Hiện thực mục tiêu thành vùng trọng điểm kinh tế biển ở Đồng bằng sông Cửu Long

Với lợi thế về vị trí trí địa lý có hơn 65 km bờ biển, với một ngư trường khá rộng lớn, tỉnh Trà Vinh không ngừng nỗ lực đầu tư khai thác tiềm năng để thực hiện hóa mục tiêu trở thành tỉnh trọng điểm về phát triển kinh tế biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bến cảng tổng hợp Khu kinh tế Định An. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bến cảng tổng hợp Khu kinh tế Định An. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đầu tư khai thác

Tỉnh Trà Vinh có vị trí địa lý nằm giáp biển, có diện tích tự nhiên hơn 2.391 km2, với chiều dài bờ biển hơn 65 km. Các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Trà Vinh như: Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành là những địa phương ven biển có điều kiện rất thuận lợi để phát triển ở các lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản và đặc biệt là nguồn điện gió dồi dào. Từ tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh luôn xác định nguồn lợi từ kinh tế biển là con đường phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi, nhanh và bền vững. Theo đó, nhiều năm qua, tỉnh Trà Vinh luôn ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho các địa phương ven biển, nhằm tạo nền tảng vững chắc để khai thác nguồn lợi kinh tế từ biển.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết: Việc khai thác tiềm năng kinh tế biển, thách thức lớn nhất đối với tỉnh Trà Vinh là nguồn nội lực về ngân sách không đủ thực thi những giải pháp căn cơ, quan trọng để tạo đà bứt phá. Bởi, để khai thác hiệu quả tiềm năng từ biển, Trà Vinh cần giải quyết hàng loạt vấn đề về giao thông, thủy lợi, đến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, khoa học kỹ thuật, lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cùng với các loại hình dịch vụ chất lượng cao như logistics, thương mại, du lịch…Để từ đây thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh tạo ra các sản phẩm từ biển tăng về lượng, tốt về chất, tăng giá trị đóng góp lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế biển, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã tạo thuận lợi cho tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc lớn. Tỉnh Trà Vinh được Chính phủ và bộ, ngành Trung ương hỗ trợ nhiều chương trình, dự án để phát triển kinh tế biển. Với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh triển khai thực hiện nhiều dự án lớn đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế biển.

Công trình điện gió đã hòa lưới điện quốc gia ở thị xã Duyên Hải (Trà Vinh). Ảnh: Thanh Hòa/ TTXVN

Công trình điện gió đã hòa lưới điện quốc gia ở thị xã Duyên Hải (Trà Vinh). Ảnh: Thanh Hòa/ TTXVN

Tỉnh đã có luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu xuyên qua địa phận tỉnh Trà Vinh thông với biển Đông, nối liền cảng Cái Cui (Cần Thơ) do Trung ương đầu tư. Đây là công trình quan trọng giúp Trà Vinh trở thành đầu mối giao thương hàng hóa với quốc tế thông qua con đường vận tải biển. Đặc biệt là đối với hàng hóa nông sản, thế mạnh của tỉnh Trà Vinh, được tiếp cận thị trường trong nước, các nước tiểu vùng sông MeKong và các nước cộng đồng kinh tế ASEAN.

Cùng với luồng tàu biển, tỉnh còn có Khu Kinh tế Định An, là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước được Trung ương đầu tư nhằm khai thác tiềm năng kinh tế biển, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội và tăng trưởng công nghiệp địa phương nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Khu Kinh tế Định An tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp và được định hướng phát triển thành vùng kinh tế động lực; trong đó ưu tiên phát triển các ngành, như: sản xuất điện năng, hóa dầu, đóng tàu cùng các ngành công nghiệp phụ trợ khác…

Theo ông Trần Viễn Phương, Phó Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Trà Vinh, Khu Kinh tế Định An hiện đã thu hút được trên 50 dự án, với tổng vốn đăng kí đầu tư gần 155.000 tỷ đồng (tương đương 6,7 tỷ USD); trong đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 2,71 tỷ USD với các lĩnh vực, như: cảng biển, logistics, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời, kho xăng dầu, siêu thị, nhà máy chế biến thủy sản, khu ươm tôm giống, vật liệu xây dựng (gạch tuynen, gạch không nung), du lịch sinh thái biển, lĩnh vực giáo dục, y tế, khu đô thị…

Về nguồn năng lượng điện gió được nhiều chuyên gia khảo sát đánh giá vô cùng lớn, với công suất ước tính lên đến hơn 46.500 MW. Nắm bắt tiềm năng lớn này, tỉnh đã sớm hoạch định và đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch. Hiện nay, tỉnh đã có 5 dự án điện gió, với tổng công suất 322MW đi vào vận hành thương mại và đang tiếp tục triển khai đầu tư 4 dự án điện gió mới, với tổng công suất khoảng 344MW.

Đáng lưu ý, tỉnh đang dẫn đầu cả nước về chỉ số xanh PGI và là địa phương đang đầu tư xây dựng nhà máy hydro điện xanh từ nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên và lớn nhất Việt Nam tại Khu kinh tế Định An. Dự kiến, khi xây dựng hoàn thành, nhà máy này sẽ đạt sản lượng khoảng 24.000 tấn hydro và 195.000 tấn oxy mỗi năm.

Cùng với các dự án đầu tư vào khu vực kinh tế biển, tỉnh Trà Vinh đã phát triển nhanh nghề nuôi trồng thủy sản vùng nước lợ, vùng ngập mặn và nghề khai thác biển. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.200 tàu đánh bắt và có diện tích nuôi tôm trên 57.000 ha. Tổng sản lượng thủy, hải sản hằng năm được đánh bắt và nuôi trồng đạt trên 220.800 tấn. Tổng giá trị sản xuất thủy sản bình quân của tỉnh đạt gần 13.000 tỷ đồng/ năm và giá trị sản xuất/ha đất nuôi trồng thủy sản đạt 325 triệu đồng/ha.

Hướng đến vùng trọng điểm

Chủ trương phát triển kinh tế biển ở Đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh được Chính phủ chọn là tỉnh trọng điểm phát triển cả về thủy sản lẫn thế mạnh trong giao thương quốc tế, phát triển cảng nước sâu với vai trò khu vực.

Thực hiện chủ trương này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI xác định, vùng phát triển kinh tế biển là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm và tập trung huy động các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để đưa Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, trong Chương trình phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tỉnh phát triển khá lên từ nguồn lực biển.

Năm 2025, tỉnh Trà Vinh đề ra mục tiêu đạt tổng giá trị sản xuất các huyện, thị xã ven biển đóng góp khoảng 70 - 75% giá trị sản xuất của toàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2 lần so với thu nhập bình quân chung của tỉnh. Giá trị tăng thêm ngành thủy sản tăng trưởng bình quân 5%/năm; sản lượng thủy sản đạt khoảng 300.000 tấn/năm; trong đó, nuôi trồng 200.000 tấn, khai thác 100.000 tấn. Các xã đảo trong tỉnh có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi. Tỉnh tập trung thu hút đầu tư phấn đấu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế năng lượng tái tạo với tổng công suất khoảng 46.500 MW…

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Vẳn Hẳn cho hay, để thực hiện đạt mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế biển, tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: rà soát, điều chỉnh và xây dựng đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển; phát triển khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; đẩy mạnh thu hút đầu tư cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

Tỉnh đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án: Dự án xây dựng nhà máy chế biến cá, tôm qui mô 10.000 tấn/năm; Dự án nhà máy bảo quản chế biến thủy, hải sản qui mô 10.000 tấn/năm; Dự án nhà máy chế biến thức ăn thủy sản qui mô 20.000 – 30.000 tấn/năm; Dự án nuôi tôm nước lợ công nghệ cao qui mô 200 – 300 ha/khu; Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ nghêu tại bãi bồi ven biển quy mô 200 – 300 ha/dự án; Dự án hợp liên kết nuôi tôm sinh thái xuất khẩu qui mô 1000 – 2000 ha…

Cùng với sự tập trung đầu tư nguồn nội lực, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng hệ thống logistics; kêu gọi, thu hút đầu tư và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp lớn có tiềm lực về cảng biển và năng lực đầu tư về hạ tầng, năng lượng tái tạo, kinh tế hàng hải; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế biển; kết nối với các đối tác quốc tế tiềm năng để đầu tư phát triển các công trình hạ tầng trọng điểm về kinh tế biển. Các địa phương ven biển đang thực thi các chính sách ưu đãi của Trung ương, của tỉnh để mời gọi doanh nghiệp đầu tư, khai thác khoảng 50.000 ha đất ven biển và 15.000 ha đất bãi bồi, cồn nổi để nuôi trồng thủy sản,ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, tạo giá trị gia tăng, gắn công nghiệp chế biến với thị trường xuất khẩu.

Tháng 4 vừa qua, Hội đồng Nhân dân tỉnh Trà Vinh đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường hành lang ven biển quy mô cấp III đồng bằng, 2 làn xe, tổng chiều dài 60,7 km. Tuyến đường sẽ kết nối với tuyến ven biển tỉnh Bến Tre qua cầu vượt cửa Cung Hầu và cầu Cổ Chiên 2, đồng thời kết nối với tỉnh Sóc Trăng qua cầu Đại Ngãi, với tổng mức đầu tư hơn 9.186 tỷ đồng từ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); trong đó ngân sách Trung ương cấp phát 90%, tỉnh Trà Vinh vay lại 10% và phần còn lại là vốn đối ứng.

Đây là dự án rất quan trọng, tác động lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dự án mở rộng không gian về hướng biển, kết nối, phát triển về kinh tế thủy sản, du lịch, năng lượng, công nghiệp; nâng cao hiệu quả tài nguyên biển, thu hút đầu tư phát triển các khu kinh tế ven biển; dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng nền kinh tế xanh; kết nối thuận lợi với mạng lưới giao thông liên kết vùng...

Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, là trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế hướng ra biển. Tỉnh Trà Vinh đã xây dựng Bộ Chỉ số đo lường năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (DDCI. DDCI của tỉnh Trà Vinh gồm 9 chỉ số thành phần, nhằm đo lường năng lực của chính quyền các huyện/thị xã/thành phố và các Sở, Ban ngành trong điều hành kinh tế để nhận thấy điều cần cải thiện đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Trước mắt, tỉnh tiếp tục triển khai, vận dụng các chính sách đã ban hành còn hiệu lực để hỗ trợ hiệu quả cho các nhà đầu tư trên các địa bàn thuộc các huyện, thị ven biển như chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu, đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, phát triển năng lượng tái tạo…

Tỉnh Trà Vinh đề cao quyết tâm cải thiện tốt môi trường đầu tư để đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư, thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế biển của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn, góp phần quan trọng cho tỉnh Trà Vinh hoàn thành mục tiêu vươn tới tỉnh trọng điểm về phát triển kinh tế biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phúc Sơn

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/hien-thuc-muc-tieu-thanh-vung-trong-diem-kinh-te-bieno-dong-bang-song-cuu-long-20250519092649601.htm
Zalo