Hết tháng 3/2025, không đủ điều kiện này nhiều nhà trọ phải dừng hoạt động
Trước ngày 30/3/2025, chủ chung cư mini, chủ trọ phải thực hiện các giải pháp tăng cường và đảm bảo PCCC theo Chỉ thị 19/CT-TTg.
Thực hiện các giải pháp tăng cường và đảm bảo PCCC trước ngày 30/3/2025
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh. Yêu cầu chủ chung cư mini, chủ trọ phải thực hiện các giải pháp tăng cường và đảm bảo PCCC trước ngày 30/3/2025.
Theo chỉ thị, Thủ tướng yêu các cầu tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ). Xây dựng thực hiện đồng bộ quy hoạch hạ tầng PCCC gắn với quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương, xây dựng mạng lưới giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) cho người dân để từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia vào công tác PCCC và CNCH. Gắn phong trào toàn dân tham gia PCCC với phong trào xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa; nhân rộng điển hình tiên tiến, kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC và CNCH.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác PCCC nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy nổ đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Trước ngày 30/3/2025, chủ chung cư mini, chủ trọ phải thực hiện các giải pháp tăng cường và đảm bảo PCCC. Ảnh minh họa: TL
Điều kiện an toàn PCCC với nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh
Để hoàn thành điều kiện đảm bảo PCCC trước ngày 30/3/2025 theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của thủ tưởng chính phủ, hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC sau đây:
– Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.
– Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
– Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.
Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định nêu trên phải được chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Sau ngày 30/3/2025, nếu các cơ sở không thực hiện cam kết sẽ phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Công an Thành phố xử lý nghiêm các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng. Đồng thời khắc phục và xử lý dứt điểm toàn bộ các công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu đã đưa vào sử dụng.
Chủ nhà trọ không đảm bảo phòng cháy chữa cháy bị xử lý thế nào?
Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, chủ nhà trọ không đảm bảo phòng cháy chữa cháy có thể bị phạt hành chính đối với một số vi phạm như sau:
- Niêm yết biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy không đúng quy cách, mẫu quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng.
- Không niêm yết biển báo, biển cấm, sơ đồ, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy: Phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.
- Làm che khuất, cản trở lối tiếp cận phương tiện phòng cháy và chữa cháy; sử dụng phương tiện chữa cháy thông dụng không bảo đảm chất lượng: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng.
- Không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện phòng cháy và chữa cháy định kỳ; Ttrang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy không đủ hoặc không đồng bộ: Phạt tiền từ 500.000 - 1,5 triệu đồng.
- Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho nhà, công trình: Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng.
- Vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại hộ gia đình:
+ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản từ 50 đến dưới 100 triệu đồng.
+ Phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100 triệu đồng;
Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;
Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.
- Vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ:
+ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20 triệu đồng.
+ Phạt tiền từ 01 - 03 triêu đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
+ Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50 đến dưới 100 triệu đồng.
+ Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100 triệu đồng;
Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;
Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.
Không đảm bảo PCCC, chủ nhà trọ có thể bị truy cứu hình sự?
Trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại, hậu quả nghiêm trọng, chủ nhà trọ không đảm bảo phòng cháy chữa cháy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 313 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, sửa đổi bởi Luật số 12/2017/QH14 quy định về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như sau:
Khung 1: Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 - 05 năm:
Làm chết người;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% - 121%;
Gây thiệt hại về tài sản từ 100 đến dưới 500 triệu đồng.
Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 - 08 năm:
Làm chết 02 người;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% - 200%;
Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng.
Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 - 12 năm:
Làm chết 03 người trở lên;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
Gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên.
Người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các trường hợp trên nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.