'Hiến kế' vì sự phát triển bền vững của phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo nhấn mạnh, việc rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải sát với từng địa bàn, khu vực, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể, hiệu quả.
Sáng 15/11, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ trong giai đoạn tiếp theo".
Phát biểu định hướng tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo nhấn mạnh: "Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói "chúng ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Vì vậy, là cánh tay nối dài của Đảng, tổ chức Hội LHPN Việt Nam không thể đứng ngoài kỷ nguyên này và phải có những đóng góp xứng đáng, nhất định vào thành tựu chung phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các hoạt động của Hội phải luôn hướng đến mục tiêu vì sự bình đẳng, phát triển bền vững của phụ nữ và trẻ em".
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam bày tỏ mong muốn các đại biểu, chuyên gia tham dự hội thảo sẽ cùng nhau hiến kế, giúp Hội LHPN Việt Namcó những hoạch định rõ ràng về nội dung, hướng đi, đáp ứng nhu cầu cần thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn tới.
"Chúng ta phải đưa ra được nội dung, hoạt động sát với địa phương, có như vậy mới giải quyết được các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em từng khu vực, địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hướng đến sự phát triển bền vững của chị em", Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo khẳng định.
Tại hội thảo, bà Lò Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Dân tộc – Tôn giáo, TƯ Hội LHPN Việt Nam cho biết, sau 4 năm triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" do Hội LHPN Việt Nam chủ trì - thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (từ năm 2021-2025), 40 tỉnh thuộc địa bàn Dự án được cấp ngân sách từ Trung ương đã tập trung vào đẩy mạnh thực hiện các nội dung truyền thông, góp phần cải thiện rõ rệt nhận thức về các vấn đề bất bình đẳng giới, từ đó tác động tới hành động của các cấp, các ngành liên quan và người dân tại các địa bàn Dự án. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có giải pháp khắc phục để đạt mục tiêu của Chương trình nói chung và Dự án nói riêng.
"Một số rào cản, thách thức vẫn đang tồn tại dai dẳng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: việc làm, sinh kế và định hướng nghề nghiệp; hạn chế trong tiếp cận với dịch vụ công, dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tiếp cận thông tin, nguồn vốn; các vấn đề xã hội như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sinh đẻ nhiều, đẻ dày và sinh con tại nhà, mù chữ, tái mù chữ, bạo lực gia đình; thách thức trong việc chuyển đổi số…", bà Lò Thị Thu Thủy nhấn mạnh.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các ngành liên quan và các chuyên gia, những người quan tâm đến công tác bình đẳng giới cùng nhau trao đổi, chia sẻ thông tin, công bố kết quả nghiên cứu, thảo luận các vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ đó hoàn thiện và định hướng chính sách hỗ trợ trong thời gian tới. Hội thảo cũng là căn cứ để Trung ương Hội LHPN Việt Nam tham khảo, đề xuất các mô hình, hoạt động cụ thể, đáp ứng được mong muốn, nhu cầu của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tính đến hết tháng 10 năm 2024, 4/9 chỉ tiêu cốt lõi của Dự án 8 đã vượt kế hoạch đặt ra ở giai đoạn 1, như "Tổ truyền thông cộng đồng", "Củng cố/thành lập mới Địa chỉ tin cậy", "Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị", CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi"; 15/40 tỉnh đạt và vượt một số chỉ tiêu, như: Hà Giang, Bắc Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thanh Hóa... góp phần cải thiện rõ rệt nhận thức về các vấn đề bất bình đẳng giới, từ đó tác động tới hành động của các cấp, các ngành liên quan và người dân tại các địa bàn Dự án.
Dự kiến đến 12/2025, các cấp Hội tiếp tục nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu của Dự án với: 8/9 chỉ tiêu sẽ đạt/hoặc vượt kế hoạch giai đoạn; dự kiến 1 chỉ tiêu không đạt đó là "Hỗ trợ 500 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, Hợp tác xã do phụ nữ làm chủ/tham gia quản lý ứng dụng khoa học công nghệ" do địa bàn dự án đa phần là vùng đặc biệt khó khăn không có/hoặc có rất ít mô hình sẵn có đáp ứng được yêu cầu để hỗ trợ như mục tiêu đề ra.