Hiện thực sinh động ý Đảng - lòng dân

Ý Đảng - lòng dân là truyền thống quý báu đã được minh chứng trong suốt quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngày nay, trong xây dựng và phát triển quê hương Bình Phước, truyền thống ý Đảng - lòng dân lại được nhân rộng, tạo nên sức mạnh, đạt được những kết quả to lớn, ấn tượng trong thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Đảng viên đi trước, đồng bào tin tưởng làm theo

“Đảng viên đi đầu làm trước, đồng bào tin tưởng làm theo” là kinh nghiệm quý mà cấp ủy, chính quyền xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng rút ra được trong suốt quá trình hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Xã Đồng Nai hiện có 7 hợp tác xã (HTX), trong đó có 2 HTX chuyên sản xuất và kinh doanh hạt điều với 100% thành viên là đồng bào DTTS. HTX nông nghiệp điều hữu cơ trảng cỏ Bù Lạch với 20 hộ thành viên do chị Thị Khưi, dân tộc M’nông làm Giám đốc và HTX nông nghiệp K&M do chị Thị Mơm, dân tộc Châu Mạ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc với 30 hộ thành viên và 800 thành viên liên kết, sản xuất trên diện tích 1.500 ha.

Chị Thị Mơm là đảng viên trẻ, có trình độ đại học, được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn nên chị nắm bắt, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của đồng bào mình. Thời gian qua, chị Thị Mơm kiên trì vận động bà con tham gia HTX, bản thân chị nêu gương đi đầu trong thực hiện những công việc khó khăn nhất kể từ khi thành lập HTX đến việc mở rộng sản xuất, hợp tác kinh doanh, xây dựng thương hiệu điều hữu cơ.

Lãnh đạo Ban CHQS huyện Lộc Ninh và chính quyền 2 xã Lộc Hiệp, Lộc Điền trao bảng tượng trưng số tiền hỗ trợ xây nhà cho các hộ khó khăn - Ảnh: T.T

Chị Thị Mơm cho biết: “Với trách nhiệm là trưởng thôn, mình luôn tìm hiểu, nắm bắt kỹ những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, vận động bà con. Bên cạnh đó, mình phải là người đi đầu, làm trước để bà con thấy được kết quả, từ đó họ mới tin tưởng làm theo. Rất vui vì đồng bào mình hiện đã thoát nghèo và không còn hộ đói”.

Ông Phạm Minh Huyền, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Nai cho biết: Các chị Thị Khưi và Thị Mơm là những nhân tố tích cực, có trách nhiệm trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, cơ sở vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ qua, đặc biệt là chương trình giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS. Toàn xã hiện chỉ còn 0,8% hộ nghèo, phấn đấu năm 2025 hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo bền vững.

Từ sự huy động tổng lực, đầu tư đồng bộ cho công tác giảm nghèo, chương trình mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh Bình Phước được triển khai thực hiện từ năm 2019, đến năm 2023 đã giảm được 6.598 hộ nghèo DTTS, vượt chỉ tiêu kế hoạch, góp phần thay đổi căn bản đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.

“Mái ấm cho đồng bào tôi”

Đón khách trong ngôi nhà đại đoàn kết khang trang, ấm cúng trị giá hơn 100 triệu đồng, anh Điểu Lấp ở thôn 1, xã Đường 10, huyện Bù Đăng xúc động chia sẻ: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước và bà con. Chúng tôi hiểu được sự hỗ trợ, giúp đỡ này là mong muốn đồng bào mình thoát khỏi đói nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau như lời Thủ tướng Chính phủ đã nói. Chúng tôi hứa sẽ cố gắng lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình”.

“Cuộc vận động Ngày vì người nghèo và xây dựng nhà đại đoàn kết ngày càng phù hợp với lòng dân, mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, tiếp tục vun đắp truyền thống đoàn kết, “tương thân, tương ái” của dân tộc và tạo sự gắn bó trong cộng đồng dân cư. Hiệu quả to lớn của việc xã hội hóa đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững”.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh HÀ ANH DŨNG

Giai đoạn 2019-2024, toàn tỉnh đã vận động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” hơn 334 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa 5.071 căn nhà đại đoàn kết, trị giá gần 313 tỷ đồng cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, vượt 500,1% chỉ tiêu kế hoạch.

Bình Phước hiện còn 1.121 hộ nghèo, 2.648 hộ cận nghèo, trong đó có 717 hộ cần hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở... đang tiếp tục cần sự chung tay, giúp đỡ của xã hội. Trong đó, thông qua quỹ “Vì người nghèo”, cụ thể là chương trình “Mái ấm cho đồng bào tôi” xây dựng nhà ở và hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững.

Việc làng, đất vàng cũng hiến

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, là sự hòa hợp giữa ý Đảng - lòng dân, được đại bộ phận nhân dân ủng hộ. Qua hơn 10 năm thực hiện, Bình Phước càng có thêm nhiều miền quê với không gian sống thân thiện, hài hòa, yên bình, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao. Có được kết quả đó không chỉ bởi cách làm hay, có nhiều sáng tạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở mà còn vì nội hàm mang ý nghĩa lớn lao từ mục tiêu dân giàu, nước mạnh đã khơi dậy tinh thần chung sức, đồng lòng của người dân vì quê hương giàu đẹp. Trong giai đoạn 2020-2023, nhân dân Bình Phước đã hiến tặng hàng trăm héc-ta đất, vật kiến trúc, cây trồng trị giá hàng trăm tỷ đồng cùng Nhà nước xây dựng gần 1.120km đường giao thông nông thôn, vượt 224% chỉ tiêu.

Bắt đầu từ phong trào dân vận khéo “Việc phố, việc làng đất vàng cũng hiến”, đến nay đã lan tỏa rộng khắp về những thôn, ấp vùng sâu, vùng xa hẻo lánh nhất của tỉnh Bình Phước, sôi nổi nhất là tại các địa phương đang trong lộ trình cán đích nông thôn mới năm 2024.

Không chỉ hiến 6 ha đất, trị giá 15 tỷ đồng để làm 5km đường giao thông, người dân xã Phú Trung, huyện Phú Riềng còn nhiệt tình hiến đất để xây dựng nhà văn hóa thôn. Trong số 6 nhà văn hóa thôn của xã thì có 3 nhà văn hóa do người dân tự nguyện hiến đất và ủng hộ kinh phí xây dựng. Trong đó, nhà văn hóa thôn Phú Nghĩa có diện tích hơn 1.000m2 với đầy đủ trang thiết bị trị giá 1,2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 400 triệu đồng. Bà Lê Thị Hồng ngụ thôn Phú Nghĩa, xã Phú Trung vui mừng cho biết: “Dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng khi cán bộ thôn đến động viên, gia đình đã bàn bạc vì lợi ích chung nên đã hiến đất và góp ít tiền cùng bà con trong thôn xây nên nhà văn hóa này”.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch UBMTTQVN xã Phú Trung kỳ vọng: Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận rất cao của nhân dân, Phú Trung đang trên con đường thuận lợi cán đích nông thôn mới năm 2024, góp phần đưa huyện Phú Riềng trở thành đơn vị cấp huyện thứ 3 của tỉnh Bình Phước hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

“Hãy để tôi có trách nhiệm với làng xóm”

Tuổi cao, sức yếu, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, được miễn trừ các khoản đóng góp nhưng khi biết ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú vận động nhân dân chung tay xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê” với kinh phí 15 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Thu (75 tuổi) đã không ngần ngại lấy 1 triệu đồng đóng góp xây dựng công trình. Bà Thu cho biết, đây là số tiền tiết kiệm được và dự định sẽ sửa lại căn nhà đại đoàn kết mà Nhà nước và bà con trong ấp đã xây tặng hơn 10 năm trước. Bà Thu bộc bạch: “Hãy để tôi có trách nhiệm cùng với bà con, làng xóm mình. Con đường được thắp sáng có lợi ích rất nhiều. Tôi mừng lắm!”.

Việc làm của bà Thu cùng hàng trăm người dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang tiếp tục lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp ý Đảng - lòng dân trong cộng đồng. Qua đó góp phần nhân rộng truyền thống đoàn kết, khát vọng vươn lên của Đảng bộ và sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân, tôn thêm nét đẹp con người Bình Phước hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo, là động lực to lớn để Bình Phước phát triển nhanh, bền vững, vươn mình lớn mạnh hội nhập với sự phát triển của đất nước.

Huỳnh Nguyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/167892/hien-thuc-sinh-dong-y-dang-long-dan
Zalo