Hé lộ hình ảnh có thể là của tàu chiến lớn nhất, hiện đại nhất Triều Tiên

Gần đây Triều Tiên chủ trương phát triển mạnh hải quân, đóng thêm tàu chiến hiện đại và xây dựng quân cảng lớn. Hình ảnh vệ tinh mới đây được cho là về chiến hạm mới nhất của nước này đang được đóng.

Dấu hiệu Triều Tiên đóng tàu chiến lớn nhất, hiện đại nhất

Các hình ảnh vệ tinh do các hãng Maxar Technologies và Planet Labs cung cấp vào ngày 6/4/2025 cho thấy dường như đã xuất hiện tàu chiến lớn nhất của Triều Tiên hiện nay. Tàu này có lẽ lớn gấp hơn hai lần kích thước các tàu còn lại trong hạm đội hải quân Triều Tiên.

Hình ảnh vệ tinh về tàu chiến Triều Tiên đang được đóng tại xưởng đóng tàu của nước này. Tàu này được cho là chiến hạm hiện đại nhất, lớn nhất của Triều Tiên đến lúc này. Ảnh: Maxar Technologies.

Hình ảnh vệ tinh về tàu chiến Triều Tiên đang được đóng tại xưởng đóng tàu của nước này. Tàu này được cho là chiến hạm hiện đại nhất, lớn nhất của Triều Tiên đến lúc này. Ảnh: Maxar Technologies.

Theo hình ảnh vệ tinh, con tàu này đang được đóng tại vùng nước bên trong xưởng đóng tàu Nampo ở bờ biển phía Tây của Triều Tiên, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 60km về phía Tây Nam.

Giới chuyên gia cho rằng các bức ảnh cho thấy quá trình chế tạo vũ khí và những hệ thống khác bên trong con tàu này. Đây có khả năng là tàu hộ vệ có tên lửa dẫn đường (FFG) được thiết kế để mang tên lửa trong các ống phóng thẳng đứng dùng để tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển.

Phân tích của Joseph Bermudez Jr. và Jennifer Jun thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có đoạn: “Tàu hộ vệ này dài xấp xỉ 140m, trở thành tàu chiến lớn nhất do Triều Tiên sản xuất”.

Để so sánh, tàu hộ vệ lớp Chòm sao của hải quân Mỹ cũng chỉ dài 151m.

Tuy nhiên, sự hiện diện của tàu hộ vệ Triều Tiên nói trên không phải là điều bất ngờ vì chính quyền Triều Tiên đã thúc đẩy hiện đại hóa nhanh chóng lực lượng vũ trang của họ, phát triển một loạt vũ khí mới và thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm bắn tới khắp mọi nơi trên đất Mỹ.

Những thách thức mà Triều Tiên phải vượt qua

Các lệnh trừng phạt hà khắc của Liên Hợp Quốc đã hạn chế quyền tiếp cận của Triều Tiên đối với các vật tư và công nghệ cần thiết để phát triển những vũ khí này. Tuy nhiên, quan hệ gần gũi hơn giữa Nga và Triều Tiên kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine có thể giúp Triều Tiên vượt qua các lệnh trừng phạt đó.

Đô đốc về hưu của Hàn Quốc, Kim Duk Ki, cho biết ông nghĩ rằng Moscow có thể đang cung cấp công nghệ cho hệ thống tên lửa của tàu hộ vệ Triều Tiên.

Trước đó, hình ảnh con tàu này cũng đã xuất hiện trong một phản ánh của Đài truyền hình trung ương Triều Tiên (KCTV) phát vào năm 2024. Theo đó, chiến hạm này có thể sở hữu loại vũ khí mà các lực lượng hải quân hiện đại trên thế giới đều có, bao gồm các bệ phóng thẳng đứng có năng lực phóng nhiều loại tên lửa.

Giới phân tích cũng nhận thấy tàu dường như được thiết kế để mang radar mảng pha, với khả năng theo dõi các mối đe dọa và mục tiêu một cách nhanh hơn và chính xác hơn so với năng lực của Triều Tiên trước đây.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên kiểm tra việc đóng tàu chiến. Ảnh: KCTV.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên kiểm tra việc đóng tàu chiến. Ảnh: KCTV.

Cựu Đại úy hải quân Mỹ Carl Schuster cho biết, gần như nhà đóng tàu nào cũng có thể làm được hệ thống thân tàu và hệ thống đẩy chuẩn. “Tuy nhiên, các chiến hạm hiện đại có một thách thức lớn không dễ vượt qua, đó là tích hợp thiết bị liên lạc, điện tử và vũ khí, cũng như công nghệ điện tử và cảm biến âm”.

Nghị sĩ Hàn Quốc Kim Byung Kee, thành viên Ủy ban Tình báo Hàn Quốc, đặt dấu hỏi liệu Bình Nhưỡng có đủ năng lực kỹ thuật để đóng một tàu hiện đại như vậy hay chưa và liệu họ có đủ cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho việc đó chưa.

Ông Kim Byung Kee nói: “Vận hành một chiến hạm lớn như vậy đòi hỏi một lượng ngân sách đáng kể. Họ không chỉ phải đóng tàu mà còn cần xây dựng một đội ngũ vận hành tàu. Cần chi phí cho thiết bị và nhiên liệu. Ngoài ra tàu lớn không thể hoạt động đơn độc. Câu hỏi đặt ra là Triều Tiên thực sự đáp ứng được những đòi hỏi đó hay chưa?”

Trong khi đó, Đô đốc Kim Duk Ki thận trọng cho rằng không nên đánh giá thấp sản phẩm mới của Triều Tiên, đặc biệt là độ sát thương của nó. Vị cựu sĩ quan Hàn Quốc nói: “Nếu Triều Tiên trang bị cho tàu hộ vệ mới tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mà họ tuyên bố đã thử nghiệm thành công vào tháng 1 thì điều này sẽ có tác động thay đổi cuộc chơi trong an ninh khu vực”.

Sau khi xem lại hình ảnh vệ tinh nói trên, cựu Đại úy Schuster cho rằng có lẽ Triều Tiên cần nỗ lực thêm một năm hoặc hơn một năm nữa để chiến hạm mới có thể bắt đầu thử nghiệm trên biển.

Ông Schuster đánh giá: “Việc đóng tàu này đang bị trì hoãn do thiếu các hệ thống cấu trúc thượng tầng, cảm biến và vũ khí cần phải lắp đặt”.

Thực trạng chung đội tàu chiến của Triều Tiên và tham vọng của họ

Hải quân Triều Tiên có khoảng 400 tàu tuần tra chiến đấu và 70 tàu ngầm, theo ước tính gần đây nhất của Cục Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) được nêu trong một báo cáo năm 2021.

Số lượng tàu như trên là tương đối lớn. Tuy nhiên, đa số các tàu này là thuộc dạng nhỏ và cũ.

Nhà phân tích Joseph Dempsey thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) viết hồi tháng 1 rằng Bình Nhưỡng chỉ có 2 tàu chiến mặt nước chính - đó là tàu hộ vệ lớp Najin nặng 1.600 tấn những con tàu này đã có từ đầu thập niên 1970 và trở nên lạc hậu.

Báo cáo của DIA đánh giá rằng hải quân Triều Tiên có thể chủ yếu giới hạn vào phòng thủ duyên hải nếu nổ ra xung đột với Hàn Quốc hoặc Mỹ - hai nước này đều có lực lượng hải quân vượt trội hơn rất nhiều so với Triều Tiên.

Tuy nhiên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đẩy mạnh hiện đại hóa đội tàu quân sự của mình. Triều Tiên cũng đang phát triển loại tên lửa phóng từ tàu ngầm cũng như phát triển các tàu ngầm chuyên mang loại tên lửa này.

Hồi tháng 9/2024, ông Kim Jong Un đã đến thị sát địa điểm dành cho xây dựng một quân cảng mới. Khi đó ông tuyên bố: “Nay chúng ta sẽ sớm sở hữu những chiến hạm bề mặt lớn và những tàu ngầm mà những cơ sở hiện tại không thể đáp ứng việc thả neo. Nhu cầu xây dựng một căn cứ hải quân cho tàu chiến lớn mới nhất là nhiệm vụ cấp bách”.

Nghị sĩ Hàn Quốc Yu Yong Won cho biết, con tàu đang được chế tạo tại xưởng Nampo là một thí dụ về nỗ lực của ông Kim Jong Un trong hiện đại hóa hải quân Triều Tiên.

Ông Yu cho biết thêm, Triều Tiên cũng đang đóng một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tại một xưởng đóng tàu ở cảng Sinpo và một tàu hộ vệ hoặc khu trục khác tại công xưởng ở Chongjin.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/he-lo-hinh-anh-co-the-la-cua-tau-chien-lon-nhat-hien-dai-nhat-trieu-tien-post1191927.vov
Zalo