Hiện tượng nước biển ấm lên đe dọa hệ sinh thái đại dương ở Australia

Các nhà khoa học Australia cảnh báo tình trạng nước biển ấm lên đang khiến môi trường sinh thái biển biến đổi thất thường, giết chết hàng trăm loài sinh vật biển và tẩy trắng hàng loạt rạn san hô tại Australia.

Theo Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu bang Nam Australia Sussan Close, chỉ trong nửa đầu năm 2025, các nhà khoa học Australia đã ghi nhận một loạt hiện tượng bất thường khi thảm tảo biển tại khu vực biển Nam Australia, phát triển với quy mô nhanh chưa từng có, lên tới 4.405km2 ở độ sâu 20m, đồng thời tạo ra hiện tượng tảo nở hoa trên diện rộng, khiến xuất hiện tình trạng hàng trăm loài sinh vật biển từ cá mập, chim cánh cụt, mực, cua, tôm hùm đá và hơn 100 loài cá.... chết hàng loạt. Trong khi đó, tại khu vực bang Queensland, rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier cũng chứng kiến mức tẩy trắng khó có thể phục hồi trên diện rộng chưa từng có trong lịch sử, được cho là bởi tình trạng nước biển ấm lên.

San hô bị tẩy trắng tại rạn san hô Great Barrier, bang Queensland, Australia. Ảnh: BME

San hô bị tẩy trắng tại rạn san hô Great Barrier, bang Queensland, Australia. Ảnh: BME

San hô trước và sau khi bị tẩy trắng tại rạn san hô Great Barrier, Australia. Ảnh: BME

San hô trước và sau khi bị tẩy trắng tại rạn san hô Great Barrier, Australia. Ảnh: BME

Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Nam Australia, các nhà khoa học mới chỉ thực sự quan tâm tới sự phát triển nhanh chóng của thảm tảo biển sau khi phát hiện hàng loạt các hiện tượng như: hàng trăm con cá mập trắng, cá voi bất thường mắc cạn, chết ngạt và trôi dạt vào bờ; tỷ lệ dân thường bị cá mập tấn công dọc các dải bờ biển từ bắc xuống nam Australia liên tục tăng cao chưng từng có... Nhà khoa học biển Charlie Huveneers của Đại học Flinders cho biết, hiện tượng cá voi mắc cạn tăng bất thường từ đầu năm 2025 cũng liên quan đến độc tố sinh học từ hiện tượng tảo nở hoa. Sự nở hoa này là do đợt nắng nóng trên biển bắt đầu vào tháng 9 năm 2024, với nhiệt độ ấm hơn bình thường tới 2,5 độ C. Hiện tượng tảo nở hoa này có tác động chí mạng với các loài sinh vật biển, không độc hại với con người nhưng có thể gây kích ứng da và dự kiến sẽ kéo dài.

Cũng trong tháng 4 năm 2025, Cơ quan Công viên biển Rạn san hô Great Barrier đã công bố bản cập nhật dữ liệu cho thấy "hiện tượng san hô bị tẩy trắng trên diện rộng chưa từng có" ở phía bắc và cực bắc Australia do các đợt nắng nóng liên tiếp trên biển. Hiện tượng này cũng dẫn đến việc hàng trăm ngàn loài sinh vật biển phụ thuộc vào rạn san hô bị ảnh hưởng, thậm chí là biến mất. Một loạt các rạn san hô được công nhận là di sản thế giới khác của Australia dọc bờ biển bang Tây Australia cũng đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng tẩy trắng và căng thẳng do nhiệt độ cực đoan kể từ tháng 2/2025.

Các nhà chức trách di dời xác một con cá mập trắng lớn chết ngạt trôi dạt trên bờ biển Nam Australia. Ảnh: ABC

Các nhà chức trách di dời xác một con cá mập trắng lớn chết ngạt trôi dạt trên bờ biển Nam Australia. Ảnh: ABC

Nhà vận động bảo vệ rạn san hô tại Hiệp hội Bảo tồn Biển Australia Simon Miller cho biết, những báo cáo này tiếp tục cho thấy thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, nhưng chúng phải dẫn đến hành động. Australia phải nhanh chóng cắt giảm ô nhiễm khí hậu và ngừng phê duyệt nhiên liệu hóa thạch mới.

Thiên Thành/VOV-Australia

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/hien-tuong-nuoc-bien-am-len-de-doa-he-sinh-thai-dai-duong-o-australia-post1199935.vov
Zalo