Hiến tạng cứu người - nghĩa cử cao đẹp
Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Như Hiệp cảm ơn và đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp của chị B. và người thân đã vượt qua tâm lý, quan niệm để quyết định hiến tặng mô và bộ phận cơ thể anh Trần Hữu N. là chồng chị B. khi đã chết não để ghép cho bảy người khác. Đây là nghĩa cử rất cao đẹp và quyết định kịp thời của chị B. cùng người thân gia đình chồng chị B. giúp Bệnh viện Thống Nhất phối hợp các bệnh viện khác và Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia phẫu thuật lấy mô và bộ phận cơ thể của anh N. khi đã chết não để ghép cho bảy người khác.

Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Chủ tịch Hội đồng ghép tạng Bệnh viện, thắp hương tưởng nhớ anh Trần Hữu N.
Nhân chuyến công tác vào dự Hội thảo khoa học kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh, ngày 28/3, Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Chủ tịch Hội đồng ghép tạng Bệnh viện cùng Thạc sĩ, bác sĩ Lê Đăng Trung, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh đã đến thăm mẹ con chị Đặng Thị Thu B. là vợ anh Trần Hữu N, sinh năm 1981, trú tại phường Thành Công, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, người đã hiến bảy đơn vị mô và bộ phận cơ thể ghép cho bảy người khác.

Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Chủ tịch Hội đồng ghép tạng Bệnh viện và Thạc sĩ, bác sĩ Lê Đăng Trung, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh dâng hương tưởng nhớ anh Trần Hữu N.
Tại gia đình chị Đặng Thị Thu B. nằm trong con hẻm nhỏ đường Đào Duy Từ phường Thành Công, thành phố Buôn Ma Thuột, Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Như Hiệp hỏi thăm sức khỏe, hoàn cảnh của mẹ con chị B. cùng người thân trong gia đình.
Đặc biệt, Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Như Hiệp cảm ơn và đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp của chị B. và người thân đã vượt qua tâm lý, quan niệm để quyết định hiến tặng mô và bộ phận cơ thể anh Trần Hữu N. là chồng chị B. khi đã chết não để ghép cho bảy người khác. Đây là nghĩa cử rất cao đẹp và quyết định kịp thời của chị B. cùng người thân gia đình chồng chị B. giúp Bệnh viện Thống Nhất phối hợp các bệnh viện khác và Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia phẫu thuật lấy mô và bộ phận cơ thể của anh N. khi đã chết não để ghép cho bảy người khác.
Bởi theo Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Như Hiệp, hiện nay nhu cầu của người bệnh về ghép mô và bộ phận cơ thể là rất lớn, trong khi đó việc hiến mô và bộ phận cơ thể từ người hiến chết não trong những năm gần đây tuy đã có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn còn ít. Vì vậy, thông qua việc làm của chị Đặng Thị Thu B. và người thân bên gia đình chồng hiến tặng mô và bộ phận cơ thể của anh Trần Hữu N. khi đã chết não để ghép cho bảy người khác là việc làm nhân văn, nghĩa cử cao đẹp, cần được biểu dương và nhân rộng trong cả nước.
Trước đó, ngày 17/3, anh Trần Hữu N., trong quá trình bốc xếp đá hoa cương tại một xưởng đá ở Thành phố Hồ Chí Minh để chở về thành phố Buôn Ma Thuột thì xảy ra tai nạn nên được đưa vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu.
Tại đây, anh N. bị đa chấn thương rất nặng (chấn thương đầu mặt, chấn thương cột sống cổ, chấn thương ngực, gãy xương sườn, tổn thương phổi) trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở.
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất đã hồi sinh tim, phổi thành công cho bệnh nhân. Sau đó bệnh nhân được chuyển theo dõi tại Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức.
Các bác sĩ, nhân viên y tế đã tích cực, tận tâm cứu chữa. Tuy nhiên, do tổn thương não quá nặng, bệnh nhân được đánh giá tiềm năng chết não và Bệnh viện đã tiến hành kích hoạt Chi hội Vận động hiến ghép mô tạng của Bệnh viện tiến hành gặp gỡ, trao đổi với vợ, mẹ và các người em của bệnh nhân. Sau khi được giải thích kỹ thì gia đình đã nén lại nỗi đau đưa ra một quyết định vô cùng cao đẹp - đồng ý hiến tặng các mô và bộ phận cơ thể khi anh N. chết não.
Bệnh viện đã kích hoạt hệ thống để đánh giá tình trạng bệnh nhân về cả cơ sở pháp lý và chuyên môn với hội đồng chuyên gia đánh giá bệnh nhân chết não hoạt động độc lập với quá trình điều trị.
Sáng 19/3, sau khi có kết luận của Hội đồng chuyên gia đánh giá bệnh nhân chết não, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đã đưa ra công bố chết não vào lúc 8 giờ 30 phút cùng ngày và chủ trì hội chẩn chuyên môn cùng các chuyên gia đến từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Các chuyên gia đã thống nhất và quyết định bắt đầu phẫu thuật lấy mô và bộ phận cơ thể vào lúc 14 giờ cùng ngày.
Ca phẫu thuật lấy mô và bộ phận cơ thể từ người hiến chết não đã thành công, bảy đơn vị mô và bộ phận cơ thể đã được vận chuyển nhanh chóng đến các bệnh viện để ghép cho người nhận, bao gồm: hai quả thận ghép cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Thống Nhất; một quả tim và một phần gan ghép cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh; một phần gan được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế; hai giác mạc được ghép cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ban Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đã phân công các bộ phận tổ chức hậu sự chu đáo cho người hiến tạng và đưa về an táng tại quê nhà.
Hiện tại, các bệnh nhân sau khi được ghép tạng đang có quá trình phục hồi tích cực.
Chị Đặng Thị Thu B. cho biết, khi được các bác sĩ thông báo tình trạng bệnh của chồng và được các bác sĩ gợi ý hiến tạng: "Do đã từng xem những thông tin về hiến tạng nên tôi rất hiểu. Tôi ngưỡng mộ người nhà của những người hiến tạng đã cho đi một phần cơ thể của người thân để mang lại sự sống cho người khác. Vì vậy, sau khi suy nghĩ thấu đáo, tôi gọi ba người em của anh N. vào nói chuyện về việc hiến tạng. Lúc đó, những người em của anh N. không nói gì mà quay mặt khóc.
Một lát sau, ba người em của anh N. quay vào trả lời không đồng ý vì muốn anh được nguyên vẹn trở về. Lúc này tôi tiếp tục động viên và giải thích cho các em rằng vụ việc của anh N. liên quan đến pháp luật nên cũng phải mổ tử thi để điều tra. Đồng thời, tôi xin ý kiến bác sĩ cho thêm thời gian để động viên gia đình. Tôi tiếp tục giải thích cho các em rằng chết xuống cũng chỉ còn là nắm đất, nếu đi thiêu thì cũng chỉ còn nắm tro. Tôi muốn trước khi chồng mất, những phần cơ thể của anh vẫn còn lại trên thế gian để cứu sống được nhiều người. Bác sĩ nói anh có thể cứu được sáu đến tám người nên phải kìm nén nỗi đau đớn để mang lại sự sống cho nhiều người”, chị B. chia sẻ.
Sau khi thuyết phục xong ba người em chồng, chị B. tiếp tục gọi điện cho tất cả những người thân trong gia đình và tất cả đều cho rằng đó là nghĩa cử rất cao đẹp.
Được sự ủng hộ của gia đình, chị B. thông báo cho bác sĩ. Khi nhận được thông tin gia đình đồng ý hiến tạng, bác sĩ nói rằng chúng tôi sống trong khoa học nhưng không bác bỏ tâm linh. Do đó, bác sĩ đề nghị chị B. vào xin ý kiến của chồng vì đó là cơ thể của anh ấy.
“Lúc này, tôi vào tâm sự với chồng rằng cơ thể của anh có thể cứu sống được nhiều người, anh đồng ý hiến không. Lúc đó, anh đã chết não rồi nhưng thực sự trong một khoảnh khắc, tôi cảm nhận được cái gật đầu của anh. Tôi vội vàng hỏi lại có phải anh gật đầu hay em tưởng tượng thì anh không phản ứng gì nhưng tôi cảm nhận anh đã đồng ý”, chị B. rưng rưng nước mắt nói.
Vợ chồng chị Đặng Thị Thu B. có hai người con, cháu lớn năm nay học lớp 8, cháu nhỏ học lớp 5 và đang ở nhà của mẹ vợ. Anh N. chồng chị B. là lao động chính trong gia đình, nay anh mất đi khiến cho cuộc sống của mẹ con chị thêm khó khăn.