Hiệp định Giơnevơ và những vấn đề về tập kết, chuyển quân giữa các bên sau chiến tranh Đông Dương

Cùng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về kết thúc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết đánh dấu một thắng lợi vĩ đại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ phản ánh mặt trận đấu tranh ngoại giao hết sức phức tạp, đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ và sự linh hoạt sáng tạo của những người làm công tác đối ngoại và sức mạnh của toàn dân, toàn quân ta.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, ngày 21/7/1954. Ảnh: Tư Liệu

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, ngày 21/7/1954. Ảnh: Tư Liệu

Nội dung hiệp định và những vấn đề nảy sinh trong quá trình công nhận, tôn trọng và thực hiện Hiệp định, trong đó có vấn đề tập kết và chuyển quân sau Hiệp định, đã ghi nhận những đóng góp quan trọng của những người làm công tác ngoại giao, mà còn thể hiện rạng ngời những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, của toàn dân Việt Nam.

Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng sau 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng của quân và dân ta. Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Và tiếng sấm Điện Biên Phủ cũng là sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế. Ngay sau đó, ngày 8/5/1954, Hội nghị Giơnevơ bàn về kết thúc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương khai mạc. Đoàn Việt Nam bước vào cuộc họp với tư thế người chiến thắng, đó không những là thành quả của chiến thắng Điện Biên, mà còn là kết quả tất yếu của 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân và dân ta. Và việc đoàn Việt Nam là thành viên chính thức tham dự hội nghị với sự có mặt của các nước lớn, đã khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định quan điểm nhất quán và ý chí quyết tâm giành và giữ độc lập tự do của Nhân dân Việt Nam.

Ngày 21/7/1954, Hiệp định được ký kết. Đáng chú ý, Mỹ là một nước lớn tham gia vào cuộc đàm phán ở Giơnevơ, nhưng họ không ký vào hiệp định, mặc dù sau đó họ buộc phải ra một bản Tuyên bố riêng ghi nhận kết quả của hội nghị.

Hiệp định gồm các Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia, các phụ bản và bản đồ về khu tập kết, chuyển quân, ranh giới quân sự tạm thời và khu phi quân sự; Bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị; Các công hàm trao đổi giữa Phó Thủ tướng Việt Nam dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp Măngđét Phơrăng.

Nội dung cơ bản của Hiệp định là:

- Các bên tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của các nước Việt Nam, Lào và Campuchia là độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của ba nước.

Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và toàn Đông Dương.

Thực hiện tập kết, chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định. Ở Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, cùng khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến.

Quân đội Nhân dân Việt Nam tập kết ở phía Bắc, quân đội Liên hiệp Pháp tập kết ở phía Nam vĩ tuyến 17; thời hạn di chuyển hoàn toàn lực lượng hai bên không quá 300 ngày. Ở Lào, lực lượng kháng chiến tập kết ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phongsaly; Ở Campuchia, lực lượng kháng chiến phục viên tại chỗ.

Vĩ tuyến 17 ở Việt Nam chỉ là ranh giới quân sự tạm thời, không phải là đường biên giới về chính trị, lãnh thổ. Sau hai năm, quân Pháp phải rút hết khỏi Việt Nam và Nhân dân Việt Nam sẽ Tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

- Cấm việc đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí nước ngoài vào các nước Đông Dương. Các nước Đông Dương không được tham gia bất cứ khối liên minh quân sự nào và không để cho nước khác dùng lãnh thổ của mình vào việc gây chiến tranh hoặc phục vụ cho mục đích xâm lược.

- Không phân biệt đối xử, không trả thù những người đã cộng tác với bên này hoặc bên kia trong thời gian chiến tranh.

- Trách nhiệm thi hành Hiệp định thuộc về những người ký Hiệp định và những người kế nhiệm.

- Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canađa, do Ấn Độ làm Chủ tịch.

Nội dung của hiệp định đã ghi nhận những điều khoản về tập kết, chuyển quân giữa quân đội hai bên. Để có những nội dung mang tính chất quân sự này, khi Hội nghị Giơnevơ bước vào giai đoạn cuối, hai bên Việt Nam và Pháp thống nhất cần phải có một Hội nghị quân sự giữa hai quân đội để bàn thảo và thống nhất các nội dung liên quan đến quân sự sẽ đưa vào hiệp định chính thức.

Đó là lý do chủ yếu dẫn đến Hội nghị quân sự Trung Giã (4/7/1954 - 27/7/1954). Đây là hội nghị giữa đại diện cao nhất của Bộ Tham mưu hai bên. Vấn đề được bàn thảo nhiều đó là thực tiễn chiến tranh ở Việt Nam, trong khi quân đội Pháp sử dụng lực lượng của đội quân chính quy, thì Việt Nam không chỉ có quân đội mà còn có sự tham gia của dân quân du kích, của Nhân dân. Nói cách khác, Việt Nam đánh Pháp bằng lực lượng toàn dân, bằng chiến tranh Nhân dân. Vậy nên trong lực lượng tập kết, chuyển quân không chỉ có lực lượng của quân đội, mà còn có lực lượng Nhân dân đi cùng. Khi Hội nghị Giơnevơ diễn ra, thực tế ở chiến trường lực lượng hai bên đang ở thế cài răng lược - một thực tế hoàn toàn khác với hình thái chiến tranh “chính quy”, kiểu chiến tranh phân tuyến. Vậy để giải quyết vấn đề ngừng bắn phải giải quyết cái thế cài răng lược đó - phải tập kết, chuyển quân với hình thức, thời gian và quy mô có tính chất đặc thù. Nhiều vấn đề cụ thể khác cũng đã được đặt ra ở Hội nghị Trung Giã. Cuối cùng, đoàn Việt Nam đã có hướng giải quyết và thuyết phục đoàn Pháp cơ bản thống nhất. Những nội dung chính của Hội nghị Trung Giã đã được chuyển đến Hội nghị Giơnevơ và trở thành nội dung chính thức mà hiệp định đã ghi nhận. Cùng với những nội dung chính đó, nhiều vấn đề cụ thể mà hội nghị đã thống nhất là cơ sở pháp lý để hai bên thực hiện trong thực tiễn chuyển quân, tập kết lực lượng. Sở dĩ có được kết quả đó, vì đoàn Việt Nam đến Hội nghị quân sự với tư thế của một quân đội chiến thắng, Trưởng đoàn là Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trước khi đi dự hội nghị, Bác Hồ đã gặp đoàn và căn dặn: Ta đi nói chuyện khi đã thắng ở chiến trường, ở Điện Biên Phủ, đó là thuận lợi cơ bản. Nhưng đây là đấu tranh ngoại giao, cần giữ vững lập trường vì lợi ích của dân tộc, nhưng cũng phải hết sức linh hoạt.

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam trong Hội nghị Trung Giã đã thể hiện tinh thần cương quyết và khôn khéo, không những đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần vào thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ, mà còn tranh thủ được những thuận lợi để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến hiệp định đến Nhân dân cả nước một cách nhanh chóng, tổ chức và di chuyển lực lượng cả quân đội và đông đảo Nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc, chuẩn bị cơ sở vật chất và tổ chức lực lượng đón tiếp ở miền Bắc, trong đó có Thanh Hóa, tạo nên một cuộc chuyển quân lịch sử.

Thực hiện Hiệp định Giơnevơ và những nội dung về quân sự đã thống nhất, chúng ta đã thể hiện tinh thần nghiêm chỉnh chấp hành, hết sức sáng tạo trong tổ chức thực hiện.

Về lực lượng tập kết, cùng với lực lượng vũ trang, chúng ta đã đưa đi tập kết một lực lượng lớn cán bộ, đảng viên và Nhân dân cùng gia đình xuống tàu ra Bắc. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước, không những để chủ động đối phó với âm mưu và hành động phá hoại hiệp định của Mỹ và tay sai trong việc trả thù những người đã tham gia kháng chiến, mà còn là sự tri ân đối với đồng bào, đồng chí, là sự chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh lâu dài để xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà sau này.

Để có thể tổ chức và cơ động một lực lượng lớn, trong một khoảng thời gian eo hẹp, cùng với việc chúng ta tranh thủ được sự ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô, Ba Lan trong việc cung cấp phương tiện vận chuyển đường biển, các cấp ủy Đảng và chính quyền cách mạng từ trong Nam đến ngoài Bắc đã tiến hành công tác tổ chức hết sức chu đáo, cẩn trọng. Ở Nam Bộ, để thực hiện chuyển quân tập kết, chúng ta đã thành lập các trung đoàn cơ động, có tổ chức Đảng lãnh đạo, có chỉ huy nghiêm túc, tổ chức lực lượng ra đi, những người ở lại với tinh thần “đi vinh quang, ở anh dũng”.

Ở miền Bắc, cùng với một số nơi khác, Thanh Hóa mà cụ thể là Sầm Sơn được lựa chọn là nơi đón tiếp ban đầu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết. Thanh Hóa là đất địa linh nhân kiệt, vùng đất có lịch sử truyền thống anh hùng lâu đời. Thanh Hóa cũng chính là một vùng căn cứ địa, là an toàn khu, là hậu phương trực tiếp của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây không chỉ đóng góp những người con ưu tú tham gia trực tiếp đánh giặc, không chỉ là nguồn cung cấp hậu cần to lớn cho cuộc kháng chiến mà chính nơi đây những đoàn dân công hỏa tuyến, những dòng xe đạp thồ huyền thoại đã góp phần làm nên kỳ tích của chiến thắng Điện Biên Phủ.

Được chọn là nơi đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết, mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng người Thanh Hóa, mà đại diện là đồng bào Sầm Sơn đã chuẩn bị chu đáo, đón tiếp nhiệt tình cho những người thân yêu từ miền Nam về nhà mình. Hiếm có một cuộc chuyển quân nào mà khi những con tàu lớn không thế cập cảng nhỏ, đồng bào Sầm Sơn đã dùng hàng chục chiếc thuyền đánh cá, ra áp mạn tàu, đón đồng bào vào bến. Một không khí như lễ hội tưng bừng mà đồng bào Sầm Sơn dành cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tập kết là dấu ấn không thể phai mờ của cuộc chuyển quân lịch sử.

Tổng kết về cuộc chuyển quân lịch sử này, trong bản báo cáo trình bày trước Quốc hội khóa I trong kỳ họp thứ 4, phiên họp thứ 2 ngày 20/3/1955, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khẳng định: Với một sự cố gắng rất lớn của quân đội, với sự ủng hộ tích cực và thắm thiết của Nhân dân, với sự giúp đỡ anh em của các nước bạn Liên Xô, Ba Lan trong việc vận chuyển, chúng ta đã thực hiện các việc nói trên (Tập kết, chuyển quân - VQĐ) đúng thời hạn hoặc sớm hơn thời hạn đã định. Và hiện nay, trừ một bộ phận lực lượng của ta còn tạm đóng trong vùng Bình Định, Quảng Ngãi, trên 7 vạn quân ta và một số anh em cán bộ và đồng bào ta ở miền Nam đã an toàn chuyển ra Bắc...

...Toàn thể cán bộ và chiến sĩ đều hăng hái và phấn khởi, họ đã kiên quyết chấp hành lệnh ngừng bắn, tập kết và chuyển quân, đã kiên quyết tạm xa miền Nam yêu quý, để tỏ rõ tinh thần kỷ luật và ý chí yêu chuộng hòa bình của quân và dân ta.

Đã 70 năm qua, nhưng cuộc tập kết, chuyển quân lịch sử vẫn in đậm trong tâm khảm những người tham gia trực tiếp vào sự kiện ấy, để lại những bài học quý báu cho hôm nay và cho đời sau.

Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam,

Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hiep-dinh-gionevo-va-nhung-van-de-nbsp-ve-tap-ket-chuyen-quan-giua-cac-ben-sau-chien-tranh-dong-duong-228351.htm
Zalo