Hé lộ nội dung Trung Quốc muốn 'ăn chia' 60/40 ở biển Đông

Trung Quốc và Philippines đã xúc tiến nhiều hoạt động nhằm đi đến thỏa thuận cuối cùng về hợp tác khai thác chung ở biển Đông.

Đại sứ Philippines tại Trung Quốc (TQ) hôm 29-8 tuyên bố thỏa thuận khai thác dầu mỏ chung giữa Manila với Bắc Kinh tại biển Đông mà Tổng thống Rodrigo Duterte đang theo đuổi phải phù hợp với luật pháp TQ lẫn luật pháp Philippines, tờ Inquirer đưa tin.

Hợp pháp Philippines, TQ và UNCLOS?

“Tôi nghĩ rằng bợp đồng (khai thác chung giữa TQ và Philippines - PV) phải tuân thủ hiến pháp Philippines và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Bên cạnh đó, vì TQ cũng là bên liên quan nên bản hợp đồng cũng cần phải phù hợp với hiến pháp TQ” - Đại sứ Philippines Chito Sta Romana nói với báo chí tại Bắc Kinh.

Tuyên bố này của ông Sta Romana được đưa ra vài giờ trước khi ông Duterte gặp người đồng cấp Tập Cận Bình. Cả hai dự kiến sẽ thảo luận về việc khai thác chung dầu khí và các vấn đề hàng hải khác liên quan giữa hai quốc gia. Đại sứ Philippines cũng lưu ý thêm rằng sẽ có những cuộc đàm phán căng thẳng hoặc kéo dài về các vấn đề pháp lý. Các chuyên gia pháp lý sẽ phải tham gia và tìm ra các giải pháp hợp lý cho cả đôi bên, được cả hai nước chấp nhận.

Tổng thống Duterte từng phát biểu rằng đề xuất của TQ về việc phân chia các nguồn tài nguyên dầu mỏ ở biển Đông với phần lợi hơn thuộc về Manila là không có gì sai. Tuy nhiên, Đại sứ Sta Romana không thể trả lời câu hỏi liệu việc phân chia lợi ích theo tỉ lệ 60-40 có đồng nghĩa với việc TQ sẽ thừa nhận chủ quyền của Manila tại các khu vực khai thác chung hay không. Vị này chỉ nói thêm rằng việc hợp tác chỉ cho thấy TQ sẵn sàng linh hoạt.

“Họ sẵn sàng linh hoạt. (Chính phủ) TQ đã bày tỏ mong muốn (hành xử) linh hoạt và thực tế để mối quan hệ song phương (TQ - Philippines) được cải thiện” - Đại sứ Sta Romana nói. Ông cũng nói thêm rằng TQ và Philippines đã đồng ý về các điều khoản tham chiếu (TOR) đối với thỏa thuận khai thác dầu khí chung khả dĩ. Tuy nhiên, ông không tiết lộ thêm các chi tiết về dự án mà theo ông, cả TQ và Philippines đã làm việc cùng với nhau trong nhiều tháng liền kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Philippines vào tháng 11 năm ngoái. Khi đó, hai nước đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về khai thác dầu khí chung tại vùng biển được mô tả nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

“Trong hai tháng qua, Philippines đã gửi bản đề xuất về các điều khoản tham chiếu đến phía TQ và phía TQ đã đồng ý đồng thời gửi lại các văn bản, biên bản đồng ý của họ vào tháng 7 vừa qua. Như vậy cả hai đã đồng thuận rồi” - Đại sứ Sta Romana nói. Ông nói thêm: “Hai bên có thể sẽ thảo luận, việc cần thiết bây giờ là thành lập ủy ban chỉ đạo chung và các ủy ban làm việc chung, bao gồm cả các doanh nghiệp sẽ tham gia vào chương trình hợp tác”.

Nhiều cảnh báo cho Philippines

Cho đến hiện nay, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte, dù chưa chính thức “bắt tay” với Bắc Kinh nhưng nhiều lần lên tiếng hoan nghênh đề xuất “ăn chia” 60/40 của TQ mà Manila được phần lớn hơn.

“Đề xuất (khai thác chung) với tỉ lệ 60/40 nghiêng về phía chúng ta là một khởi đầu tốt. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ dẫn tới một kết quả nào đó tích cực, như làm thế nào chúng ta có thể giải quyết một cách hòa bình phán quyết của Tòa trọng tài” - ông Duterte phát biểu, theo đài ABS-CBN News đưa tin hôm 21-8.

Tuy nhiên, giới quan sát nhiều lần cảnh báo TQ đang nuôi dưỡng ý định độc chiếm biển Đông phía sau cái gọi là “gác tranh chấp, cùng khai thác” - một chính sách được nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra lần đầu tại Tokyo (Nhật Bản) vào tháng 10-1982.

Hai trường hợp khai thác chung thường thấy dựa trên luật pháp quốc tế. Khai thác chung theo kiểu TQ không theo trường hợp nào trên đây vì TQ muốn khai thác trong EEZ của nước khác.

Hai trường hợp khai thác chung thường thấy dựa trên luật pháp quốc tế. Khai thác chung theo kiểu TQ không theo trường hợp nào trên đây vì TQ muốn khai thác trong EEZ của nước khác.

Theo ThS Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu biển Đông, ĐH Luật TP.HCM, chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” gồm bốn nội dung, trong đó cho thấy ý định khai thác chung của TQ không hề giống với các hình thức hợp tác khai thác chung trên cơ sở luật pháp quốc tế thường thấy.

Thứ nhất, TQ muốn thông qua khai thác chung để tuyên bố chủ quyền lãnh thổ là thuộc TQ. Thứ hai, TQ cho rằng khi điều kiện cần thiết không xuất hiện để giải quyết toàn diện tranh chấp lãnh thổ, việc thảo luận vấn đề chủ quyền lãnh thổ sẽ tạm gác sang một bên. Việc gác lại tranh chấp chủ quyền lãnh thổ không có nghĩa là từ bỏ chủ quyền. Đó chỉ là tạm gác tranh chấp trong một thời gian. Trong khi đó, các vùng biển TQ muốn khai thác chung rõ ràng không hề có tranh chấp và TQ không có chủ quyền ở đó.

Thứ ba, lãnh thổ tranh chấp có thể được cùng các bên khai thác. Cuối cùng, mục đích của cùng khai thác là duy trì sự hiểu biết lẫn nhau thông qua sự hợp tác và tạo ra các điều kiện cho việc giải quyết quyền sở hữu lãnh thổ.

Dù TQ đề nghị khai thác chung nhưng nước này vẫn duy trì yêu sách đường chín đoạn phi pháp chiếm gần 80% biển Đông. Bên cạnh đó, phần lớn các khu vực mà TQ dùng đủ sức ép để đề nghị “gác tranh chấp, khai thác chung” đều nằm trên khu vực thuộc EEZ hoặc thềm lục địa của nước khác, điển hình là Philippines và Việt Nam.

Như vậy, TQ có hai mục tiêu. Về mặt chủ quyền: TQ muốn biến biển của nước khác thành vùng biển tranh chấp, qua đó từng bước hiện thực hóa yêu sách đường chín đoạn. Về mặt tài nguyên: TQ muốn biến tài nguyên của nước khác thành tài nguyên chung để khai thác.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert Del Rosario nói với The Philippin Star rằng "Nếu Manila đồng ý cho TQ khai thác chung trong EEZ, đó sẽ là một sự bành trướng thành công của TQ mà không cần nổ súng".

Trong khi đó, Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio nhận định "thay vì bắt tay với TQ, Philippines nên triển khai Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) để bảo vệ vùng biển của quốc gia, không để lực lượng nước ngoài đến khai thác. Tổng tư lệnh của AFP chính là tổng thống Philippines, người có nhiệm vụ tuân theo hiến pháp, chỉ huy AFP bảo vệ nguồn tài nguyên biển trong EEZ của đất nước mình".

ĐỖ THIỆN - HOÀNG PHÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/he-lo-noi-dung-trung-quoc-muon-an-chia-60-40-o-bien-dong-855122.html
Zalo