Hiến pháp năm 2013 và không gian cải cách, đổi mới
Hiến pháp năm 2013 thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng và ý chí, nguyện vọng của nhân dân làm cơ sở hiến định cho thời kỳ phát triển mới của đất nước, dân tộc.
Hiến pháp đã kiến tạo nên không gian hiến định rộng mở cho cải cách, đổi mới trên các phương diện: Tiếp tục hoàn thiện và phát triển chế độ chính trị, Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người; thể chế về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, đối ngoại, quốc phòng, an ninh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực hiện Hiến pháp trong hơn 10 năm qua, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Hiện nay, Đảng đang lãnh đạo, chỉ đạo cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, cụ thể là Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, việc tinh gọn tổ chức bộ máy lần này được thực hiện trên cơ sở Cương lĩnh của Đảng, Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp và pháp luật.
![Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13. Ảnh: TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51443587/3501152e2160c83e9171.jpg)
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13. Ảnh: TTXVN
Nghiên cứu kỹ, thấu đáo một cách tổng thể, có hệ thống nội dung và tinh thần các quy định của Hiến pháp cho thấy trước mắt việc tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước nói trên có thể được thực hiện trong khuôn khổ Hiến pháp hiện hành bởi Hiến pháp quy định mở, có tính nguyên tắc và để các luật hoặc nghị quyết của Quốc hội quy định cụ thể.
Chẳng hạn:
- Hiến pháp không quy định cụ thể các ủy ban của QH và các bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ.
- Đối với chính quyền địa phương, Hiến pháp chỉ quy định chung ở đơn vị hành chính tổ chức cấp chính quyền địa phương thì chính quyền địa phương ở đơn vị đó bắt buộc phải gồm có HĐND và UBND, phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; UBND ở đó do HĐND cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
- Đối với TAND và VKSND, Hiến pháp quy định TAND gồm có TAND tối cao và các tòa án khác; VKSND gồm có VKSND tối cao và các VKS khác, tức là không quy định cụ thể tòa án và viện kiểm sát các cấp dưới TAND tối cao và VKSND tối cao trong đó có các cấp địa phương.
- Tổ chức và hoạt động của các cơ quan nói trên do QH (Luật hoặc nghị quyết của QH) quy định.
Như vậy, chỉ cần sửa đổi các luật và các nghị quyết có liên quan của QH như:
- Luật Tổ chức QH năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), nghị quyết năm 2022 của QH về nội quy kỳ họp QH.
- Luật Tổ chức CP năm 2014, nghị quyết của QH năm 2007 về cơ cấu tổ chức của CP.
- Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và các nghị quyết có liên quan của QH, kể cả có thể sửa đổi để quy định chính quyền địa phương theo mô hình mới, trong đó có mô hình Trưởng đơn vị hành chính ở các đơn vị hành chính không tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND (nếu áp dụng ngay mô hình Trưởng đơn vị hành chính tại tất cả các đơn vị hành chính theo cơ chế Thủ trưởng hành chính là không phù hợp với Hiến pháp hiện hành).
- Luật Tổ chức TAND năm 2024, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và các nghị quyết có liên quan của QH, kể cả có thể sửa đổi để quy định tổ chức TAND và VKSND khu vực dưới cấp tỉnh thay vì tổ chức theo cấp huyện như hiện nay.
Có lẽ việc nặng nề nhất, khó nhất, phức tạp nhất là sửa đổi hàng trăm luật có liên quan đến đổi mới phân công, phân cấp, phân quyền, điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan Trung ương, giữa Trung ương và địa phương trong đó có QH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh và giữa các cấp địa phương để đáp ứng yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy.
Tất cả các luật và nghị quyết của QH và các văn bản pháp luật khác có quy định không còn phù hợp với yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy như nói trên cần phải được sửa đổi, thậm chí bãi bỏ.
Vấn đề là phải kịp thời, không được chậm trễ nhưng không được trái với nội dung và tinh thần của Hiến pháp, phải thượng tôn Hiến pháp.
Khi soạn thảo, thẩm định, phản biện, thẩm tra các dự án luật, dự thảo nghị quyết để trình QH mà thấy có vấn đề về tính hợp hiến thì các cơ quan có trách nhiệm cần cùng nhau thảo luận, diễn giải và trong trường hợp cần thiết thì trình UBTVQH giải thích nội dung và tinh thần của Hiến pháp để làm cơ sở cho việc trình và thông qua các văn bản phù hợp với Hiến pháp.
Xin được nêu một cách diễn giải về tính hợp hiến:
Theo quy định của Hiến pháp, văn bản của Chủ tịch nước, UB Thường vụ QH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC không được trái với Hiến pháp, Luật, nghị quyết của QH. Nếu trái, sẽ bị QH bãi bỏ (khoản 10 điều 70);
Văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC không được trái với Pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH (khoản 4 điều 74); nghị quyết của HĐND cấp tỉnh không được trái với Hiến pháp, Luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên (khoản 7 điều 74). Nếu trái, sẽ bị UBTVQH bãi bỏ.
Theo nguyên tắc tuân thủ tính tối cao của Hiến pháp (điều 119) và nguyên tắc tập trung dân chủ (điều 8), ngay cả QH (luật, nghị quyết của QH) cũng không được quy định giao UB Thường vụ QH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH và quy định cho phép HĐND cấp tỉnh ban hành văn bản trái với Hiến pháp và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.
Một số luật, nghị quyết của QH đã được ban hành vừa qua và đang được chuẩn bị trình QH cần phải được xem xét, đánh giá kỹ về tính phù hợp với Hiến pháp theo các quy định và nguyên tắc hiến định nói trên.
Hiến pháp có giá trị và tính ổn định lâu dài nhưng không bất biến. Trước cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy do Đảng khởi xướng, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiện nay và sẽ còn tiếp diễn, chắc chắn tới đây vấn đề sửa đổi Hiến pháp sẽ được đặt ra và thực hiện để tiếp tục mở rộng không gian hiến định nhằm tiếp tục cải cách, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị nói riêng và đất nước nói chung.