HĐND thành phố Hà Nội xem xét thông qua 2 đề án đầu tư với vốn 'siêu khủng'
UBND thành phố Hà Nội trình HĐND thành phố xem xét 2 đề án với số vốn đầu tư rất lớn. Trong đó, đề án đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị đã có tổng số vốn 55,426 tỷ USD; đề án nâng cao năng lực PCCC hơn 26.000 tỷ đồng.
Tại phiên họp sáng 1/7, HĐND TP Hà Nội đã nghe Tờ trình của UBND TP về việc xem xét, thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trình bày tờ trình, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đưa ra dự báo tình hình và 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.
Về lộ trình và tổ chức thực hiện Đề án, Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, Đề án chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn từ nay đến hết năm 2025, UBND TP ban hành kế hoạch cụ thể, chi tiết để phổ biến, quán triệt, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện; đồng thời tập trung triển khai ngay các giải pháp cấp bách nâng cao nhận thức, ý thức về PCCC&CNCH của quần chúng nhân dân.
Đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC&CNCH cơ sở, đảm bảo quy trình “4 tại chỗ”; vận động các gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh phải tự trang bị phương tiện PCCC&CNCH; khắc phục những tồn tại, triển khai các giải pháp trước mắt để bảo đảm an toàn cho các công trình, cơ sở có nguy cơ cao về cháy nổ như chung cư mini, nhà trọ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; bổ sung các giải pháp tăng cường nguồn nước phục vụ chữa cháy ở các khu dân cư có nguy cơ cháy cao, các ngõ sâu, ngõ nhỏ có chiều dài hơn 200m…
Giai đoạn năm 2026 - 2030, thực hiện nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án đã được phân công cụ thể trong giai đoạn như tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật về PCCC&CNCH; vận động 100% nhà ở riêng lẻ trang bị thiết bị báo cháy, khuyến khích trang bị hệ thống báo cháy tự động.
Bên cạnh đó, xử lý dứt điểm các công trình không đảm bảo an toàn PCCC đã đưa vào hoạt động; 100% các ngõ nhỏ, ngõ sâu sẽ được rà soát, đầu tư, bổ sung họng nước phục vụ chữa cháy; tiếp tục đề xuất, bổ sung các dự án, gói dự án mua sắm các trang thiết bị, phương tiện PCCC&CNCH; tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát PCCC cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tinh thông pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và CNCH.
Về kinh phí thực hiện Đề án, theo tờ trình, kinh phí đã tích hợp các nội dung, nhiệm vụ mà TP đã và đang triển khai. Sau khi ban hành Đề án, quá trình thực hiện, căn cứ vào từng giai đoạn, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công chủ động lập dự án, gói dự án, kinh phí thực hiện đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội; đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Dự kiến kinh phí thực hiện các nhiệm vụ Đề án (cả 2 giai đoạn) khoảng 26.341,45 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến kinh phí khoảng 10.620,35 tỷ đồng, giai đoạn 2 khoảng 15.721,1 tỷ đồng.
55,426 tỷ USD cho đề án đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị
Trình bày Tờ trình về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội cho biết, đề án hướng đến mục tiêu chung: Phát triển hệ thống ĐSĐT đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của Thành phố, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của Thành phố theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%.
Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu trên, Hà Nội đề xuất "1 kế hoạch, 3 phân kỳ" đầu tư.
Phân kỳ 2024 - 2030: Hoàn thành thi công xây dựng 96,8km (gồm các Tuyến số 22, số 33, số 5) (khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến ĐSĐT theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội.
Trong giai đoạn này, Hà Nội thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301,0km (gồm các Tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4, 6, 7, 8, Tuyến kết nối các đô thị vệ tinh), nhu cầu vốn khoảng 14,602 tỷ USD.
Phân kỳ 2031-2035: Hoàn thành đầu tư xây dựng 301,0km2 (khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến ĐSĐT theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội. Gồm 3 đoạn: Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo: Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và Nội Bài - Nam Thăng Long, nhu cầu vốn: khoảng 22,572 tỷ USD. Theo đó, tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 là khoảng 37,174 tỷ USD.
Phân kỳ 2036 - 2045: Hoàn thành đầu tư xây dựng 200,7km ĐSĐT các tuyến/đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt, nhu cầu vốn khoảng 18,252 tỷ USD.
Đến năm 2045 có thể cân đối được khoảng 29,210 tỷ USD, đủ đáp ứng nhu cầu giai đoạn này.
Như vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2035, Hà Nội cần Trung ương hỗ trợ khoảng 8,614 tỷ USD trong hai kỳ trung hạn 2026-2030 và 2031-2035. Đến sau năm 2035, thành phố Hà Nội chủ động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến ĐSĐT bổ sung.