Việt Nam lần đầu ứng cử vào vị trí Thẩm phán Tòa án Quốc tế Luật Biển

Việc lần đầu tiên đề cử ứng cử viên vào vị trí Thẩm phán Tòa án Quốc tế Luật biển (ITLOS) thêm một lần nữa khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), đồng thời là một phần trong cam kết không lay chuyển đối của Việt Nam với UNCLOS, Công ước được xem là bàn 'Hiến pháp của đại dương' này.

Việc lần đầu cử ứng viên vào vị trí Thẩm phán ITLOS khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và trách nhiệm của UNCLOS

Việc lần đầu cử ứng viên vào vị trí Thẩm phán ITLOS khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và trách nhiệm của UNCLOS

Thể hiện cam kết không lay chuyển đối với UNCLOS

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 16 với chủ đề “Định hướng tư duy, Phát huy chuẩn mực” do Học viện Ngoại giao và các cơ quan phối hợp tổ chức diễn ra trong các ngày 23 và 24-10 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Hội thảo quy tụ gần 50 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 23 quốc gia và các tổ chức quốc tế; gần 100 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, 22 Đại sứ; cũng như nhiều phóng viên đến từ các hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước tham dự trực tiếp đưa tin về Hội thảo.

Tại phiên khai mạc ngày 23-10, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt có bài phát biểu chính, trong đó đánh giá thế giới đang đứng trước bước ngoặt lớn, quá trình chuyển dịch sang cục diện đa cực, đa trung tâm nhiều bất ngờ, khó đoán định và nếu không được kiểm soát tốt, có thể dẫn đến thảm họa; lòng tin đối với những thiết chế và quy tắc hiện hành đang dần giảm. Khi đó, các hành vi đơn phương sẽ thắng thế, bỏ qua lợi ích chính đáng của các bên và của cộng đồng quốc tế.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đánh giá, xu hướng này đã và đang làm thu hẹp không gian dành cho đối thoại, ngoại giao và hợp tác; đẩy chạy đua vũ trang và các biện pháp răn đe lên tuyến đầu trong chiến lược của nhiều quốc gia. Theo Thứ trưởng, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày nay không chỉ đơn thuần nhằm tranh giành lãnh thổ, vùng biển, giành giật tài nguyên, nhằm kiểm soát thương mại, công nghệ và năng lực quân sự mà quan trọng hơn cả là để chi phối quan điểm và tầm nhìn sẽ định hình hệ thống quốc tế trong tương lai. Do đó, Thứ trưởng đánh giá cao chủ đề của Hội thảo “Định hướng tư duy, phát huy chuẩn mực” thể hiện tính thời sự và cấp thiết hiện nay.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định việc tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi là nền tảng đảm bảo hòa bình và ổn định quốc tế; cũng là khuôn khổ chung cho các quốc gia giải quyết tranh chấp hòa bình và hợp tác. Thứ trưởng đánh giá, dịp kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) chính thức có hiệu lực là cơ hội tái khẳng định tầm quan trọng của UNCLOS - một khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương; cơ sở cho các hành động và hợp tác trên biển ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Thứ trưởng Đỗ Việt Hùng nhấn mạnh, là một phần trong cam kết không lay chuyển đối với UNCLOS, Việt Nam đã lần đầu tiên đề cử ứng cử viên vào vị trí Thẩm phán Tòa án Quốc tế Luật Biển (ITLOS) cho nhiệm kỳ 2026-2035 là PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam. Thứ trưởng tin tưởng, nếu được bầu, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh sẽ cống hiến hết mình cho ITLOS và đóng góp hiệu quả vào công việc của ITLOS, điều này cũng thể hiện trên thực tế cam kết mạnh mẽ và liên tục của Việt Nam đối với UNCLOS và rộng hơn là đề cao Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

ITLOS có trụ sở chính đặt tại thành phố Hambourg của Đức, gồm 21 thành viên độc lập, được bầu từ những ứng viên có uy tín trong lĩnh vực luật biển. ITLOS có thẩm quyền xét xử với tất cả các vụ tranh chấp và tất cả các yêu cầu được đưa ra tòa theo đúng UNCLOS. ITLOS có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia theo ba phương thức: Chấp nhận thẩm quyền của ITLOS theo từng vụ việc; Chấp nhận trước thẩm quyền của ITLOS trong các điều ước quốc tế; Chấp nhận trước thẩm quyền của ITLOS bằng một tuyên bố đơn phương. Phán quyết của ITLOS có tính chất tối hậu và tất cả các bên tranh chấp đều phải tuân theo. Phán quyết của ITLOS chỉ có giá trị đối với các bên tranh chấp. Các bên không có quyền kháng án.

Việt Nam sẵn sàng cống hiến vào hoạt động của ITLOS

Là thành viên tích cực, trách nhiệm của UNCLOS, bên cạnh những vấn đề chung về việc thượng tôn và thực thi Công ước, Việt Nam nhìn nhận, các cơ quan được thành lập theo Công ước đều góp phần quan trọng trong việc thiết lập trật tự pháp lý trong lĩnh vực biển và đại dương, duy trì hòa bình và an ninh biển và đạt nhiều kết quả thời gian qua, bao gồm ITLOS, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) và Cơ quan Quyền lực đáy đại dương (ISA). Việt Nam khẳng định vai trò của ITLOS trong giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan đến áp dụng và giải thích UNCLOS, kêu gọi các quốc gia thành viên Công ước giải quyết các tranh chấp, xung đột và khác biệt bằng biện pháp hòa bình, nghiêm túc thực hiện các phán quyết và quyết định của ITLOS cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định tại Công ước. Việt Nam ghi nhận vai trò ngày càng lớn của ITLOS trong việc góp phần giải thích các quy định của Công ước thông qua quá trình giải quyết các tranh chấp giữa các nước thành viên Công ước.

Là một trong các nước đầu tiên ký thông qua UNCLOS, cũng như phê chuẩn để Công ước có hiệu lực vào tháng 11-1994, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các quy trình, cơ chế được thành lập theo UNCLOS, như đệ trình Báo cáo về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa năm 2009; đề cử trọng tài viên, hòa giải viên cho các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS vào năm 2020. Tháng 8-2022, ứng cử viên của Việt Nam trúng cử vào Ủy ban Pháp lý - Kỹ thuật thuộc Cơ quan Quyền lực đáy đại dương, đánh dấu lần đầu tiên có một nhà khoa học biển của Việt Nam tham gia vào một cơ quan của UNCLOS.

Những năm gần đây, Việt Nam ngày càng chủ động hơn trong tiên phong đề cao luật pháp quốc tế nói chung và UNCLOS nói riêng. Tháng 10-2022, Việt Nam cùng với 15 nước khác giới thiệu sáng kiến về việc xin ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế để làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các nước về biến đổi khí hậu trên cơ sở các điều ước quốc tế liên quan, bao gồm cả UNCLOS. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và nghiêm trọng đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam, việc thúc đẩy sáng kiến sẽ có ý nghĩa quan trọng, góp phần cùng cộng đồng quốc tế tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm thông qua việc sử dụng và quản lý biển và đại dương một cách bền vững.

Đáng chú ý, Việt Nam vào tháng 6-2021 đã khởi xướng thành lập Nhóm bạn bè UNCLOS, tạo diễn đàn để các nước trao đổi, thảo luận kinh nghiệm về áp dụng và giải thích Công ước trong quản lý và sử dụng biển, tìm kiếm và khuyến khích các cơ hội hợp tác, thúc đẩy hơn nữa các cam kết thực hiện Công ước trong Liên hợp quốc. Đến nay, Nhóm đã có gần 120 nước từ tất cả các khu vực địa lý, bao gồm cả các quốc gia phát triển, đang phát triển và các nước đảo nhỏ, để trao đổi cởi mở không chỉ vấn đề về biển và đại dương mà còn các vấn đề quan tâm chung khác, qua đó đóng góp chung vào việc thực hiện đầy đủ UNCLOS trên khắp các đại dương.

Có thể thấy, việc Việt Nam đề cử ứng cử viên đầu tiên vào vị trí Thẩm phán ITLOS giai đoạn 2026-2035 đã khẳng định Việt Nam sẵn sàng cống hiến vào hoạt động của ITLOS; đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ, kiên định đối với UNCLOS nói riêng và tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế nói chung.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-lan-dau-ung-cu-vao-vi-tri-tham-phan-toa-an-quoc-te-luat-bien-post593508.antd
Zalo