Hiện thực hóa khát vọng hóa Rồng

Khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn

Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập…".

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra hiện trường dự án sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra hiện trường dự án sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: VGP.

Lời hiệu triệu đó đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho toàn thể dân tộc Việt Nam trong suốt hành trình đầy gian nan nhưng vĩ đại để bảo vệ quyền tự do và độc lập.

Tinh thần quyết tâm bảo vệ tự do và độc lập là một dòng chảy liên tục, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, minh chứng cho ý chí kiên cường, bất khuất của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng với nhiều thách thức và cơ hội mới, từ sự phát triển công nghệ 4.0, biến đổi khí hậu, đến các xu hướng kinh tế toàn cầu… Đổi mới tư duy giúp chúng ta nhận thức và thích ứng tốt hơn với các xu hướng này.

TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)

Tuy nhiên, "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Lời của Bác đã thể hiện rõ tầm nhìn sâu sắc về mục tiêu cuối cùng của cách mạng là đem lại hạnh phúc, tự do cho toàn dân. Đó cũng chính là định hướng cho con đường của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Chính sách đổi mới đã đưa Việt Nam từ một nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giúp tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nâng cao đời sống nhân dân.

Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, thường xuyên đạt mức trên 6% mỗi năm trong nhiều thập kỷ qua. Từ một quốc gia nghèo, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Chúng ta cũng đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, xây dựng hệ thống pháp luật minh bạch, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quản lý Nhà nước và xã hội.

Tinh thần "đem lại hạnh phúc, tự do cho toàn dân" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng một đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như mong ước của Người.

Thành công đến từ nhiều yếu tố

Thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam những năm qua là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp, từ chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng của toàn dân, đến môi trường quốc tế thuận lợi.

Trước hết, từ năm 1986, chính sách đổi mới đã thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân.

Thứ hai, sự ổn định chính trị đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cảng, sân bay và hệ thống điện nước. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và kinh doanh mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Thứ tư, Việt Nam đã đầu tư vào giáo dục và đào tạo giúp nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng của lực lượng lao động, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hiện đại.

Thứ năm, Việt Nam đã chủ động hội nhập quốc tế, gia nhập các tổ chức kinh tế toàn cầu như WTO, ASEAN và ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Điều này giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy chuyển giao công nghệ.Thứ sáu, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển đã thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Khu vực tư nhân đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP và tạo ra việc làm.

Thứ bảy, Việt Nam đã chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và đời sống. Các lĩnh vực như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh đã được đầu tư phát triển mạnh mẽ.

Thứ tám, cải cách hành chính, minh bạch hóa quy trình và thủ tục, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đã giúp giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Chính sách "ngoại giao cây tre" cũng đóng vai trò quan trọng và có tác động sâu rộng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này không chỉ tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi mà còn thu hút được nhiều sự hỗ trợ và hợp tác từ các đối tác quốc tế.

Ngoại giao mở cửa và thân thiện giúp Việt Nam thu hút một lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

Đổi mới tư duy, tạo đột phá

Con đường phía trước của dân tộc Việt Nam ta đang mở ra với những cơ hội và thách thức chưa từng có. Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, tại các kỳ Đại hội gần đây, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, tạo ra đột phá về thể chế, về cơ sở hạ tầng và về nhân lực.

Hạ tầng hiện đại và đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. (Trong ảnh: Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt thông xe, rút ngắn hành trình từ Hà Nội về Nghệ An còn 3,5 giờ, thay vì 5 giờ như trước).

Hạ tầng hiện đại và đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. (Trong ảnh: Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt thông xe, rút ngắn hành trình từ Hà Nội về Nghệ An còn 3,5 giờ, thay vì 5 giờ như trước).

Trước hết là đổi mới tư duy. Đổi mới tư duy không chỉ là việc nhận thức mới mà còn là sự thúc đẩy sáng tạo và đổi mới trong mọi lĩnh vực, nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng và cơ hội, tạo ra những giá trị mới và đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, tạo đột phá về thể chế. Xây dựng và hoàn thiện thể chế đồng bộ giúp cải cách hành chính và pháp lý, tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp.

Thứ ba, tạo đột phá về cơ sở hạ tầng. Các hạ tầng hiện đại và đồng bộ giúp kết nối các vùng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và giao thương, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ tư, tạo đột phá về nhân lực. Tạo đột phá về nhân lực là một chiến lược quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo là những yếu tố then chốt. Đột phá về nhân lực không chỉ là đầu tư vào con người mà còn là đầu tư vào tương lai của quốc gia, đảm bảo một nền kinh tế mạnh mẽ và xã hội phát triển toàn diện.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hien-thuc-hoa-khat-vong-hoa-rong-192240830104257694.htm
Zalo