Hệ Mặt Trời từng có hành tinh ôn đới khác ngoài Trái Đất?
Những mùa hè ấp áp, nhiều mưa có thể cũng từng xuất hiện ở một thế giới ngoài Trái Đất quen thuộc.
Cách đây khoảng 4,1-3,7 tỉ năm, Trái Đất có thể đã có những sinh vật sống đầu tiên. Còn ở hành tinh láng giềng màu đỏ, đó là khoảng thời gian thuộc thời kỳ Noachian, với những dòng nước từng cuồn cuộn chảy.
Chưa kể, thế giới thú vị đó có thể còn có mưa và nhiệt độ ấm áp như những vùng ôn đới trên Trái Đất ngày nay.

Địa hình Jezero Crater có thể được "điêu khắc" nhờ lượng mưa lớn tạo nên những dòng nước chảy mạnh - Ảnh: NASA
Theo Sci-News, hầu hết các mô hình khí hậu cho thấy Sao Hỏa không thể duy trì nhiệt độ trên mức đóng băng trong suốt lịch sử.
Điều này mâu thuẫn với các quan sát từ tàu vũ trụ cho thấy các mạng lưới thung lũng lớn còn dấu tích của dòng nước chảy qua, thậm chí là các con sông và vùng biển.
Một nhóm các nhà khoa học hành tinh đã mô hình hóa 2 lý thuyết hàng đầu về sự hình thành thung lũng từ lượng mưa (khí hậu ấm và ẩm) hoặc băng tan tạm thời (khí hậu lạnh giá).
Họ phát hiện ra rằng sự khác biệt chính giữa các kịch bản này là vị trí bắt nguồn của các thung lũng hình thành.
Đối chiếu điều này với một khu vực có nhiều thung lũng lớn ở Sao Hỏa, họ nhận thấy kịch bản liên quan đến lượng mưa mới là hợp lý, tức hành tinh đỏ từng có thời sở hữu nhiều vùng ấm áp, ít nhất là gần như một số vùng ôn đới của Trái Đất ngày nay.
Thời kỳ Noachian được cho là giai đoạn ấm áp tiềm năng đó, bởi các bằng chứng cho thấy đó là lúc Sao Hỏa có nước ở dạng lỏng trên bề mặt.
Một trong các khu vực đó là Jezero Crater, nơi robot săn sự sống Perseverance của NASA đang thám hiểm từ năm 2021.
Vào thời kỳ Noachian, một dòng sông lớn đổ vào khu vực này, tạo thành đồng bằng châu thổ ngự trị ngay đáy miệng hố va chạm khổng lồ này.
TS Brian Hynek, đồng tác giả Phòng thí nghiệm Vật lý khí quyển và không gian thuộc Đại học Colorado Boulder (Mỹ), cho biết những dòng nước mạnh, sâu hàng mét mới có thể giải thích những tảng đá lớn mà Perseverance đã quan sát.
Mô hình của họ cho thấy nước từ băng tan sẽ không đủ để tạo ra dòng chảy đó. Lượng mưa lớn là cách giải thích duy nhất.
Một số khu vực khác quanh xích đạo của Sao Hỏa cũng thể hiện những điều tương tự.
Mặc dù vậy, vẫn còn một bí ẩn lớn, đó là làm thế nào hành tinh này có thể đủ ấm trong quá khứ. Vào thời kỳ nói trên, Mặt Trời còn trẻ và chỉ sáng bằng 75% ngày nay.
Ngay cả ở độ sáng ngày nay, ánh nắng vẫn không đủ khiến Sao Hỏa trở nên ấm áp.
Tuy nhiên nhiều nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng Sao Hỏa ngày xưa có thể có nhiều yếu tố khác biệt so với khối cầu trơ lạnh bây giờ, bao gồm khác biệt về từ quyển, khí quyển, hoạt động địa chất...
Có thể một loạt yếu tố đã giúp nó có được một thời kỳ ấm áp ngắn ngủi, kéo dài đến tận 3,5 tỉ năm trước, với cảnh quan bề mặt y hệt Trái Đất.