Tin xấu cho ông Trump về 'Vòm Vàng'
Dự án 'Vòm Vàng' tham vọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể triển khai nếu thiếu sự tham gia từ Canada, quốc gia hiện vẫn đang do dự trước lời đề nghị hợp tác.

Lá chắn tên lửa 'Vòm Vàng' của ông Trump cần sự hợp tác của Canada. Ảnh: Reuters.
Tuần này, Tổng thống Donald Trump đã công bố kế hoạch xây dựng một lá chắn phòng thủ tên lửa và không phận khổng lồ mang tên “Vòm Vàng” bao trùm toàn bộ lục địa Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, ông lại bỏ qua một chi tiết then chốt: Mỹ không thể hiện thực hóa dự án này nếu không có sự hỗ trợ của Canada. Và vấn đề là, chưa chắc Canada sẵn lòng tham gia.
Theo các quan chức và chuyên gia Mỹ, Canada sẽ giữ vai trò quan trọng trong dự án “Vòm Vàng” có thể tiêu tốn tới 500 tỷ USD. Nước này không chỉ cung cấp không phận mà còn phải xây dựng mạng lưới radar theo dõi tên lửa từ xa ở Bắc Cực - khu vực có thể là hành lang cho tên lửa từ Nga và Trung Quốc bay qua Bắc Cực vào Mỹ.
Dù ông Trump quả quyết rằng Canada muốn tham gia, nhưng giới lãnh đạo Ottawa lại thể hiện thái độ dè dặt.
“Có rất nhiều điều vẫn chưa rõ ràng”, nghị sĩ đảng Bảo thủ Shuvaloy Majumdar phát biểu. “Chúng tôi cần làm rõ những gì sẽ xảy ra trong quan hệ hợp tác kinh tế và an ninh giữa Mỹ và Canada”.
Mỹ với Canada: Dựa vai mà chẳng nhìn mặt
Trong bài phát biểu công bố “Vòm Vàng” hôm 20/5, ông Trump gần như xem nhẹ vai trò của Canada.
“Họ cũng muốn được bảo vệ, nên như thường lệ, chúng tôi sẽ giúp Canada”, ông nói.
Tuy nhiên, thực tế là ông Trump đang cần đến một đồng minh mà chính ông đã nhiều lần làm phật lòng. Trong nhiệm kỳ trước, ông không ít lần chỉ trích Canada "ăn theo" năng lực quân sự của Mỹ và các thỏa thuận thương mại ưu đãi.
Thậm chí, ông còn châm ngòi một cuộc chiến thuế quan khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng. Thủ tướng Mark Carney đã cảnh báo rằng Mỹ không thể tiếp tục xem Canada là điều hiển nhiên, đồng thời bắt đầu tìm kiếm đối tác an ninh khác.

Dù ông Trump cần Canada nhưng lại từng lạnh nhạt với đồng minh láng giềng. Ảnh: Reuters.
Trong bối cảnh đó, “Vòm Vàng” bất ngờ trở thành một quân bài mặc cả mới giúp Canada có thêm đòn bẩy trong quan hệ song phương.
“Chưa có chi tiết nào về thỏa thuận này được đưa ra hay đàm phán chính thức”, Thượng nghị sĩ Jack Reed, lãnh đạo phe Dân chủ trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nhận định.
“Chính vì những phát ngôn gây mất lòng của ông Trump, một bộ phận lớn dân Canada cảm thấy bị xúc phạm và điều đó phản ánh lên cả giới chính trị. Đây không còn là quan hệ kiểu ‘Mỹ-Canada thân thiết’ nữa. Mọi chuyện giờ trở nên phức tạp hơn nhiều”, ông cho biết thêm
Khoảng trống phòng thủ Bắc Cực
Với lãnh thổ gần 10 triệu km2, Canada nắm giữ không phận trọng yếu giúp Mỹ phát hiện sớm các tên lửa có thể bay qua Bắc Cực - một điểm yếu lớn trong hệ thống phòng thủ hiện tại.
“Điều Canada thực sự mang lại là lãnh thổ”, Tướng không quân đã nghỉ hưu Glen VanHerck, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng thủ Bắc Mỹ (USNORTHCOM), phân tích. “Nếu Canada triển khai radar tầm xa ở sâu hơn trong Bắc Cực, khả năng phát hiện tên lửa từ Nga, Trung Quốc và những khu vực khác sẽ tăng vọt”.
Trên thực tế, Canada từ lâu đã là đối tác không thể thiếu trong hệ thống phòng thủ chung của châu lục. Tổ chức Chỉ huy Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD), thành lập từ 67 năm trước, đã giúp hai quân đội Mỹ và Canada phối hợp hàng ngày để giám sát mọi vật thể tiếp cận không phận.
Radar và chiến đấu cơ của cả hai nước cùng chia sẻ dữ liệu, thường xuyên đánh chặn máy bay chiến đấu và oanh tạc cơ Nga tại vùng trời Bắc Cực.

Dự án Vòm Vàng giúp Mỹ phát hiện sớm các tên lửa có thể bay qua Bắc Cực và xây dựng hệ thống phòng thủ quy mô lớn chống Nga - Trung. Ảnh: Reuters.
Theo Tướng VanHerck, Canada từ trước đến nay đã đóng góp khoảng 40% chi phí đầu tư vào NORAD và đang dành thêm 38 tỷ USD trong vòng 20 năm tới để lắp đặt hệ thống radar mới ở phương Bắc. Không có các cảm biến này, Mỹ sẽ rất khó thiết lập một mạng lưới phòng thủ Bắc Mỹ thực sự hiệu quả.
“Mỹ rất cần Canada quyết định vị trí đặt các radar tầm xa”, một cố vấn đảng Cộng hòa tại Thượng viện cho biết trong một cuộc họp kín. “Không có Canada, mọi thứ sẽ phức tạp hơn rất nhiều.”
Cần thêm radar, tên lửa và... thiện chí chính trị
Để góp phần xây dựng “Vòm Vàng”, Canada không chỉ phải lắp đặt thêm radar và hệ thống đánh chặn - tương tự những gì Mỹ đang có ở California và Alaska - mà còn phải đóng vai trò tích cực hơn trong chỉ huy phòng không.
“Điều chúng tôi mong Canada làm là tham gia sản xuất các khí tài này và sẵn sàng triển khai chúng trên lãnh thổ Canada nếu cần”, ông Tory Bruno, Giám đốc điều hành Tập đoàn phóng vệ tinh United Launch Alliance, cho biết.
Hiện tại, Mỹ cũng có thể tận dụng radar mà Canada đang sản xuất. Trong tuần đầu tiên cầm quyền của Thủ tướng Carney, chính phủ Canada đã ký thỏa thuận trị giá 4 tỷ USD với Australia để triển khai radar tầm xa do hãng BAE Systems của Anh chế tạo. Dự kiến các radar này sẽ được đặt tại Bắc Cực và tích hợp vào hệ thống NORAD.
Theo phát ngôn viên văn phòng Thủ tướng Canada, bà Audrey Champoux, ông Carney và các bộ trưởng đang có “những cuộc thảo luận mang tính xây dựng và sâu rộng với phía Mỹ”.

Canada vẫn tỏ ra do dự với dự án quân sự của Mỹ khi Thủ tướng Mark Carney cho biết nước này mới đang xem xét các khoản đầu tư mà ông Trump đề xuất. Ảnh: Reuters.
Phía Bộ Tư lệnh Phòng thủ Bắc Mỹ cho biết họ “sẽ tiếp tục đặt ưu tiên hàng đầu là bảo vệ Mỹ và Canada, đồng thời bảo đảm mọi năng lực mới đều phù hợp với mục tiêu đó.”
Dù vậy, không phải ai cũng tin rằng Canada giữ vai trò then chốt trong kế hoạch “Vòm Vàng”.
“Có giúp ích không? Có thể. Nhưng không phải yếu tố sống còn”, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan, người đang thúc đẩy dự luật hiện thực hóa “Vòm Vàng”, nhận xét.
Vấn đề tài chính cũng là một rào cản lớn. Nhà Trắng đã đề xuất ngân sách khởi đầu 25 tỷ USD cho dự án trong dự luật thuế chi tiêu đang được Quốc hội xem xét. Trong khi đó, Quốc hội Canada phải đến mùa thu mới có thể thông qua ngân sách, và việc có tham gia đánh chặn tên lửa đạn đạo hay không vẫn là chủ đề gây tranh cãi ở Ottawa.
Thủ tướng Carney khẳng định mọi cam kết với “Vòm Vàng” vẫn đang trong giai đoạn xem xét.
“Đây là một chủ đề đã được thảo luận ở cấp cao, nhưng chưa có gì là chắc chắn. Mọi thứ còn phải thương lượng”, ông nói hôm 21/5 tại Ottawa.