Xu hướng team building 2025: Nghỉ dưỡng biển, trekking 'lên ngôi'
Doanh nghiệp Việt đang đầu tư nghiêm túc hơn cho hoạt động team building, với xu hướng kết hợp nghỉ dưỡng tại biển hoặc trekking nhằm tăng trải nghiệm và xây dựng văn hóa nội bộ.

“Tăng trưởng” là ghi nhận chung của một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đối với hoạt động team building trong mùa hè năm nay.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Phạm Văn Bẩy, Phó giám đốc công ty Vietravel Hà Nội, cho biết số lượng khách hàng doanh nghiệp đặt tour team building trong giai đoạn này tăng khoảng 20-25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, nhiều công ty chủ động lên kế hoạch sớm, thậm chí từ quý I, cho thấy mức độ quan tâm lớn và thái độ đầu tư nghiêm túc vào hoạt động trên.
Tương tự, ông Phạm Anh Vũ, Phó giám đốc công ty Du lịch Việt, cũng chia sẻ về mức tăng trưởng 15-20% so với năm trước. Ngoài ra, ông cũng cho biết khách hàng bắt đầu liên hệ và yêu cầu báo giá tương đối sớm, trước 1-1,5 tháng so với năm ngoái.
Số lượng người tham gia lớn và yêu cầu cao về chất lượng nghỉ dưỡng tại các địa điểm du lịch nổi tiếng trong mùa cao điểm đòi hỏi các đơn vị vào cuộc sớm.
Trong bối cảnh tích cực này, xu hướng team building được ưa chuộng trong năm nay có thể là kết hợp giữa nghỉ dưỡng và hoạt động tập thể - không chỉ vui chơi mà còn hướng đến các chương trình ý nghĩa, xây dựng văn hóa, gắn kết nhân sự.
Các xu hướng team building được ưa chuộng
Theo ông Anh Vũ, phần lớn doanh nghiệp yêu cầu chương trình thiết kế riêng, sử dụng dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng cao, kết hợp phát triển kỹ năng mềm và gắn kết đội ngũ.
Đối với các hoạt động phát triển cá nhân, các công ty thường tổ chức hội thảo chuyên đề, đào tạo kỹ năng và workshop. Sau đại dịch Covid-19, nhiều đơn vị bắt đầu chú trọng đến sức khỏe tinh thần và trải nghiệm thực tế của người lao động.
Bên cạnh đó, sự gia tăng về số lượng nhân sự Gen Z trên thị trường lao động cũng góp phần thúc đẩy các hoạt động ý nghĩa, tạo ra giá trị sống hiện đại.

Nhóm nhân sự Gen Z thúc đẩy các hoạt động team building hiện đại, ý nghĩa. Ảnh: Du lịch Việt.
Đối với mục đích kết nối tập thể, doanh nghiệp lại chuộng hình thức gala dinner và hoạt động xây dựng đội nhóm. Các tổ chức hiện nay đều nhận thấy tầm quan trọng của hoạt động team building trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Những chuyến đi này góp phần giữ chân nhân sự, thu hút nhân tài, đồng thời nâng cao hiệu suất làm việc nhóm.
Ngoài ra, những buổi tri ân khách hàng hay gặp gỡ đối tác cũng có thể kết hợp vào chương trình team building để tối ưu chi phí tổ chức. Các đoàn doanh nghiệp đi nước ngoài lại có xu hướng bổ sung hoạt động khảo sát, gặp mặt đối tác, nghiên cứu thị trường và tham quan mô hình sản xuất tại điểm đến.
Trong khi đó, ông Văn Bẩy lại nhận thấy xu hướng team building năm nay bao gồm chương trình MICE (hình thức du lịch kết hợp giữa hội họp, khen thưởng, hội thảo và triển lãm) tại các bãi biển trong và ngoài nước.
Theo ông, du lịch biển luôn là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam trong mùa hè. Những điểm đến này được đánh giá là tương đối thuận lợi về mặt vị trí, đảm bảo các yếu tố như rộng rãi, thoáng mát và có không gian riêng để tổ chức hoạt động đông người.
Ngoài ra, chuyến đi kết hợp trekking cũng là một hình thức phát triển. Ông Văn Bẩy nhận định rằng hoạt động trekking mang đến trải nghiệm mới mẻ, tính kỷ luật, đặc biệt giúp nâng cao tinh thần đoàn kết.
Hiện nay, ngay cả doanh nghiệp quy mô nhỏ khoảng 30 người cũng có nhu cầu kết hợp nghỉ dưỡng và team building. Các công ty đều có nhu cầu phát triển văn hóa nội bộ thông qua chuyến du lịch hè, tối ưu hóa chi phí tổ chức.
Doanh nghiệp, đơn vị lữ hành cần làm gì?
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Phó giám đốc công ty Vietravel Hà Nội lưu ý các doanh nghiệp cần xác định mục đích tổ chức rõ ràng để lựa chọn hình thức team building phù hợp, không nhất thiết phải chạy theo xu hướng.
Bên cạnh mục đích của doanh nghiệp, các công ty cũng cần quan tâm đến mong muốn từ phía nhân viên, đảm bảo chương trình thích hợp với thể trạng và sở thích của đội ngũ nhân sự. Việc tính toán trước ngân sách đầu người cho hoạt động này cũng giúp công tác tổ chức trở nên thuận lợi hơn.

Chương trình team building có tính cá nhân hóa cao được doanh nghiệp ưa chuộng, đơn vị lữ hành đề cao. Ảnh: Linh Huỳnh.
Cuối cùng, điều quan trọng là lựa chọn đơn vị lữ hành có kinh nghiệm, chuyên môn và uy tín để tiến hành hợp tác nhằm đảm bảo chi phí tổ chức được sử dụng hiệu quả.
Về phía các đơn vị lữ hành, công tác tư vấn cần diễn ra linh hoạt. Ông Văn Bẩy cho biết đa số doanh nghiệp chỉ đưa ra tổng ngân sách, số người và yêu cầu chung khi liên hệ với công ty tổ chức.
Vì thế, đơn vị du lịch phải chuẩn bị các phương án tư vấn phù hợp với ngân sách, nhu cầu của các công ty khác nhau, nhằm tạo ra chương trình mang tính chất “đo ni đóng giày”. Việc chuẩn bị kỹ càng và dự phòng rủi ro cũng quan trọng không kém.
Đồng tình, ông Anh Vũ cũng đề cao tính cá nhân hóa của các chương trình team building. Để thực hiện mục tiêu này, đơn vị lữ hành cần làm việc chặt chẽ để hiểu rõ nhu cầu và mục tiêu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, sự hiểu biết về địa hình tự nhiên và văn hóa của điểm đến cũng góp phần giúp công ty du lịch xây dựng chương trình phù hợp và sáng tạo.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, ông lưu ý các công ty cần cân nhắc kỹ về mục tiêu và ngân sách tổ chức. Hoạt động team building có thể tốn kém hơn so với chương trình du lịch truyền thống.
Nếu không xác định mục đích tổ chức rõ ràng từ đầu, các doanh nghiệp có khả năng đưa ra lựa chọn sai, gây lãng phí về tài chính và các nguồn lực khác.