Hiện thân sinh động tinh thần đại đoàn kết dân tộc và khát vọng thống nhất đất nước

Tư tưởng đại đoàn kết là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nền tảng đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi và tiếp tục soi đường trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bức ảnh Bác Hồ - Bác Tôn chụp năm 1960 khi Bác Tôn được bầu làm Phó Chủ tịch nước. Ảnh: Tư liệu

Bức ảnh Bác Hồ - Bác Tôn chụp năm 1960 khi Bác Tôn được bầu làm Phó Chủ tịch nước. Ảnh: Tư liệu

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Bài học lớn nhất và xuyên suốt là phát huy sức mạnh nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp hài hòa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại…

Biểu tượng thiêng liêng của khối đại đoàn kết toàn dân

Trong những thời khắc trọng đại của lịch sử, có những hình ảnh giản dị mà có sức lan tỏa mạnh mẽ. Ngày 15.7.1960, tại Hội trường Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp trọng thể của Quốc hội, khi đồng chí Tôn Đức Thắng được nhất trí bầu giữ cương vị Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bước đến, nắm chặt tay đồng chí Tôn Đức Thắng với nụ cười đôn hậu và lời chúc mừng sâu sắc: “Toàn thể Quốc hội nhất trí bầu cụ làm Phó Chủ tịch nước, tức là đồng bào miền Nam đều bầu cụ làm Phó Chủ tịch nước. Điều đó tiêu biểu rằng, nước ta nhất định thống nhất”.

Khoảnh khắc ấy được ống kính phóng viên ghi lại, sau này trở thành một biểu tượng không chỉ cho sự kiện chính trị mà còn là kết tinh thiêng liêng của tình cảm Bắc - Nam, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong những năm tháng đất nước bị chia cắt, miền Bắc căng mình chi viện cho miền Nam ruột thịt. Còn ở miền Nam, sống trong kìm kẹp của chế độ Mỹ - Diệm, đã kiên cường chiến đấu vì khát vọng độc lập, thống nhất. Trong bối cảnh ấy, hình ảnh Bác Hồ - Bác Tôn nắm chặt tay nhau trở thành biểu tượng thiêng liêng cho tình đoàn kết Bắc - Nam, là nguồn động viên tinh thần to lớn với đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Sau ngày đất nước thống nhất, hình ảnh hai Bác vẫn luôn được trân trọng gìn giữ ở những nơi trang trọng nhất, từ trụ sở các cơ quan đến vùng sâu, vùng xa, hay những hội quán kiều bào nơi đất khách. Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc trong các chuyến công tác thường mang theo bức ảnh ấy để làm quà tặng, như một biểu tượng của lòng tin, sự kết nối và khơi dậy tinh thần đoàn kết…

Đặc biệt, từ năm 2010, hình tượng này được thể hiện bằng tác phẩm điêu khắc Bác Hồ - Bác Tôn nắm tay nhau, được dựng tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội). Đây là món quà của Đảng bộ và nhân dân TP.HCM tặng Đảng bộ và nhân dân Thủ đô nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010). Tượng đài như một sự tiếp nối giá trị biểu tượng đại đoàn kết toàn dân tộc, một lần nữa khẳng định tình cảm gắn bó máu thịt Bắc - Nam.

Phát biểu tại lễ khánh thành tượng đài, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, tượng đài là hình ảnh rõ nét nhất về tình đoàn kết, thống nhất dân tộc trong và ngoài nước xuyên suốt từ lịch sử đến hiện tại, là động lực để lãnh đạo và nhân dân Việt Nam cùng nhau thực hiện thành công công cuộc Đổi mới và phát triển đất nước.

Tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (TP.HCM), bức ảnh Bác Hồ - Bác Tôn được trưng bày trang trọng trong không gian chủ đề “Một hạt nhân đại đoàn kết dân tộc”. Nội dung trưng bày thể hiện vai trò quan trọng của hai vị lãnh tụ trong việc kết nối cộng đồng dân tộc, đồng thời là lời nhắc nhở thế hệ trẻ về tinh thần đoàn kết, sự hy sinh và cống hiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chia sẻ với Văn Hóa về bức ảnh lịch sử và thông điệp đại đoàn kết toàn dân tộc, PGS.TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhấn mạnh: Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm tay đồng chí Tôn Đức Thắng trong lễ bầu Phó Chủ tịch nước không chỉ là cử chỉ thân tình, mà còn là biểu tượng sâu sắc của tình đoàn kết Bắc - Nam và tinh thần “cộng đồng trách nhiệm” trong công cuộc thống nhất đất nước sau Nghị quyết Trung ương 15 (tháng 1.1959). Từ Đại hội III của Đảng Lao động Việt Nam (tháng 9.1960), quan điểm “miền Bắc là hậu phương lớn, miền Nam là tiền tuyến lớn” được khẳng định, với mục tiêu tối thượng là Bắc - Nam sum họp một nhà.

Biểu hiện sinh động tư tưởng đại đoàn kết của Bác

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu chí lựa chọn nhân tài không phải ở lý lịch, thành phần, hay tư cách đảng viên, mà ở phẩm chất, năng lực, lòng trung thành với Tổ quốc. Người từng nói: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được”.

Thực tiễn cho thấy, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bác đã mời nhiều trí thức, nhân sĩ ngoài Đảng tham gia vào chính quyền cách mạng. Người không chỉ coi nhân tài là nguyên khí quốc gia, mà còn xem trọng việc đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng trong và ngoài Đảng vào sự nghiệp cách mạng. Nhiều trí thức, nhân sĩ ngoài Đảng đã được mời giữ trọng trách cao như cụ Huỳnh Thúc Kháng, luật sư Phan Anh, giáo sư Nguyễn Văn Huyên, kỹ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Hồ Đắc Di…

PGS.TS Phan Xuân Biên khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương lớn trong trọng dụng nhân tài, đặc biệt là nhân tài ngoài Đảng. Ngay từ năm 1945, khi thành lập Chính phủ lâm thời, Người đã mời nhiều trí thức không phải đảng viên tham gia Nội các. Chính phủ lâm thời có 15 thành viên thì chỉ 6 người thuộc Mặt trận Việt Minh. Tháng 3.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cải tổ Chính phủ lâm thời thành Chính phủ liên hiệp kháng chiến với cơ cấu 10 Bộ thì Mặt trận Việt Minh và Đảng Dân chủ chỉ giữ 4 Bộ, hai đảng Việt Quốc và Việt Cách giữ 4 bộ, hai Bộ quan trọng nhất là Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng đều do những người không đảng phái nắm giữ.

Một minh chứng cụ thể, ngày 29.5.1946, trước khi đi Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 82/SL trao quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, người không phải đảng viên, với lời dặn: “Mong cụ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến’”. Điều đó thể hiện niềm tin khoa học vào con người của Bác. Thực tế chứng minh, những người được Bác trọng dụng đều xứng đáng với sự tin cậy ấy. Việc lựa chọn người tài đúng năng lực và sở trường là một nguyên tắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên định: “Tài to thì dùng làm việc to, tài nhỏ thì làm việc nhỏ. Ai có năng lực việc gì, ta đặt đúng vào việc ấy”. Việc trọng dụng nhân tài không phân biệt đảng viên hay không, chính là cách Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện thực hóa tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Trong tư tưởng của Người, “đoàn kết” không chỉ là thống nhất ý chí, mà còn là quy tụ và phát huy mọi nguồn lực, mọi trí tuệ vì mục tiêu chung.

Chia sẻ với Văn Hóa, PGS.TS.NGƯT Ngô Minh Oanh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM, khẳng định: Bác Hồ là hiện thân sinh động nhất của tinh thần đại đoàn kết dân tộc và khát vọng thống nhất đất nước. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã hy sinh, cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, với niềm tin sắt son vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân.

“Trong quá trình hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước thống nhất, Trung Nam Bắc đều là đất nước Việt Nam”. Tư tưởng đại đoàn kết của Bác luôn gắn liền với mục tiêu giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Người kêu gọi: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Không chỉ đoàn kết để giành độc lập, Bác còn đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo đời sống nhân dân. Người từng bày tỏ khát vọng cao nhất của mình: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Ngay trong những ngày cuối đời, trong bản Di chúc thiêng liêng, Bác vẫn căn dặn Đảng phải “có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân””, PGS. TS.NGƯT Ngô Minh Oanh chia sẻ.

Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn mới, phát triển nhanh, bền vững và hội nhập sâu rộng, bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng trở nên cấp thiết. Những tư tưởng của Bác về sử dụng người tài, không phân biệt đảng viên hay ngoài Đảng, càng có giá trị thực tiễn sâu sắc trong công cuộc xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì dân.

THÙY TRANG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/chinh-tri/hien-than-sinh-dong-tinh-than-dai-doan-ket-dan-toc-va-khat-vong-thong-nhat-dat-nuoc-135554.html
Zalo