Hãy để năng lực lên tiếng

Chủ trương sáp nhập tỉnh, giảm 50% số tỉnh, xóa bỏ cấp huyện và tinh gọn 60-70% đơn vị hành chính cấp xã từ 10.035 xuống khoảng 3.000 đang mở ra một giai đoạn cải cách sâu rộng cho hệ thống chính quyền nước ta. Với mô hình hai cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở gồm xã, phường, bộ máy quản lý được kỳ vọng sẽ tinh gọn, hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu này, một câu hỏi quan trọng được đặt ra: Làm thế nào để sắp xếp nhân sự một cách công bằng, đảm bảo chọn được những cán bộ thực sự có năng lực? Nhiều ý kiến tâm huyết cho rằng, câu trả lời chính là việc tổ chức các kỳ thi sát hạch công tâm, minh bạch, lấy năng lực thực tế làm tiêu chí đánh giá.

Lâu nay, câu chuyện bằng cấp luôn là tâm điểm của những tranh cãi trong tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ. Một bộ phận cho rằng, bằng đại học chính quy là minh chứng cho năng lực vượt trội, trong khi bằng tại chức thường bị xem nhẹ, thậm chí bị nghi ngờ về chất lượng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tấm bằng không phải lúc nào cũng phản ánh đúng khả năng làm việc. Có những cán bộ tốt nghiệp từ các trường danh giá nhưng thiếu kỹ năng thực tiễn, trong khi nhiều người học tại chức lại tích lũy được kinh nghiệm quý báu từ thực tế công việc. Mặt khác, thực trạng chất lượng đào tạo không đồng đều hiện nay càng củng cố quan điểm rằng năng lực không thể đo đếm chỉ qua bằng cấp.

Trong bối cảnh bằng đại học, thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ xuất hiện ngày càng nhiều, chất lượng thật sự của từng cá nhân chỉ có thể được kiểm chứng qua kết quả công việc. Một hệ thống đánh giá khách quan, minh bạch, có sự tham gia của người dân, là giải pháp thiết thực để xác định ai xứng đáng. Chẳng hạn, việc áp dụng thang điểm đánh giá từ 1 đến 5, dựa trên hiệu quả công việc và ý kiến từ cộng đồng, có thể giúp xác định mức lương, cơ hội thăng chức, hoặc thậm chí xem xét cách chức đối với những người không đáp ứng yêu cầu. Cách làm này không chỉ khuyến khích cán bộ nỗ lực mà còn tạo niềm tin trong xã hội về một bộ máy hành chính công bằng.

Ở cấp cơ sở, nơi cán bộ trực tiếp làm việc với người dân, tính thực tiễn càng trở nên quan trọng. Công việc tại xã, phường đòi hỏi sự linh hoạt, khả năng xử lý đa dạng các vấn đề từ hành chính đến đời sống cộng đồng. Những cán bộ từng làm việc ở cấp tỉnh, huyện, dù sở hữu bằng cấp cao, chưa chắc đã ngay lập tức thích nghi với môi trường cơ sở. Ngược lại, nhiều cán bộ xã, dù hạn chế về ứng dụng công nghệ, lại có kinh nghiệm thực tiễn quý giá mà không trường lớp nào dạy được. Do đó, các kỳ sát hạch cần được thiết kế phù hợp với đặc thù từng vị trí, đánh giá đúng năng lực chuyên môn, kỹ năng thực tế và khả năng đáp ứng công việc. Để đảm bảo tính minh bạch, các kỳ sát hạch cần được thực hiện nghiêm túc, ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo hoặc truyền hình trực tiếp. Đây không chỉ là công cụ sàng lọc mà còn là cơ hội để phát hiện những nhân tố xuất sắc, những người có thể trở thành trụ cột của bộ máy hành chính mới.

Tái cơ cấu hành chính là cơ hội để nước ta xây dựng một bộ máy quản lý hiệu quả, gần gũi hơn với người dân. Nhưng cơ hội này chỉ thành hiện thực khi năng lực thực tế được đặt lên hàng đầu, thay vì những tấm bằng hào nhoáng nhưng thiếu thực chất. Thi sát hạch công bằng, minh bạch không chỉ là cách để chọn người xứng đáng mà còn là lời cam kết rằng ở mọi cấp bậc, từ tỉnh đến xã, chất lượng công việc mới là giá trị cốt lõi. Hãy để năng lực lên tiếng, để những người thực sự làm được việc dẫn dắt bộ máy hành chính tiến về phía trước.

Thái Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hay-de-nang-luc-len-tieng-post489107.html
Zalo