cản đối với hoạt động trên các mạng lưới đường sắt.
Đây là vấn đề đang xảy ra tại biên giới giữa Thái Lan và Lào, vì hệ thống đường sắt của Lào khác với của Malaysia và Thái Lan. Do đó, tại các điểm này, các thùng container cần phải được cần cẩu nâng lên để chuyển qua một đường ray khác.
Ngoài ra, Bộ trưởng Loke nhấn mạnh các nước trong khu vực cần phải giảm bớt thủ tục hành chính. Theo ông, đây là giải pháp đôi bên cùng có lợi và việc phá bỏ các rào cản này không chỉ có lợi cho một quốc gia mà còn có lợi cho toàn khu vực.
Tận dụng sức mạnh của nhau
Thái Lan tuyên bố sẵn sàng tham gia vào việc cải thiện kết nối giữa các quốc gia và cũng đang thúc đẩy xây dựng một cây cầu trên bộ ở miền Nam Thái Lan để nối Biển Andaman với Vịnh Thái Lan.
Dự kiến hoàn thành vào năm 2028, dự án trọng điểm này nhằm mục đích tạo ra một tuyến thương mại quốc tế mới và rút ngắn thời gian di chuyển của tàu thuyền, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Suriya Juangroongruangkit cho biết.
Theo ông, eo biển Malacca hiện đang diễn ra tình trạng tắc nghẽn khá nhiều, và trong tương lai, dự đoán rất nhiều hãng tàu sẽ phải xếp hàng dài chờ đợi. Nhưng nếu có một cây cầu trên bộ, nó có thể là một giải pháp thay thế hữu ích.
Tuy nhiên, các đơn vị trong ngành lưu ý rằng chỉ chú trọng riêng đến cơ sở hạ tầng thôi là chưa đủ. “Câu hỏi quan trọng hiện nay là liệu các kết nối giao thông có thể trở nên liền mạch hay không, và liệu có thể giúp việc vận chuyển có giá cả phải chăng hơn không?” Chủ tịch điều hành của Westports - công ty khai thác cảng niêm yết lớn nhất tại Malaysia, cho biết.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng các nước Đông Nam Á phải hành động cùng nhau để có thể hưởng lợi từ hội nhập kinh tế.
Ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành của Hội đồng doanh nghiệp EU-ASEAN cho biết khi nhìn vào ASEAN sẽ thấy đây là một khối thống nhất. Nhưng các quốc gia thành viên ASEAN cũng đang cạnh tranh với nhau để tranh thủ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Do vậy, “cần đảm bảo rằng thay vì cạnh tranh, chúng ta phải phát huy thế mạnh của nhau”, ông Humphrey khuyến nghị.