Hết đánh bắt tận diệt, người lặn bắt tôm sông Đồng Nai trúng mùa, vui đón tết
Một năm sau khi Pháp Luật TPHCM phản ánh nạn bắt tôm bằng việc đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai, tình trạng này đã không còn và tôm càng xanh hồi sinh mạnh mẽ.
Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chúng tôi trở lại sông Đồng Nai thuộc địa bàn giáp ranh 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.
Nơi đây, gần 1 năm trước, Pháp Luật TPHCM có loạt phóng sự điều tra “Đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai bắt tôm”, phản ánh nạn đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai để bắt tôm càng xanh của những kẻ hám lợi.
Hành vi này kéo dài nhiều năm khiến nguồn thủy sản, nhất là tôm càng xanh dần cạn kiệt, ảnh hưởng đến những người làm nghề lặn tôm truyền thống của bà con dọc 2 bên bờ sông. Nghiêm trọng hơn, hành vi này còn trực tiếp làm ô nhiễm nguồn nước cho khoảng 20 triệu cư dân TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.
Sau loạt phóng sự điều tra, chính quyền, công an 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã vào cuộc. Một số người đổ thuốc sâu xuống dòng sông để bắt tôm đã bị xử lý, cùng với đó là việc tuyên truyền, nhắc nhở, lên danh sách những người có biểu hiện vi phạm.
Nhờ nhiều biện pháp quyết liệt, tôm sông Đồng Nai hồi phục mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Văn Quang, người dân xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên làm nghề câu tôm càng xanh khẳng định rằng sau loạt phóng sự điều tra của Pháp Luật TPHCM, nạn đổ thuốc sâu xuống sông Đồng Nai đã bớt hẳn, tôm cá dưới dòng sông Đồng Nai trở lại rất nhiều.
Anh Nguyễn Đức Hiện, ngụ xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên cho hay: Từ khi báo Pháp Luật TPHCM đăng tài loạt phóng sự điều tra, anh đã nhiều lần công khai phản ánh tình trạng đổ thuốc sâu xuống sông Đồng Nai tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
“Sau khi thấy báo Pháp Luật TPHCM đăng phóng sự điều tra và chính quyền đã rốt ráo vào cuộc xử lý thì người dân chúng tôi đã mạnh dạn hơn trong việc đấu tranh, lên án tệ nạn này”, anh Nguyễn Đức Hiện nói
Thời gian qua, UBND huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cũng đã chỉ đạo UBND các xã dọc sông Đồng Nai liên tục tuyên truyền để người dân tuân thủ các quy định về đánh bắt thủy sản. Đồng thời mời một số trường hợp để răn đe, giáo dục và yêu cầu viết cam kết không thực hiện hành vi đổ thuốc sâu xuống sông để bắt tôm, cá.
Những ngày cuối cùng của năm cũ, từ khu vực cầu Vũng Gấm, xã Lạc An và cầu Thủ Biên, xã Thường Tân đến khu vực cầu Bạch Đằng chúng tôi chứng kiến hàng chục người dân đang lặn bắt tôm càng xanh. Hầu hết thuyền lặn đều trúng đậm tôm càng xanh.
Anh Kiều Công Giản - một người lặn bắt tôm cho hay anh lặn từ 2 giờ sáng đến 5 giờ sáng thì được gần 10 kg tôm càng xanh các loại, trong đó chủ yếu là tôm loại lớn.
Ngoài những thanh niên trẻ, khỏe thường lặn xiên tôm càng xanh thì những người lớn tuổi như bác Nguyễn Văn Quang, một người dân xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên cũng có thể bắt tôm bằng mồi câu.
Một năm sau loạt điều tra, chúng tôi may mắn được trở lại dòng sông trong sự chào đón của bà con.
Và những người làm báo ở Pháp Luật TPHCM cảm thấy vui khi biết và chứng kiến mùa bội thu tôm càng xanh của người dân vùng sông nước trong những ngày năm cũ sắp qua đi.