Hệ thống phòng không HAWK lấp đầy 'những khoảng trống quan trọng' trên bầu trời
Mặc dù không còn 'đất dụng võ' ở Mỹ, hệ thống phòng không HAWK và nhiều biến thể của nó vẫn được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia, bao gồm cả tiền tuyến Ukraine.
Đạn dược cho hệ thống phòng không HAWK là một phần trong gói viện trợ trước thềm năm mới của Mỹ dành cho Ukraine, nhấn mạnh cam kết không lay chuyển của Washington trong việc hỗ trợ nỗ lực phòng thủ của Kiev trước quân đội Nga.
Gói viện trợ mới nhất, trị giá 2,5 tỷ USD, không chỉ được thiết kế để củng cố thế trận phòng thủ của Ukraine mà còn tăng cường khả năng tấn công của nước này, đặc biệt là trong các lĩnh vực phòng không, pháo binh, chống thiết giáp và hệ thống chống máy bay không người lái (UAV/drone).
Cùng với hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) nổi tiếng, hệ thống phòng không HAWK đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phòng thủ nhiều lớp của Ukraine, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia Đông Âu trước các mối đe dọa hàng không, đồng thời làm suy giảm ưu thế trên không của đối phương.
MIM-23 HAWK là hệ thống đất đối không tầm trung được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào những năm 1960 và từ lâu đã bị coi là lỗi thời, khi quân đội ưa chuộng các hệ thống có tính di động cao hơn. Nhưng hệ thống vũ khí cũ đã tìm thấy sức sống mới ở Ukraine, chứng minh rằng chúng vẫn là công cụ hữu ích sau ngần ấy năm.
Một binh sĩ Ukraine vận hành hệ thống HAWK, chỉ được nêu tên là Oleksandr, viết tắt của "Homing All the Way Killer", nói với trang Business Insider hồi tháng 7 năm ngoái rằng mặc dù đây không phải là vũ khí mới nhưng "hiệu quả khi được sử dụng trong tay những người có kỹ năng".
Để chứng minh, vào thời điểm đó, Không quân Ukraine đã lần đầu tiên công bố một video cho thấy chi tiết hệ thống phòng không HAWK do Mỹ sản xuất hoạt động trên tiền tuyến.
Binh sĩ Oleksandr cho biết, mục tiêu khó khăn nhất mà anh từng gặp phải là loạt tên lửa hành trình tầm xa phóng từ trên không Kh-59, được NATO gọi là AS-18 Kazoo. Tuy nhiên, với hệ thống phòng không HAWK, anh khoe rằng anh đã hạ gục hơn hai chục mục tiêu, bao gồm cả Kh-59.
Hệ thống HAWK đã được triển khai trên khắp thế giới trong suốt 4 thập kỷ phục vụ quân đội Mỹ và đã tham chiến ở Trung Đông. Tuy nhiên, đến những năm 1990, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, mối đe dọa trên không đối với lực lượng Mỹ đã thay đổi, và HAWK đã bị loại biên và được thay thế bằng các hệ thống tầm thấp hơn như FIM-92 Stinger và Avenger. MIM-104 Patriot cũng có sẵn để đáp ứng các nhu cầu phòng không khác của Mỹ.
Mặc dù không còn "đất dụng võ" ở "xứ cờ hoa", HAWK và nhiều biến thể của nó vẫn được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Tây Ban Nha – quốc gia đầu tiên gửi cho Ukraine một số lượng lớn bệ phóng HAWK vào tháng 10/2022.
Kể từ đó, chính quyền Biden đã tặng một số lượng không xác định các hệ thống và đạn dược HAWK cho Kiev và cam kết sẽ cung cấp thêm HAWK cho Ukraine trong dài hạn.
Các quan chức Ukraine thường xuyên gây sức ép với Mỹ và các đồng minh NATO của mình để có thêm khả năng phòng không nhằm chống lại các mối đe dọa từ Nga. Mặc dù hệ thống phòng không HAWK là một món lỗi thời, nhưng nó vẫn giúp lấp đầy "những khoảng trống quan trọng" trên bầu trời.
MIM-23 HAWK, do Raytheon sản xuất, là một hệ thống phòng không di động tầm trung, được thiết kế để tấn công nhiều mối đe dọa trên không cùng lúc. Hệ thống này tự hào có phạm vi tấn công tối đa lên tới 40 km và tích hợp radar giám sát tiên tiến để phát hiện và theo dõi mục tiêu.
Các phiên bản nâng cấp có khoảng 85% khả năng đánh chặn tên lửa chiến thuật tầm ngắn. Về mặt hoạt động, hệ thống HAWK đã được một số quốc gia sử dụng để bảo vệ các tài sản quan trọng, căn cứ quân sự và lực lượng triển khai.
Hệ thống đã trải qua một số lần nâng cấp trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, Lục quân Mỹ đã thay thế hệ thống này bằng hệ thống Patriot vào năm 1994. Thủy quân lục chiến Mỹ cũng làm điều tương tự và chuyển sang sử dụng tên lửa Stinger vào năm 2002.
Tuy nhiên, Mỹ sở hữu một kho dự trữ đáng kể các hệ thống HAWK trong các "nghĩa địa" thiết bị của mình, và một số quốc gia khác trên thế giới vẫn mua và sử dụng chúng. Do đó, hệ thống này có thể dễ dàng chuyển giao cho một quốc gia khác, chỉ cần tân trang tối thiểu. Đáng nói, việc cung cấp hệ thống HAWK cho một quốc gia khác không làm giảm sự sẵn sàng của các đơn vị quân đội Mỹ.
Minh Đức (Theo Business Insider, Bulgarian Military, Forbes)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Công Nghệ xem các tin, bài liên quan