Camera AI - Xu thế trong thời đại số
Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, camera AI (trí tuệ nhân tạo tích hợp trong camera) đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Không chỉ đơn thuần là thiết bị ghi hình, camera AI mang lại nhiều lợi ích vượt trội, nâng cao hiệu quả giám sát, bảo vệ an ninh và tối ưu hóa hoạt động trong nhiều ngành nghề.

Hình ảnh từ camera AI tại một con phố ở Hà Nội. Ảnh: Duy Khánh.
Camera AI mang nhiều tính năng vượt trội
Một trong những lợi ích lớn nhất của camera AI là khả năng nhận diện khuôn mặt, biển số xe, hành vi bất thường… một cách chính xác và nhanh chóng. Hệ thống có thể tự động cảnh báo khi phát hiện người lạ xâm nhập, hành vi khả nghi hay thậm chí các tình huống nguy hiểm như cháy nổ, gây rối, đột nhập trái phép.
Trong các khu chung cư, tòa nhà văn phòng hay nhà máy, camera AI giúp giảm thiểu rủi ro và nâng cao mức độ an toàn cho người sử dụng.
Khác với camera truyền thống chỉ ghi hình và cần người giám sát liên tục, camera AI có thể phân tích dữ liệu theo thời gian thực. Nhờ đó, doanh nghiệp hay hộ gia đình không cần bố trí nhân sự theo dõi liên tục mà vẫn đảm bảo hiệu quả giám sát cao. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vận hành mà còn giảm áp lực cho con người trong công tác quản lý.
Chia sẻ tại sự kiện công nghệ chuyên sâu về camera an ninh có chủ đề: "Kiến tạo kỷ nguyên mới cho hệ thống camera an ninh với công nghệ 5G và Edge AI" diễn ra ngày 18/4 tại Hà Nội, Chủ tịch MK Group Nguyễn Trọng Khang nhận định, camera AI hiện có thể sử dụng để giải quyết nhiều bài toán tại Việt Nam cũng như trên thế giới như tắc đường, quản lý hệ thống đèn giao thông.
Trong khuôn khổ sự kiện này, các chuyên gia đã tập trung thảo luận về tiềm năng ứng dụng của công nghệ 5G, AI tại biên (Edge AI), giải thuật nén video trong lĩnh vực camera an ninh.
Các chuyên gia đều thống nhất rằng, nếu được kết hợp một cách chặt chẽ, các thành tố trên sẽ tái định hình toàn bộ thị trường camera an ninh tại Việt Nam trong 5 - 10 năm tới, mang đến những tính năng vượt trội, đồng thời giúp giảm thời gian và chi phí triển khai cũng như vận hành cho các hệ thống camera an ninh, giám sát.
Xử lý trí tuệ nhân tạo ngay trên thiết bị
Theo phân tích của chuyên gia của Ambarella, ông Ken Chuang tại sự kiện, Edge AI là công nghệ cho phép xử lý trí tuệ nhân tạo ngay trên thiết bị, không cần gửi dữ liệu về máy chủ trung tâm. Trong lĩnh vực camera an ninh, công nghệ này được ứng dụng để nhận diện, phân tích và cảnh báo trực tiếp tại hiện trường. Việc xử lý tại chỗ giúp giảm độ trễ, tăng tính bảo mật và tiết kiệm đáng kể chi phí lưu trữ cũng như băng thông truyền tải.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của 5G, ông Hoàng Hưng Hải - Quản lý marketing sản phẩm của Qualcomm cho hay, công nghệ 5G đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ sinh thái IoT nhờ khả năng kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp và hỗ trợ hàng triệu thiết bị cùng lúc. Khi kết hợp 5G với Edge AI, các thiết bị thông minh như camera an ninh có thể xử lý và phản hồi ngay tại hiện trường, mang lại hiệu quả cao và tính linh hoạt vượt trội.
Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc MobiFone Nguyễn Đình Tuấn nhận định: Trong hệ thống camera an ninh, 5G đóng vai trò then chốt nhờ khả năng truyền tải video độ phân giải cao với độ trễ thấp, hỗ trợ phân tích dữ liệu thời gian thực và mở rộng hệ thống giám sát mà không phụ thuộc nhiều vào hạ tầng dây cáp.
Tuy nhiên, việc ứng dụng 5G cũng đối mặt với một số thách thức như chi phí đầu tư ban đầu cao, yêu cầu về thiết bị tương thích và bài toán tối ưu hóa hạ tầng, bên cạnh đó là nhiều cơ hội mở ra cho việc phát triển các giải pháp giám sát thông minh, linh hoạt và hiệu quả hơn.
Theo CEO MK Vision Lê Tuấn Khôi, camera AI không còn là xu hướng, đó là một phần thiết yếu của hạ tầng an ninh trong xã hội hiện đại. Việc lựa chọn sản phẩm phù hợp, đặc biệt là từ các doanh nghiệp công nghệ trong nước là quyết định chiến lược cho mọi tổ chức, thành phố và quốc gia muốn bảo vệ chủ quyền dữ liệu và xây dựng nền tảng chính phủ số bền vững.
Mặt khác, việc phát triển và triển khai các hệ thống camera an ninh tiên tiến, theo đại diện MK Vision, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ và an ninh quốc phòng.

Nhiều đơn vị đã và đang từng bước ứng dụng công nghệ camera AI trên địa bàn TP. Ảnh: Duy Khánh.
Hà Nội ứng dụng camera AI hướng tới đô thị thông minh
Tại Hà Nội, nhiều đơn vị đã và đang từng bước ứng dụng công nghệ camera AI nhằm phục vụ công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng giao thông thông minh, Thành phố thông minh.
Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, hiện tại, đơn vị quản lý 3 trung tâm chỉ huy và hơn 720 camera các loại phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, việc mở rộng mạng lưới giám sát là điều tất yếu.
Do đó, Công an TP Hà Nội đang triển khai 4 dự án camera giám sát với khoảng 3.700 camera, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự và quản lý, điều hành giao thông.
Camera AI được triển khai tại nhiều khu vực trọng điểm như ngã tư, tuyến phố chính, khu vực đông dân cư để giám sát an ninh trật tự, phát hiện vi phạm giao thông, truy xuất dữ liệu hình ảnh nhanh chóng khi cần điều tra.
Trong khi đó, Sở Xây dựng Hà Nội sử dụng camera AI để theo dõi mật độ giao thông, phát hiện xe đi sai làn, vượt đèn đỏ, giám sát bến xe và điểm đỗ. Một số camera còn có thể phân tích luồng phương tiện để hỗ trợ điều chỉnh đèn tín hiệu theo thời gian thực. Từ đó, giảm ùn tắc, xử lý nhanh các vi phạm và nâng cao hiệu quả điều hành giao thông đô thị.
Đối với các địa phương, UBND các quận, huyện như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy đã lắp đặt camera AI ở các điểm công cộng, công viên, chợ dân sinh, trường học để quản lý an ninh khu vực và giám sát trật tự đô thị. Theo đó, quận Hoàn Kiếm là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai hệ thống camera giám sát thông minh trên nhiều tuyến phố cổ.
Khi công nghệ ngày càng gần gũi với đời sống, camera AI sẽ tiếp tục mở ra những tiềm năng mới, giúp xã hội vận hành thông minh hơn, lấy dữ liệu làm nền tảng và con người làm trung tâm.