Hiện đại hóa quản lý thuế hướng tới nền tài chính lành mạnh, bền vững
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) bền vững từ những giải pháp hỗ trợ người nộp thuế và xây dựng ngành Thuế hiện đại, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thành toàn diện các mục tiêu ngành Tài chính đề ra.
Thu ngân sách bền vững từ những giải pháp hỗ trợ người nộp thuế
Phát biểu tại Hội thảo "Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững" do Tổng cục Thuế phối hợp Báo Lao Động tổ chức ngày 18/12, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết, tổng thu NSNN năm 2024 do cơ quan thuế quản lý ước vượt 16,5% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, tính từ năm 2021 đến hết năm 2024, tổng thu NSNN ước đạt khoảng 7,2 triệu tỷ đồng (đạt 86,5% so mục tiêu giai đoạn 2021-2025). Với tiến độ thực hiện thu NSNN như trên, nếu tính cả dự toán năm 2025 mà Quốc hội, Chính phủ giao tại Nghị quyết số 159/2024/QH15 ngày 13/11/2024, thu NSNN giai đoạn 2021-2025 cán đích trên 9 triệu tỷ đồng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn, triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, trong nhiều năm qua, ngành Thuế đã luôn nỗ lực, quyết liệt triển khai, theo dõi sát sao sức khỏe doanh nghiệp, diễn biến kinh tế thế giới và trong nước. Trên cơ sở, ngành Thuế đã đánh giá tác động tới từng khoản thu, sắc thuế, địa bàn, nhận diện sớm những rủi ro để kịp thời tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội ban hành và triển khai đồng bộ các gói chính sách tài khóa mở rộng ngay từ đầu năm 2021 đến nay với quy mô lớn.
Qua 4 năm thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp về thuế đã có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao, góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế thời gian qua, tạo động lực hồi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến thu NSNN, góp phần đảm mục tiêu thu ngân sách giai đoạn 2021-2025.
Song song với đó, ngành Thuế đã chú trọng xây dựng và hoàn thiện pháp luật quản lý thuế, trong đó, đã sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế, tạo hành lang pháp lý nhằm cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng thống nhất, công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra.
Ngành Thuế cũng đang tiếp tục thực hiện tái thiết tổng thể quy trình nghiệp vụ và hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số toàn diện trong quản lý thuế với phương châm lấy người nộp thuế là trung tâm phục vụ, đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính để thiết kế các ứng dụng, đảm bảo tăng cường tính linh hoạt, tích hợp của hệ thống và hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược dài hạn của ngành Thuế.
Đáng chú ý, để chống xói mòn cơ sở thuế, ngành Thuế đã nghiên cứu, tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Hiện nay, cơ quan thuế đang tích cực xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý và giúp Việt Nam khẳng định chủ quyền đánh thuế đối với các tập đoàn, công ty lớn kinh doanh xuyên quốc gia.
“Kế hoạch tài chính ngân sách giai đoạn 2021-2025 đã đi được phần lớn chặng đường. Qua gần 4 năm thực hiện, công tác quản lý thu NSNN của ngành Thuế đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, đặc biệt là trong các giải pháp cải cách, hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian, chi phí cũng như nguồn nhân lực cho doanh nghiệp cũng như cơ quan thuế; được Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao”, ông Mai Sơn nhận định.
Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh đầy khó khăn này, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận các cơ quan nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp trong khắc phục khó khăn, củng cố niềm tin và giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định và gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản sửa đổi phù hợp về thuế, quy trình thủ tục, tham mưu ban hành các chính sách kịp thời về miễn, giảm, gia hạn về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất như báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước quốc hội vừa qua, tiếp tục đẩy mạnh cơ chế hợp tác doanh nghiệp với các cơ quan thuế, hải quan.
Đặc biệt, đối với công tác đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với VCCI tổ chức các chương trình đối thoại, giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của cộng đồng doanh nghiệp từ năm 2005 đến này. Hàng chục ngàn lượt doanh nghiệp đã có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, làm rõ các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các vấn đề liên quan đến hoàn thuế, ưu đãi thuế, thủ tục hải quan hay sự không thống nhất trong áp dụng chính sách tại các địa phương đều được tiếp nhận, xem xét và giải quyết kịp thời. Điều này thể hiện rõ tinh thần đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Tài chính, tạo niềm tin và động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Xây dựng ngành Thuế hiện đại, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu
Thông tin về công tác chuyển đổi số, hiện đại hóa trong ngành Thuế, ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) cho biết, ngành Thuế là một trong các cơ quan nhà nước đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công tác quản lý thuế. Nổi bật như dịch vụ khai thuế điện tử được triển khai từ năm 2009, nộp thuế điện tử năm 2014, hoàn thuế điện tử năm 2017 và tích hợp trên một hệ thống Dịch vụ Thuế điện tử (eTax) từ năm 2018.
Từ năm 2013, ngành Thuế đã triển khai hệ thống Quản lý thuế tập trung (TMS) thay thế 16 ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý thuế đang triển khai phân tán tại Cục Thuế và Chi cục Thuế, đáp ứng các quy trình nghiệp vụ gồm: Đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, miễn giảm, quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế… Đây là hệ thống ứng dụng tác nghiệp lõi của ngành Thuế, giúp nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan thuế, là nền tảng triển khai thành công các dịch vụ điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ về hiện đại hóa và cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế.
Theo ông Phạm Quang Toàn, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, ngành Thuế tiếp tục phát triển hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế.
Ngành Thuế cũng sẽ xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, hỗ trợ công tác quản lý thuế, quản lý rủi ro thuế và hoạch định chính sách; Phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu theo định hướng Chính phủ điện tử và Chính phủ số.
Theo đánh giá của ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ số (Bộ Thông tin và Truyền thông), chuyển đổi số hiện nay không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong thời đại 4.0. Chuyển đổi số trong ngành Thuế Việt là một phần quan trọng trong chiến lược Chuyển đổi số quốc gia, được Chính phủ định hướng nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả.
Ngành Thuế là một trong những lĩnh vực góp phần quan trọng cho ngân sách quốc gia, có tác động đến đông đảo người dân và doanh nghiệp đã tiên phong trong việc áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Từ góc độ của người trực tiếp tham gia và quản lý quá trình chuyển đổi số, công tác chuyển đổi số ngành Thuế có những điểm mạnh nổi bật nhưng cũng đối diện không ít thách thức cần khắc phục để đạt hiệu quả cao hơn.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng biên tập Báo Lao động cho biết, chính sách thuế trong nhiều năm qua đã thể hiện rõ nét quan điểm kiến tạo và hỗ trợ phát triển kinh tế. 4 năm qua, việc miễn giảm thuế là một minh chứng cho nỗ lực của ngành tài chính, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình. Triết lý "nuôi dưỡng nguồn thu bền vững" thay vì "siết thu" đã mang lại thành công đáng ghi nhận: Tổng thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu hơn 940.000 tỷ đồng. Vai trò của ngành Thuế vượt khỏi khuôn khổ đơn thuần là cơ quan thu ngân sách, đã đóng góp quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.