Hết thời 'sáng cắp ô đi, tối cắp ô về'
Hôm 14/5, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV đã lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Cán bộ công chức (sửa đổi). Trước đó, ngày 7/5, tại phiên thảo luận tổ về cùng một dự án luật, nhiều đại biểu đã bày tỏ quan điểm: Lần sửa đổi này, cần khắc phục được triệt để tình trạng 'sáng cắp ô đi, tối cắp ô về'.
Thực tế, Luật Cán bộ công chức hiện hành đã đến lúc cần sửa đổi cho phù hợp với thời cuộc, phù hợp với quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017. Và mục tiêu hướng tới của việc sửa đổi luật này phải hướng đến đáp ứng yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại cán bộ, công chức, gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng đội ngũ. Và cùng với đó là đảm bảo thống nhất, đồng bộ, thể chế hóa chủ trương của Đảng liên quan đến cán bộ, công chức.
Một khi dự thảo luật được thông qua, việc đánh giá cán bộ sẽ không còn là câu chuyện định tính (hay cảm tính). Nó sẽ được gắn với vị trí việc làm của một cán bộ và đánh giá trên cơ sở cán bộ thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao ở vị trí việc làm tương ứng. Ngạch bậc lúc đó không phụ thuộc quá trình “sống lâu lên lão làng” mà nó sẽ trở thành công cụ để phân định cao - thấp trong hoạt động công vụ mà không phụ thuộc tuổi tác. Với dự thảo này nếu được thông qua, một công chức khi được tuyển dụng, đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm mà mình ứng tuyển có thể được xếp ngay vào ngạch lương tương ứng thay vì phải mất 1/3 cuộc đời công chức mới có thể tiến đến vị trí ấy nếu so với luật hiện hành. Đây được xem là một tư duy mới khi làm luật: Đề cao năng lực thực sự của mỗi cá nhân; coi trọng người tài và trọng dụng người tài trong hệ thống nhà nước và bộ máy chính quyền các cấp.
Theo như dự thảo luật, nếu người ứng tuyển có năng lực, đáp ứng được vị trí chuyên viên cao cấp thì tương ứng với ngạch này. Điều này cho thấy rõ công chức không phải đi theo tuần tự của hệ thống ngạch như trước đây. Nói như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: "Cán bộ công chức muốn tồn tại thì phải đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm. Không phải chỉ có ngạch và xóa bỏ tình trạng giữ "ghế" nhờ ngạch, từ đó sẽ tạo động lực để cán bộ, công chức phấn đấu, thực thi công vụ trên cơ sở vị trí việc làm theo hướng chuyên nghiệp".
Như vậy cũng có nghĩa, dự luật đã khẳng định tư duy trọng dụng người tài và tiến tới chấm dứt tư duy biên chế suốt đời. Cứ đặt một chân vào nhà nước là yên tâm ngồi đó cho đến khi về hưu, cho dù hiệu quả công việc không cao; cho dù gây tổn hại đến cơ quan, đơn vị công tác nhưng chưa đến mức gây hậu quả nghiêm trọng thì chẳng ai “bẩy” được mình ra khỏi cái ghế “kiếm được” qua thi tuyển.
"Kết quả đánh giá được định lượng theo vị trí việc làm, đảm bảo đánh giá thực chất, công khai, minh bạch và chính xác. Từ đó, làm cơ sở thực hiện nguyên lý không có tư duy biên chế suốt đời”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu quan điểm giải trình trước Quốc hội.
Có thể nói đây là quan điểm xây dựng luật tiến bộ, với tư duy mở “có vào, có ra”, xóa bỏ biên chế suốt đời, để cán bộ, công chức khi xác định con đường đi vào Nhà nước, cũng đồng thời phải xác định nỗ lực làm việc để giữ vị trí và để thăng tiến theo năng lực. Về phía cơ quan trong hệ thống cũng phải sửa đổi tư duy, công cụ đánh giá năng lực cán bộ, công chức. Nếu như chúng ta sửa luật, xây dựng Nghị định mà làm rõ được những vấn đề liên quan đến đánh giá cán bộ sao cho thực chất đi kèm với việc có cơ chế đủ mạnh về sử dụng, đãi ngộ, giữ chân người tài trong hệ thống thì dự luật lần này thực sự là cú hích lớn trong xây dựng nền công vụ hiệu quả.