Đặt bẫy ảnh, bất ngờ phát hiện loạt thú hiếm tại VQG Chư Mom Ray

Tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum) bẫy ảnh ghi nhận sự xuất hiện của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm, động vật rừng có nguy cơ tuyệt chủng, thậm chí là các động vật có tên trong sách Đỏ...

Hầu hết động vật quý hiếm ở Tây Nguyên đang tập trung tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy, Kon Tum). Hiện tại, vườn có diện tích gần 56.300 ha, là nơi sinh sống, trưởng thành của khoảng 1.000 loài động vật từ thông thường đến quý hiếm.

Động vật ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray được máy ảnh tự động chụp lại. Ảnh: VQG Chư Mom Ray.

Động vật ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray được máy ảnh tự động chụp lại. Ảnh: VQG Chư Mom Ray.

Trong đó, có 34 loài động vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 37 loài được ghi trong Sách đỏ thế giới. Đặc biệt, nhiều loài trên thế giới cũng như Việt Nam dần tuyệt chủng hoặc có nguy cơ bị đe dọa cao như gấu ngựa, gà tiền mặt màu đỏ, tê tê, bò tót…

Ngày 19/4, ông Đào Xuân Thủy - Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết, từ nhiều năm trước, Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã công nhận vườn là Di sản ASEAN. Đây là một trong 30 Vườn quốc gia của Việt Nam có sự đa dạng sinh học cao và nhiều động vật quý hiếm sinh sống.

Gấu ngựa, bò tót... xuất hiện ở Vườn Quốc gia Chư Mom Ray

Theo bẫy ảnh chụp được, loài động vật quý hiếm vừa xuất hiện ở Vườn Quốc gia Chư Mom Ray là gấu ngựa. Đây là loài động rất quý hiếm, hầu như đã tuyệt chủng ngoài thiên nhiên.

Bò tót nằm trong Sách đỏ vừa xuất hiện tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Ảnh: VQG Chư Mom Ray.

Bò tót nằm trong Sách đỏ vừa xuất hiện tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Ảnh: VQG Chư Mom Ray.

Gấu ngựa có tên khoa học là Ursus thibetanus hay Ursus tibetanus, còn được biết đến với tên gọi gấu đen Tây Tạng, gấu đen Himalaya hay gấu đen châu Á... Gấu ngựa nằm trong Sách đỏ thế giới (IUCN), là loài dễ bị thương tổn trong số các động vật đang bị đe dọa.

Không chỉ vậy, bẫy ảnh của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cũng vừa ghi nhận 4 con bò tót to khỏe xuất hiện cùng lúc. Đây là loài động vật thường xuyên di chuyển, không ở một chỗ.

Bò tót có tên khoa học Bos gaurus, là động vật thuộc họ trâu, lông màu sẫm và kích thước lớn. Bò tót sinh sống chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á và một số nước khác trên thế giới. Đây là động vật quý hiếm, nằm trong sách đỏ, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi săn bắt, xâm hại bò tót.

Đàn voọc bạc mất dấu 5 năm được phát hiện

Ông Đào Xuân Thủy cho biết trước đó, bẫy ảnh tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cũng ghi nhận sự xuất hiện của 1 đàn voọc bạc gồm 8 con. Đàn voọc bạc này được phát hiện lần cuối khoảng 5 năm trước. Sự xuất hiện trở lại của đàn voọc bạc có ý nghĩa về thực tiễn và bảo tồn nguồn gen.

Bẫy ảnh phát hiện đàn Voọc bạc sau 5 năm mất dấu. Ảnh: VQG Chư Mom Ray.

Bẫy ảnh phát hiện đàn Voọc bạc sau 5 năm mất dấu. Ảnh: VQG Chư Mom Ray.

Voọc bạc hay còn gọi là voọc Đông Dương (tên khoa học: Trachypithecus germaini caudalis) phân bố vùng Đông Nam Á. Đây là loài động vật thuộc nhóm IB, động vật nguy cấp, quý hiếm.

Ở Việt Nam, loài này được ghi nhận tại Tây Nguyên, miền Trung, vùng Đông Bắc, Trường Sơn và một số khu vực ở Nam Bộ.

Ngoài việc phát hiện các động vật lớn, bẫy ảnh tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray còn ghi nhận nhiều loài động vật nhỏ khác như: Gà tiền mặt đỏ và gà lôi lam mào đỏ... Đây là các loài động vật quý, hiếm, thuộc nhóm IB.

Theo ông Đào Xuân Thủy, việc phát hiện, ghi nhận sự trở về của các loài động vật quý hiếm, có ý nghĩa rất lớn về mặt bảo tồn đa dạng sinh học, ý nghĩa về khoa học.

"Vì các loài này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, nguy cơ mất đi nguồn gen quý hiếm. Bởi vậy, nếu ko được bảo tồn thì có thể các thế hệ tương lai chỉ biết các loài này trên hình ảnh, sách báo. Các năm gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều loài động vật trong Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Điều này chứng minh rằng rừng trong khu vực ngày càng bình yên nên các loài động vật dần quay về", ông Thủy nói.

Gà tiền mặt màu đỏ trong Vườn quốc gia Chư Mom Ray được máy ảnh tự động chụp lại. Ảnh: VQG Chư Mom Ray.

Gà tiền mặt màu đỏ trong Vườn quốc gia Chư Mom Ray được máy ảnh tự động chụp lại. Ảnh: VQG Chư Mom Ray.

Theo ông Thủy, thông thường, sau khi đặt máy ảnh, máy quay tự động khoảng 40 đến 60 ngày, cán bộ của vườn mới đi kiểm tra, vì nếu kiểm tra liên tục sẽ "kinh động" đến động vật trong rừng.

Từ hình ảnh thu thập được của máy tự động, cán bộ của vườn tiến hành phân tích, thống kê, ước đoán xem động vật quý hiếm mới xuất hiện có đặc tính gì, số lượng bao nhiêu.

"Việc phân tích dữ liệu, hình ảnh từ máy tự động cho kết quả chính xác 70% - 80%. Đơn cử như căn cứ vào tần suất, trạng thái xuất hiện của một loại động vật quý hiếm nào đó, chúng tôi sẽ phân tích được có bao nhiêu con, đang trưởng thành thế nào…", ông Thủy cho biết.

Một số động vật được máy ảnh tự động ghi nhận mới xuất hiện gần đây như bò tót, gấu ngựa, voọc bạc… vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, phân tích xác suất thống kê để đưa ra kết quả chính xác xem số lượng, đặc tính thế nào. Từ đó, có phương án bảo tồn một cách tốt nhất.

Mời đọc giả xem thêm video: Phát hiện nhiều loài cực quý hiếm còn tồn tại nhờ đặt bẫy ảnh.

Tuệ Minh (T/H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/dat-bay-anh-bat-ngo-phat-hien-loat-thu-hiem-tai-vqg-chu-mom-ray-2099720.html
Zalo