Hé lộ kênh thương mại bí mật giữa Nga và Ấn Độ
Theo nguồn tin của tờ báo Financial Times, vào tháng 10/2022, Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga đã chuẩn bị các kết hoạch bí mật để chi khoảng 82 tỷ rúp (1 tỷ USD thời điểm đó) nhập khẩu các mặt hàng điện tử quan trọng thông qua kênh bí mật với Ấn Độ...
“Kế hoạch này sử dụng lượng rúp dự trữ lớn mà các ngân hàng Nga có được từ hoạt động bán dầu bùng nổ cho Ấn Độ. Nga cũng xem Ấn Độ như một thị trường thay thế để mua các mặt hàng quan trọng mà trước đây từng mua từ các ‘quốc gia kém thân thiện’”, tài liệu về kế hoạch mà Financial Times có được cho biết.
QUAN HỆ NGA-ẤN ĐỘ NGÀY CÀNG SÂU SẮC
Theo nội dung thư từ trao đổi cũng như một số nguồn tin thân cận với kế hoạch này, Nga và các đối tác Ấn Độ nhắm tới các công nghệ lưỡng dụng – tức sử dụng cả trong quân sự lẫn dân sự – bị phương Tây hạn chế xuất khẩu. Phía Nga thậm chí có kế hoạch đầu tư vào các cơ sở sản xuất và phát triển hàng điện tử tại Ấn Độ.
Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ đang ngày càng xích lại gần Mỹ. Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác với phía Mỹ, từ sản xuất động cơ máy bay cho tới trí tuệ nhân tạo.
Dù không có nhiều thông tin về kế hoạch trên của Nga, dữ liệu về dòng chảy thương mại cho thấy mối quan hệ giữa Moscow và Ấn Độ đã trở nên sâu sắc hơn, đặc biệt là trong một số danh mục hàng hóa cụ thể.
Mối quan hệ thắt chặt thêm giữa Nga-Ấn Độ có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa New Dehli và Washington. Hồi tháng 7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đã gửi công văn cho 3 tổ chức kinh doanh hàng đầu Ấn Độ và cảnh báo rằng "bất kỳ tổ chức tài chính nước ngoài nào làm ăn với các cơ sở công nghiệp quân sự của Nga đều có nguy cơ bị trừng phạt".
“Rủi ro bị trừng phạt là rất lớn, bất kể đồng tiền được sử dụng trong giao dịch là gì”, ông Adeyemo nói thêm.
Dù Thủ tướng Modi nhiều lần nhấn mạnh tác động của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đối với các nền kinh tế đang phát triển và kêu gọi hai bên tìm giải pháp hòa bình, nhưng Ấn Độ vẫn tăng cường hợp tác kinh tế với Nga sau khi Moscow hứng chịu loạt biện pháp trừng phạt chưa từng thấy của phương Tây.
Ấn Độ thời gian qua là nước nhập khẩu dầu thô Nga hàng đầu và tổng kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt mức cao nhất mọi thời đại 66 tỷ USD trong năm tài khóa 2023-2024. Con số này gấp 5 lần so với năm trước khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Một phần các giao dịch thương mại này được thực hiện bằng đồng rúp.
Điện Kremlin cũng thừa nhận gặp khó khăn trong việc đưa lợi nhuận từ việc bán dầu về nước do biện pháp trừng phạt của Mỹ và các hạn chế về tiền tệ. Theo nguồn tin thân cận của Fincial Times, các doanh nghiệp của Nga đã sử dụng đồng rúp để mua vàng và các loại hàng hóa khác nhằm lách trừng phạt.
KẾ HOẠCH MUA VÀ SẢN XUẤT LINH KIỆN QUAN TRỌNG Ở ẤN ĐỘ
Tài liệu bị rò rỉ có đề cập tới lĩnh vực điện tử vô tuyến, lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm bởi Nga hiện phụ thuộc vào sản phẩm điện tử do nước ngoài sản xuất để sử dụng trong tên lửa, máy bay không người lái và thiết bị chiến đấu.
Theo tài liệu, vào tháng 10/2022, Liên đoàn hoạt động kinh tế đối ngoại và hợp tác công nghiệp liên quốc gia – tổ chức có trụ sở tại Moscow có mối liên hệ với cơ quan an ninh của Nga – được yêu cầu xây dựng kế hoạch mua các linh kiện điện tử quan trọng từ Ấn Độ.
Ông Vadim Poida, chủ tịch của tổ chức trên, phản hồi rằng họ đã làm việc với ngành công nghiệp điện tử Nga và đại diện các công ty tư nhân cũng như nhà nước của Nga để xây dựng kế hoạch cụ thể .
Ông Poida đã vạch ra kế hoạch gồm 5 giai đoạn để giúp Nga chi tiêu rúp dự trữ và xây dựng chuỗi cung ứng linh kiện lưỡng dụng ổn định.
“Nga sẽ thiết lập một hệ thống thanh toán khép kín giữa các doanh nghiệp Nga và Ấn Độ, nằm ngoài sự giám sát của phương Tây, bao gồm việc sử dụng các tài sản số”, ông Poida viết.
Tổ chức của ông Poida ước tính Nga có thể mua tới 100 tỷ rúp linh kiện, bao gồm linh kiện viễn thông, máy chủ và thiết bị điện tử phức tạp khác mà trước đó từng mua từ các nước phương Tây.
Ông cũng cho biết các thành viên của tổ chức đã bắt đầu triển khai các dự án thử nghiệp, bao gồm sản xuất linh kiện do Nga thiết kế tại Ấn Độ và triển khai “công việc cụ thể để che giấu thông tin về sự tham gia của các cá nhân và doanh nghiệp Nga, cũng như công tác vận chuyển và cung ứng qua các nước thứ ba”.
Ngoài ra, phía Nga cũng sẽ chi tiền để đầu tư vào các liên doanh sản xuất điện tử tại Ấn Độ nhằm đáp úng nhu cầu về hạ tầng thông tin quan trọng của Moscow.
Liên đoàn hoạt động kinh tế đối ngoại và hợp tác công nghiệp liên quốc gia được thành lập vào năm 2013. Ông Poida tiếp quản tổ chức này và đổi tên vào tháng 3/2022, chưa đầy một tháng sau khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
Các thư từ trao đổi giữa Nga và Ấn Độ cũng đề cập tới việc thực hiện thanh toán cho các giao dịch điện tử và máy móc bằng rúp. Dữ liệu hải quan Nga cho thấy kim ngạch thương mại của các loại hàng hóa này giữa hai bên đã tăng vọt từ mức không đáng kể vào giữa năm 2022.
Dữ liệu hải quan cũng cho thấy một số mặt hàng cụ thể có thể khớp với hoạt động của kế hoạch này. Đơn cử, công ty Ấn Độ Innovio Ventures được liệt kê là nhà cung cấp của số thiết bị điện tử trị giá ít nhất 4,9 triệu USD, bao gồm máy bay không người lái, cho Nga, và 600.000 USD hàng hóa khác cho Kyrgyzstan. Các giao dịch này được thực hiện bằng rúp.
Số hàng xuất sang Nga bao gồm thiết bị điện tử trị giá gần 570.000 USD sử cho hệ thống vô tuyến điện tử. Bên mua là một công ty Nga có tên Testkomplekt, công ty bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt vì là tâm điểm của hệ thống mua hàng quân sự cho Moscow.
Financial Times dẫn nguồn tin từ một doanh nhân Ấn Độ có hoạt động làm ăn với phía Nga cho biết Moscow hiện đã hoàn tất việc thiết lập các cơ sở sản xuất ở quốc gia Nam Á.
“Một phần khối lượng rúp dự trữ của Nga sẽ được đầu tư vào Ấn Độ để sản xuất các mặt hàng lưỡng dụng”, vị doanh nhân Ấn Độ tiết lộ. “Đây có thể là các mặt hàng điện tử giá trị thấp cũng như linh kiện của máy giặt, tủ lạnh. Chúng tôi có thể xuất khẩu các mặt hàng này hoặc lấy riêng phần điện tử để xuất sang Nga”.