Hệ sinh thái nông nghiệp số VNPT Green: Tối ưu hóa sản xuất

Với mục tiêu quản lý quá trình sản xuất nông nghiệp, gắn kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng…, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã triển khai chương trình VNPT Green - Hệ sinh thái nông nghiệp số toàn trình tại Thái Nguyên, trong đó có huyện Phú Lương, nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Trên ứng dụng VNPT Green, người dân có thể theo dõi quy trình sản xuất chè từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch theo tiêu chuẩn an toàn. Trong ảnh: Người dân xã Tức Tranh (Phú Lương) thu hái chè.

Trên ứng dụng VNPT Green, người dân có thể theo dõi quy trình sản xuất chè từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch theo tiêu chuẩn an toàn. Trong ảnh: Người dân xã Tức Tranh (Phú Lương) thu hái chè.

VNPT Green là hệ sinh thái nông nghiệp số toàn trình, ra mắt thị trường vào cuối năm 2024, tại 15 tỉnh, thành, nhằm giúp các hộ dân sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn và tham gia vào chuỗi giá trị bền vững. Qua đó, giúp nông dân tối ưu quy trình canh tác, kiểm soát chất lượng sản phẩm, kết nối thị trường hiệu quả.

Tại huyện Phú Lương, Trung tâm nông nghiệp số (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) đã phối hợp với VNPT Phú Lương tổ chức tập huấn, hướng dẫn các nông hộ cài đặt ứng dụng VNPT Green trên điện thoại thông minh. Từ thiết bị này, người dân có thể theo dõi mọi quy trình từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch theo tiêu chuẩn an toàn.

Ngoài ra, ứng dụng tích hợp hướng dẫn trực quan, tự động nhắc nhở và ghi chép điện tử toàn bộ quá trình sản xuất, đảm bảo đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuẩn quốc tế. Mở ra cơ hội cho nông sản Việt vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu…

Để sản xuất chè theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ, trước đây Hợp tác xã chè Hoan Xuyến (xã Vô Tranh) thường yêu cầu các thành viên ghi chép cẩn thận ngày bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật… vào một cuốn sổ. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhớ để thực hiện.

Bà Tống Thị Xuyến, Giám đốc Hợp tác xã thông tin: Từ ngày triển khai ứng dụng VNPT Green (đầu năm 2025), tôi cũng như các thành viên hợp tác xã thấy thuận tiện hơn rất nhiều. Toàn bộ quá trình chăm sóc chè chúng tôi đều quản lý trên ứng dụng.

Hệ thống tự động thông báo ngày bón phân, làm cỏ…, đồng thời nhắc nhở các thành viên hoàn thành công việc. Cũng trên ứng dụng này, khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm (vị trí của nương chè, chỉ dẫn đến tận nơi, xem được quy trình sản xuất…) và gọi điện đặt hàng. - bà Tống Thị Xuyến

Các thành viên Hợp tác xã chè Hoan Xuyến, xã Vô Tranh (Phú Lương) tìm hiểu và hướng dẫn nhau cách sử dụng ứng dụng VNPT Green.

Các thành viên Hợp tác xã chè Hoan Xuyến, xã Vô Tranh (Phú Lương) tìm hiểu và hướng dẫn nhau cách sử dụng ứng dụng VNPT Green.

Còn tại Làng nghề chè xóm Phú Nam 1, xã Phú Đô, nhiều hộ dân cũng đã cài đặt và sử dụng hiệu quả ứng dụng VNPT Green vào quá trình sản xuất. Bà Nguyễn Thị Hoàng, nói: Tôi thấy đây là ứng dụng rất thiết thực. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể tích hợp thông tin mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải dùng bút và sổ ghi chép như trước đây. Mới đầu thực hiện, các thao tác trên điện thoại còn chưa thuần thục, nhưng chúng tôi sẽ hỗ trợ nhau để phát huy được hết hiệu quả của ứng dụng trong thời gian tới.

Sau 3 tháng triển khai trực tiếp Hệ sinh thái nông nghiệp số toàn trình VNPT Green đến từng hộ dân, đến nay trên địa bàn huyện Phú Lương đã có 232 tài khoản được hỗ trợ cài đặt. Những tài khoản được cài đặt chủ yếu là các hộ sản xuất chè ở 4 xã Vô Tranh, Tức Tranh, Phú Đô và Yên Lạc.

Bà Đỗ Thị Thanh Hải, Trưởng đại diện VNPT Phú Lương thông tin: Mặc dù chương trình triển khai chưa lâu, nhưng chúng tôi nhận thấy, người dân đã hiểu về vai trò, lợi ích và tích cực sử dụng ứng dụng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm nông nghiệp số, trực tiếp hỗ trợ nông dân nâng cao nhận thức, ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong chăm sóc chè trên ứng dụng VNPT Green; thiết lập hệ thống Hotline để kịp thời xử lý khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện và sử dụng ứng dụng VNPT Green một cách hiệu quả.

Phú Lương là địa phương có đến 4.100ha chè. Việc quản lý từ quá trình chăm sóc, thu hái đến đưa sản phẩm ra thị trường trên ứng dụng VNPT Green sẽ góp phần giúp chè Phú Lương ngày càng vươn xa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm trà, cải thiện đời sống và thu nhập cho người dân.

Việt Hùng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/nghi-quyet-57/202504/he-sinh-thai-nong-nghiep-so-vnpt-green-toi-uu-hoaqua-trinh-san-xuat-nong-nghiep-9a72900/
Zalo