Hậu trại hè: Phụ huynh vỡ mộng sau những lời quảng cáo có cánh

Cuối hè, nhiều phụ huynh ngậm ngùi nhìn lại hành trình trại hè của con em mình. Từ những lời quảng cáo có cánh đến thực tế gây thất vọng, không ít chương trình để lại dư vị đắng thay vì trải nghiệm trưởng thành như kỳ vọng.

Từ háo hức đến ấm ức

Thời điểm đầu hè, các trại hè trải nghiệm bùng nổ như một "cơn sốt" trên mạng xã hội. Đánh trúng tâm lý phụ huynh mong muốn con có mùa hè ý nghĩa, nhiều đơn vị tổ chức đã "vẽ" ra những chương trình hấp dẫn với lời quảng cáo có cánh và hình ảnh được trau chuốt đến từng khung hình. Không ít người sẵn sàng chi tiền với hy vọng con em mình sẽ có một mùa hè bổ ích, đáng nhớ.

Để tránh rơi vào tình cảnh "tiền mất tật mang", các bậc phụ huynh cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng về đơn vị tổ chức trước khi quyết định cho con em tham gia trại hè (Ảnh minh họa).

Để tránh rơi vào tình cảnh "tiền mất tật mang", các bậc phụ huynh cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng về đơn vị tổ chức trước khi quyết định cho con em tham gia trại hè (Ảnh minh họa).

Thế nhưng, trái ngược với những kỳ vọng về một mùa hè rèn luyện, trưởng thành, khám phá, nhiều phụ huynh đang dần tỉnh táo nhìn lại sau khi trải nghiệm của con em mình rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang".

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều chia sẻ bày tỏ sự thất vọng của phụ huynh sau khi cho con em tham gia các chương trình trại hè được quảng bá rầm rộ.

Chị Chử Ngọc Ly, một phụ huynh có con đã tham gia trại hè tại Làng Háo Hức chia sẻ: "Con tôi đi Làng Háo Hức với sự háo hức đúng nghĩa. Vậy mà sau mấy ngày về, cháu phải đi khám, điều trị da liễu vì viêm da nghiêm trọng. Quan trọng hơn là tâm lý cháu bị ảnh hưởng vì bị bạn bắt nạt liên tục mà không được bảo vệ. Con không dám nói vì sợ. Tôi đã bình tĩnh phản ánh với đội ngũ tổ chức, mong nhận được sự cầu thị, nhưng điều mình nhận lại là sự thiếu tôn trọng và đổ lỗi".

Không riêng chị Ly, nhiều phụ huynh khác cũng bày tỏ nghi ngại, thậm chí phản đối mô hình trại hè được tổ chức thiếu kiểm soát.

Chị Hương (Hà Nội) thẳng thắn bày tỏ: "Tôi không bao giờ tin mấy cái trại hè với cả khóa tu đang rầm rộ quảng bá. Đi có 7-10 ngày mà đòi có trải nghiệm để trưởng thành với thay đổi nhận thức. Theo tôi, trải nghiệm và nhận thức là cả một quá trình, chứ mấy ngày mà làm được thì người ta đâu cần sống đến mấy chục năm cuộc đời".

Trong khi đó, chị Đỗ Mai chia sẻ trải nghiệm kém vui: "Mình cho hai con đi hết hơn 12 triệu đồng, vừa tốn tiền vừa rước bực vào người. May mà con mình lớn rồi nên không bị ảnh hưởng tâm lý nhiều".

Còn chị Phương Liên (Phú Thọ) có quan điểm dứt khoát: "Bản thân tôi chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ có ý định cho con tham gia các kiểu trại hè như này. Không dám nghĩ hết được những tình huống con có thể gặp phải: Ăn ở, sinh hoạt chung giữa trẻ lớn và nhỏ, vấn đề giáo dục giới tính, vệ sinh nơi đông người có đảm bảo không, chưa kể đến tai nạn bất ngờ lớn nhỏ đều có thể xảy ra".

Trại hè chỉ an toàn khi có kiểm soát chặt chẽ

Dưới góc nhìn chuyên môn, các chuyên gia tâm lý - giáo dục khẳng định rằng, nếu được tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp và khoa học, các khóa trại hè ngắn ngày không chỉ đơn thuần là nơi vui chơi mà còn là môi trường lý tưởng giúp trẻ em rèn luyện tính tự lập, kỷ luật và kỹ năng ứng xử. Qua các hoạt động trải nghiệm thực tế, trẻ có cơ hội nâng cao khả năng thích nghi, cải thiện kỹ năng sống, học cách hợp tác, sẻ chia và vượt qua thử thách cùng bạn bè đồng trang lứa.

Chị Chử Ngọc Ly (phường Thanh Xuân, Hà Nội) phản ánh con bị viêm da nghiêm trọng sau khi tham gia trại hè tại "Làng Háo Hức".

Chị Chử Ngọc Ly (phường Thanh Xuân, Hà Nội) phản ánh con bị viêm da nghiêm trọng sau khi tham gia trại hè tại "Làng Háo Hức".

Chia sẻ với phóng viên Báo Xây dựng, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam nhấn mạnh: "Điều đầu tiên cần đặt ra là việc đảm bảo an toàn cho trẻ phải được đặt lên hàng đầu. Nhà nước cần tăng cường quản lý các đơn vị tổ chức và kinh doanh dịch vụ trại hè; các đơn vị này phải được cấp phép hoạt động rõ ràng, không thể để tình trạng tự phát thu tiền diễn ra tràn lan. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ về mặt pháp nhân, kinh nghiệm tổ chức, đội ngũ chuyên gia hướng dẫn và quá trình hoạt động cũng phải được giám sát, kiểm tra thường xuyên, nhằm ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực có thể ảnh hưởng đến trẻ nhỏ".

Ông Lâm cũng lưu ý: Để tránh rơi vào tình cảnh "tiền mất tật mang", các bậc phụ huynh cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng về đơn vị tổ chức trước khi quyết định cho con em tham gia trại hè. Cụ thể, phụ huynh cần nắm rõ thông tin về địa điểm diễn ra, điều kiện sinh hoạt, chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, cũng như nội dung các hoạt động vui chơi, rèn luyện kỹ năng sống.

Cẩn trọng với "ma trận" dịch vụ trải nghiệm hè

TP.HCM: Người dân phấn khởi trải nghiệm dịch vụ 0 đồng tại ngày hội nghĩa tình

"Phụ huynh cần hết sức tỉnh táo, thận trọng, đừng vội tin vào những lời quảng cáo có cánh mà đăng ký cho con tham gia các chương trình không đảm bảo chất lượng, có nguy cơ khiến trẻ gặp phải những trải nghiệm tiêu cực, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý", ông Lâm nói.

Ông Lâm nhấn mạnh: "Cần có cơ chế buộc các trung tâm, đơn vị tổ chức phải cam kết rõ ràng về chất lượng dịch vụ. "Nếu không thực hiện đúng những gì đã cam kết, họ phải chịu trách nhiệm và có chính sách bồi thường minh bạch, rõ ràng. Tuyệt đối không thể có chuyện tổ chức tùy tiện, giao con trẻ cho những chương trình thiếu kiểm soát và thiếu trách nhiệm".

Những trải nghiệm mùa hè chỉ thực sự có giá trị khi được đặt trong một môi trường an toàn, minh bạch và có định hướng giáo dục rõ ràng. Trước khi trao gửi niềm tin và con trẻ cho bất kỳ trại hè nào, phụ huynh cần là người tiêu dùng thông thái, bởi một kỳ nghỉ hè đáng nhớ không nên đánh đổi bằng những vết thương thể chất hay tổn thương tâm lý kéo dài.

Phượng Nguyễn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/hau-trai-he-phu-huynh-vo-mong-sau-nhung-loi-quang-cao-co-canh-192250716120354992.htm
Zalo