Hiến máu cứu người: Nghĩa cử cao đẹp cần nhân rộng

Hiến máu là một trong những hành động nhân văn cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân tương ái và trách nhiệm với cộng đồng.

Nguồn cảm hứng từ những tấm gương tiêu biểu

Máu là nguồn tài nguyên đặc biệt mà khoa học hiện nay chưa thể tổng hợp nhân tạo. Trong khi đó, cứ mỗi ngày, hàng ngàn bệnh nhân bị tai nạn, phẫu thuật, hoặc mắc các bệnh về máu như ung thư máu, thiếu máu bẩm sinh cần được truyền máu để duy trì sự sống.

Tại Việt Nam, phong trào hiến máu tình nguyện chính thức được phát động vào năm 1994. Sau hơn 30 năm triển khai đã cho thấy, đây là một phong trào có giá trị và ý nghĩa nhân văn rất lớn, giúp hàng triệu người bệnh được cấp cứu kịp thời, được kéo dài sự sống… Hoạt động hiến máu tình nguyện cũng tô thắm thêm truyền thống tương thân, tương ái, mang đậm tình yêu thương, nghĩa đồng bào của dân tộc Việt Nam.

Hoạt động hiến máu tình nguyện ngày càng được nhân rộng trong xã hội. Ảnh: Hà My

Hoạt động hiến máu tình nguyện ngày càng được nhân rộng trong xã hội. Ảnh: Hà My

Nhờ công tác vận động và tổ chức hiến máu tình nguyện ngày càng được tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp nên lượng máu thu nhận cũng tăng nhanh qua các năm. Cùng với đó, công tác truyền thông ngày càng đa dạng với nhiều hình thức cũng góp phần thay đổi nhận thức và thu hút đông đảo người dân tới các điểm, các ngày hội hiến máu.

Nếu như năm 1994, cả nước tiếp nhận được khoảng 138.000 đơn vị máu thì đến năm 2024, toàn quốc đã tiếp nhận hơn 1.747.926 đơn vị máu. Các chương trình, ngày hội hiến máu tình nguyện được tổ chức ở khắp các địa phương trong cả nước. Từ các chương trình này, lượng máu tiếp nhận được đã từng bước đáp ứng nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị người bệnh và dự phòng thiên tai, thảm họa.

Cũng từ trong phong trào hiến máu tình nguyện, đã có nhiều tấm gương sáng được tôn vinh vì những nghĩa cử cao đẹp cứu người, giúp đời. Trong số đó, có trường hợp của anh Nguyễn Văn Hiếu (31 tuổi, Hà Nội). Người đàn ông này đã có 129 lần đi hiến máu.

Theo chia sẻ của anh Hiếu, ngay từ những ngày còn đang là sinh viên, anh luôn ngưỡng mộ bạn bè xung quanh khi thấy họ tham gia các hoạt động sinh viên tình nguyện. Tình cờ biết đến hoạt động hiến máu tình nguyện, ảnh cảm thấy rất phù hợp với bản thân nên đã duy trì tham gia đều đặn.

Ba năm đầu tiên, anh Hiếu hiến máu toàn phần, sau đó chuyển sang hiến tiểu cầu. Hiến máu giờ đây đối với anh như một thói quen. Dù công việc bận rộn nhưng cứ đến ngày nhắc lại, anh sẽ cố gắng sắp xếp công việc để tham gia.

Anh Nguyễn Văn Hiếu (Hà Nội) đã có 129 lần hiến máu tình nguyện. Ảnh: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

Anh Nguyễn Văn Hiếu (Hà Nội) đã có 129 lần hiến máu tình nguyện. Ảnh: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

Ngoài anh Hiếu còn có trường hợp của ông Nguyễn Việt Hòa (50 tuổi, sống tại TP. Hồ Chí Minh) đã có 72 lần hiến máu. Không chỉ tự mình tham gia hiến máu tình nguyện, ông còn vận động gia đình, bạn bè cùng tham gia. Con trai ông Hòa rất tâm đắc về nghĩa cử cao đẹp này và đã học hỏi theo tấm gương của cha với 10 lần hiến máu.

Với đóng góp tích cực trong hoạt động hiến máu cứu người, cả anh Hiếu và ông Hòa đã trở thành 2 trong số 100 đại biểu được tôn vinh hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc vào năm 2024. Tấm gương của anh Hiếu và ông Hòa đã trở thành nguồn cảm hứng và là động lực cho cộng đồng cùng nhau chung tay, góp sức cứu người.

Nghĩa cử cao đẹp cần nhân rộng

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, việc hiến máu góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu máu trầm trọng bởi tại nhiều bệnh viện, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết sẽ thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu máu dự trữ, gây ảnh hưởng đến công tác cấp cứu và điều trị.

Một đơn vị máu có thể được tách thành nhiều chế phẩm như hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương, giúp điều trị nhiều bệnh nhân khác nhau. Không chỉ góp phần lan tỏa tình yêu thương, việc hiến máu còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự chia sẻ khó khăn với cộng đồng.

Có thể nói, cho đến nay, nhận thức của toàn xã hội về lợi ích của hiến máu tình nguyện đã có nhiều chuyển biến rõ rệt và tích cực. Lượng máu vận động và tiếp nhận được ngày càng tăng về số lượng, chất lượng, góp phần quan trọng bảo đảm công tác an toàn truyền máu, cứu chữa cho hàng triệu người bệnh cần truyền máu.

Đối tượng hiến máu được mở rộng với sự tham gia ngày càng tích cực của lực lượng công an, quân đội, cán bộ, viên chức, người lao động, nông dân, học sinh, sinh viên, các tăng ni, phật tử…

Không chỉ góp phần lan tỏa yêu thương, việc hiến máu tình nguyện còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Ảnh: Hà My

Không chỉ góp phần lan tỏa yêu thương, việc hiến máu tình nguyện còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Ảnh: Hà My

Hiến máu cũng trở thành một trong những hoạt động trọng tâm của công tác đoàn, của công tác nhân đạo. Nhờ đó, vừa làm phong phú, đa dạng, củng cố hình ảnh của các phong trào xã hội khác, vừa góp phần thúc đẩy chính hoạt động hiến máu tình nguyện.

Hiến máu cứu người không chỉ là nghĩa cử cao đẹp mà còn là trách nhiệm xã hội cần được nhân rộng. Mỗi cá nhân, tổ chức cần chung tay tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè tham gia hiến máu nhân đạo. Các công ty, trường học, đoàn thể có thể tổ chức ngày hội hiến máu để nâng cao nhận thức cộng đồng.

Một giọt máu cho đi – một cuộc đời ở lại. Vì vậy, hãy cùng nhau lan tỏa tinh thần nhân ái, biến việc hiến máu trở thành một nét đẹp văn hóa trong cộng đồng.

Theo ông Lê Gia Tiến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia hiến máu tình nguyện, năm 2024, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận 1.747.926 đơn vị máu. Trong đó trên 98% đơn vị máu là từ người hiến máu tình nguyện; tương đương 1,7% dân số hiến máu; tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt trên 63%; tỷ lệ đơn vị máu có thể tích 350ml trở lên đạt khoảng 68%.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền thông, quản lý, chăm sóc người hiến máu tình nguyện từng bước được quan tâm, triển khai. Ban Chỉ đạo các cấp đã tổ chức được 7.448 buổi tuyên truyền, vận động về hiến máu tình nguyện với trên 1,8 triệu lượt người tham gia.

Các chiến dịch, sự kiện lớn về hiến máu lần lượt ra đời, ngày càng được tổ chức quy mô, khoa học, bài bản, phù hợp với từng đối tượng, tạo cú huých mạnh mẽ cho phong trào hiến máu tình nguyện như: Lễ hội Xuân hồng, Hành trình Đỏ, Chủ nhật Đỏ, “Những giọt máu hồng hè”… và nhiều sự kiện hiến máu lớn khác.

Phong Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hien-mau-cuu-nguoi-nghia-cu-cao-dep-can-nhan-rong-374843.html
Zalo