Hiểm họa từ mô hình đa cấp 'đội lốt' chăm sóc sức khỏe

2 đường dây đa cấp vừa bị triệt phá tại Phú Thọ và Lạng Sơn đã lộ rõ thủ đoạn kinh doanh thực phẩm chức năng không phép dưới vỏ bọc chăm sóc sức khỏe. Từ 'nước tăng sinh lực' chứa chất cấm đến 'nấm quý' không kiểm chứng, hàng trăm nghìn người bị sập bẫy, kéo theo hệ lụy xã hội và đặt ra yêu cầu cấp thiết phải siết chặt quản lý lĩnh vực thực phẩm chức năng.

Công an tỉnh Phú Thọ vừa đánh sập đường dây kinh doanh đa cấp có quy mô lớn với số lượng gần 200.000 thành viên, trong đó có 107.348 thành viên là người Việt thuộc nhiều tỉnh thành trên toàn quốc, số còn lại là người nước ngoài ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đáng chú ý, đường dây này kinh doanh thực phẩm chức năng có chứa chất cấm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người dân, thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng.

Sản phẩm có chứa chất cấm của đường dây kinh doanh đa cấp xuyên quốc gia do Công an tỉnh Phú Thọ vừa triệt phá. Ảnh: C.A Phú Thọ.

Sản phẩm có chứa chất cấm của đường dây kinh doanh đa cấp xuyên quốc gia do Công an tỉnh Phú Thọ vừa triệt phá. Ảnh: C.A Phú Thọ.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, năm 2019, Tất Văn Hào (SN 1977, trú tại TPHCM) thành lập và là đại diện Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Bitney Việt Nam, tại số 109, đường số 22, phường 11, quận 6, TPHCM để bán các loại thực phẩm như: Nước trái cây hỗn hợp Multi Juice; Nhau thai hươu Lucenta; Kem Bitney Multi Cream. Sau đó, Hào cùng Nick Lim tổ chức kinh doanh các sản phẩm theo hình thức đa cấp theo “mô hình nhị phân”. Đến thời điểm bị đánh sập, Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Bitney Việt Nam đã bán hàng triệu sản phẩm trong hệ thống kinh doanh đa cấp và chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Tất cả các sản phẩm bán ra của Công ty này đều được đội giá gấp hàng chục lần so với giá nhập. Đáng chú ý, năm 2022, 2023, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã kiểm nghiệm sản phẩm Bitney Multi Juice, phát hiện sản phẩm này có chứa chất “Tadalafil” – một chất cấm trong sản xuất thực phẩm, chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

Theo các chuyên gia lĩnh vực y tế, Tadalafil là chất bị cấm sử dụng trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Chất Tadalafil có thể gây biến chứng tim mạch, đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, cholesterol cao hoặc các bệnh tim mạch. Nếu sử dụng lâu dài có thể dẫn đến rối loạn cương dương và những tác hại sức khỏe nghiêm trọng khác.

Trong khi đó, tại Lạng Sơn, doanh nghiệp Ame Global Việt Nam do đối tượng H.W.Y. (người Đài Loan -Trung Quốc) cầm đầu cũng bị phát hiện kinh doanh thực phẩm chức năng dưới hình thức đa cấp không phép. Sản phẩm có tên nấm “Ngưu Chương Chi” quý hiếm được rao bán với giá cắt cổ, nhưng là hàng chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Công ty con tại TPHCM hoạt động núp bóng doanh nghiệp thương mại, lách luật qua hình thức “hợp tác kinh doanh” để che giấu hành vi đa cấp. Chỉ trong 1 năm, hơn 9.000 người từ Việt Nam, Malaysia và Đài Loan đã bị lôi kéo, với số tiền giao dịch lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Điểm chung của cả 2 vụ án là sự phối hợp tinh vi giữa hình ảnh giả khoa học, người nổi tiếng giả mạo, bác sĩ ảo và mô hình phân phối theo tầng nhằm đánh trúng vào tâm lý lo bệnh tật ham làm giàu nhanh chóng. Nạn nhân không chỉ là người thiếu hiểu biết, mà cả những người có học thức cũng dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy “làm giàu không khó” và gắn mác “bảo vệ sức khỏe từ thiên nhiên”. Hậu quả là nhiều người trở thành nạn nhân của chính người thân, bạn bè, những người vì tin hoặc vì hám lợi mà tiếp tục đi lừa người khác.

Nguy hiểm hơn, các sản phẩm này lan truyền mạnh mẽ trên không gian mạng, đặc biệt qua các nền tảng mạng xã hội phổ biến, nơi các “thủ lĩnh sức khỏe ảo” với danh xưng bác sĩ, chuyên gia dược liệu liên tục đăng tải video quảng bá. Người dùng bị mê hoặc bởi hình ảnh hào nhoáng, những bài viết “thoát bệnh kỳ diệu” không có bất kỳ kiểm chứng khoa học nào.

Chuyên gia pháp lý cho biết, thực phẩm chức năng, nếu được sản xuất đúng chuẩn, sử dụng đúng cách sẽ là một phần hỗ trợ y học quan trọng. Nhưng khi bị biến tướng thành công cụ trục lợi, núp bóng chữa bệnh để đầu độc niềm tin và sức khỏe cộng đồng, nó sẽ trở thành hiểm họa thực sự. Đây không chỉ là thách thức về y tế hay pháp lý mà là thách thức về đạo đức xã hội, đòi hỏi một hệ sinh thái ứng phó toàn diện từ người dân, cơ quan quản lý, các nền tảng mạng xã hội.

Đức Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hiem-hoa-tu-mo-hinh-da-cap-doi-lot-cham-soc-suc-khoe-10306600.html
Zalo