Hệ thống răn đe hạt nhân chiến lược của Mỹ hoạt động như thế nào?

Các điều kiện để Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân được nêu rõ trong Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân, được điều chỉnh vài năm một lần. Trong phiên bản năm 2018, Washington khẳng định sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong những trường hợp đặc biệt để bảo vệ các lợi ích sống còn. Ngoài ra, tài liệu còn ghi lại khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả cuộc tấn công sử dụng vũ khí phi hạt nhân.

Vậy Mỹ với vai trò là siêu cường hạt nhân trên thế giới chuẩn bị cho kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân toàn diện như thế nào?

Mỹ là quốc gia có số vũ khí hạt nhân sẵn sàng chiến đấu lớn nhất thế giới

Tính đến đầu năm 2022, Mỹ là quốc gia có số lượng vũ khí hạt nhân ở chế độ sẵn sàng chiến đấu lớn nhất thế giới với 1.774 đầu đạn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và các căn cứ quân sự quan trọng. Quân đội Mỹ cũng sở hữu “bộ 3” hạt nhân với các phương tiện phóng thuộc cả hải-lục-không quân.

Một vụ phóng thử ICBM Minuteman III. Ảnh: Getty

Một vụ phóng thử ICBM Minuteman III. Ảnh: Getty

Căn cứ vào các báo cáo chính thức, lực lượng răn đe hạt nhân của Mỹ hiện tại gồm 450 hầm chứa ICBM Minuteman III có tầm bắn lên tới 13.000km, 14 tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio với tên lửa đạn đạo Trident II (D5) và bom nhiệt hạch B61 trang bị cho các máy bay ném bom chiến lược B-52H và B-2 Spirit. Ngoài ra, tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Trong trường hợp xảy ra đối đầu hạt nhân, 4 máy bay chỉ huy không quân Boeing E-4B Nightwatch hay “Ngày tận thế” sẽ cất cánh để điều phối hoạt động. Một trong những chiếc máy bay Boeing E-4B luôn sẵn sàng cất cánh trong vòng vài phút. Những chiếc E-4B có khả năng bay liên tục trong vòng 7 ngày, có khả năng nhận tiếp nhiên liệu trên không và thiết kế đặc biệt của khoang chịu được bức xạ và tác hại của các vụ nổ hạt nhân.

Quân đội Mỹ cũng vận hành máy bay Boeing E-6 Mercury với vai trò là sở chỉ huy trên không cho Bộ tư lệnh Chiến lược hợp nhất. Từ những chiếc máy bay như vậy, các lãnh đạo cấp cao của Mỹ có thể chỉ huy quân đội khi hệ thống tác chiến mặt đất bị tê liệt sau các đòn hạt nhân phủ đầu.

Mỹ tấn công hạt nhân như thế nào và tại sao?

Các mục tiêu cho các cuộc tấn công hạt nhân phòng ngừa và phủ đầu được liệt kê trong phần phân loại của Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân của Mỹ, nhưng có thể giả định rằng các mục tiêu ưu tiên bao gồm các sở chỉ huy, thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa "bộ 3” vũ khí hạt nhân của đối phương.

Phiên bản 2022 của tài liệu xác nhận việc phóng tên lửa hạt nhân được thực hiện sau cảnh báo về một cuộc tấn công tên lửa hạt nhân. Ngoài ra, Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân của Mỹ nhấn mạnh cam kết đối với 29 đồng minh NATO và các đối tác không liên kết bằng chính sách “răn đe hạt nhân mở rộng”.

Vũ khí hạt nhân không chỉ được bảo quản tại lãnh thổ Mỹ, mà còn được triển khai tại các căn cứ quân sự ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Các quốc gia thuộc khối NATO hằng năm đều tiến hành các cuộc tập trận với kế hoạch giả định sử dụng vũ khí hạt nhân bằng máy bay ném bom B-52 hoặc máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle và F-35 Lightning II. Theo nhà báo Stavros Atlamazoglu của Tạp chí The National Interest, trong cuộc tập trận, cả NATO và Nga đều phô diễn năng lực răn đe hạt nhân để kiềm chế đối thủ.

“Lá chắn hạt nhân” của Mỹ hoạt động như thế nào?

Việc bảo vệ lãnh thổ Mỹ và các đồng minh khỏi tên lửa đạn đạo và đầu đạn hạt nhân được đảm bảo bởi hệ thống phòng thủ tên lửa đa lớp. Hệ thống này bao gồm các radar phát hiện tầm xa, các vệ tinh theo dõi phóng tên lửa, cũng như các bệ phóng tên lửa và hệ thống chỉ huy.

Ngoài mạng lưới radar trinh sát cố định, Quân đội Mỹ còn sử dụng radar SBX-1 lắp đặt trên giàn khoan dầu để phát hiện tên lửa đối phương. Hệ thống này có thể phát hiện các vật thể có tiết diện phản xạ khoảng 1m2 ở khoảng cách lên tới 5.000km. Lớp bảo vệ tiếp theo chính là các chiến hạm trang bị hệ thống chiến đấu Aegis mang tên lửa đánh chặn SM-3 và SM-6 có thể ngăn chặn các mục tiêu ở tầng ngoại vi khí quyển. Trên quỹ đạo, các vụ phóng tên lửa đạn đạo của đối phương được theo dõi bởi vệ tinh của Hệ thống hồng ngoại trên không gian (SBIRS). Tất cả các phương tiện này phải phát hiện vụ phóng tên lửa càng sớm càng tốt để triển khai hiệu quả các phương án đối phó.

Hệ thống phòng thủ tên lửa phức hợp của Mỹ được hình thành từ các tổ hợp tên lửa chiến thuật SM, Patriot PAC-3, phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và phòng thủ tầm trung trên mặt đất (GMD). Hệ thống phòng thủ chiến lược GMD được thiết kế để đánh chặn ICBM trong không gian vũ trụ. Tên lửa đánh chặn có trần bay tối đa 2.000km và mang thiết bị đánh chặn động năng nặng 64kg. Các tài liệu phòng thủ tên lửa của Mỹ đánh giá, xác suất đánh chặn mục tiêu khi phóng 4 tên lửa đánh chặn GMD là 97%. Nhưng việc bảo vệ như vậy cũng yêu cầu chi phí rất cao với 75 triệu USD cho mỗi tên lửa đánh chặn ở thời điểm năm 2018.

Tuy nhiên, những phương án phòng thủ trên chỉ đáp ứng việc ngăn chặn các vụ phóng tên lửa đạn đạo đơn lẻ. Hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ cũng gặp nghi vấn lớn khi đối mặt với các hệ thống vũ khí siêu vượt âm thế hệ mới.

Nếu kịch bản chiến tranh hạt nhân toàn diện xảy ra, thảm họa sẽ không chỉ xảy ra với các cường quốc hạt nhân, mà là kịch bản diệt vong của toàn nhân loại.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/he-thong-ran-de-hat-nhan-chien-luoc-cua-my-hoat-dong-nhu-the-nao-804433
Zalo