Cân nhắc hình phạt đối với tội vận chuyển ma túy và sản xuất thuốc giả

Chiều 20/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm về việc giữ hay loại bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh, trong đó tập trung vào các nhóm tội liên quan đến ma túy và hàng giả, đặc biệt là thuốc giả.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ chiều 20.5. Ảnh: Gia Hân

Đại biểu Nguyễn Hải Trung (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ chiều 20.5. Ảnh: Gia Hân

Đại biểu Nguyễn Hải Trung (đoàn Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, cho biết hiện nay số lượng phạm nhân đang chờ thi hành án tử hình và chờ quyết định ân xá là rất lớn. Ông đồng tình với quan điểm nên xem xét bỏ một số tội danh có hình phạt tử hình. Theo ông, nhiều quốc gia trên thế giới đã bãi bỏ án tử hình hoặc có nhưng không thi hành. Do đó, việc duy trì án tử hình ở Việt Nam cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng, vì có thể ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại cũng như hoạt động tư pháp quốc tế.

Tuy vậy, nguyên Giám đốc Công an TP. Hà Nội, vẫn bày tỏ sự băn khoăn với việc bỏ án tử hình cho một số tội danh cụ thể, đặc biệt là hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Ông nêu rõ, tội phạm ma túy rất phức tạp, bao gồm nhiều hành vi như sản xuất, buôn bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng và vận chuyển. Tuy nhiên, dự thảo lần này chỉ đề xuất giảm án tử hình đối với hành vi vận chuyển, điều này là chưa hợp lý.

Ông Trung nhấn mạnh: “Nhiều người ở các tỉnh miền núi vì quá khó khăn, thiếu thốn nên bị lôi kéo tham gia vận chuyển ma túy từ biên giới vào nội địa. Vận chuyển vài gram thì có thể xem xét, nhưng nếu vận chuyển cả tấn ma túy thì tác hại xã hội sẽ ra sao? Có quốc gia thậm chí sử dụng cả tàu ngầm để vận chuyển ma túy xuyên biên giới. Vậy chúng ta sẽ xử lý thế nào nếu không còn án tử hình?”. Trên cơ sở đó, ông đề xuất nên tiếp tục giữ mức án tử hình cho tội vận chuyển ma túy, nhưng cần phân hóa cụ thể theo mức độ vi phạm, khối lượng ma túy và vai trò của người phạm tội.

Đối với các hành vi sản xuất hàng giả, đặc biệt là thuốc chữa bệnh giả, ông Trung lấy dẫn chứng từ một tiểu phẩm truyền hình, trong đó nhân vật người cha đã nghẹn ngào thốt lên: “Thuốc giả, bác sĩ giả, chỉ con tôi chết là thật”. Từ đó, ông cho rằng các hành vi làm giả thuốc chữa bệnh phải bị xử lý nghiêm khắc hơn so với các loại hàng giả thông thường vì hậu quả trực tiếp ảnh hưởng đến tính mạng con người. “Trong các loại hàng giả thì thuốc giả nguy hiểm nhất. Phải có hình phạt thật nặng để răn đe,” ông nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, nguyên Chánh án TAND TP.Hà Nội, tham gia thảo luận. Ảnh: Gia Hân

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, nguyên Chánh án TAND TP.Hà Nội, tham gia thảo luận. Ảnh: Gia Hân

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội), nguyên Chánh án TAND TP. Hà Nội, cho rằng việc áp dụng án tử hình cần xem xét kỹ lưỡng trong từng vụ án. Ông chia sẻ, qua thực tiễn xét xử, phần lớn người vận chuyển ma túy là người dân nghèo, khó khăn, làm thuê vì mức lợi nhuận nhỏ so với việc làm ruộng, làm nương.

“Chúng tôi đã từng xử rất nhiều vụ vận chuyển ma túy. Hầu hết người phạm tội là lao động phổ thông, không thuộc đường dây lớn. Nếu vận chuyển số lượng rất lớn mới áp dụng tử hình, còn lại đều được cân nhắc giảm xuống án chung thân, thậm chí có trường hợp chỉ phạt tù có thời hạn,” ông Chính cho biết.

Về xu hướng giảm án tử hình, ông Chính đồng thuận và nhấn mạnh rằng nhiều quốc gia đã không còn áp dụng hình phạt này. Tại Việt Nam, hiện vẫn còn 18 tội danh có hình phạt tử hình. Tuy nhiên, ông cho rằng hình phạt tử hình không phải là biện pháp răn đe hiệu quả, mà chỉ là công cụ trừng phạt cao nhất đối với người phạm tội. Thay vào đó, ông kiến nghị nên tăng số tội danh không thuộc diện tử hình, đồng thời hoàn thiện các biện pháp trừng trị khác như án chung thân không được giảm án.

Đặc biệt, liên quan đến tội sản xuất thuốc giả, ông Chính cho rằng việc áp dụng tử hình có phần quá nghiêm khắc, vì đa phần người phạm tội vì mục đích lợi nhuận, không hình dung hết hậu quả. Ông đề xuất: “Có những vụ nếu xử chung thân thì nhẹ, mà tử hình lại nặng. Nên xem xét áp dụng hình phạt chung thân không giảm án, chỉ được xem xét khi có đại xá hoặc ân xá”.

Ngoài ra, ông Chính cũng góp ý về mức phạt tiền đối với cá nhân, pháp nhân phạm tội. Theo ông, hiện nay một số hành vi nghiêm trọng như làm giả thuốc chữa bệnh, gây ô nhiễm môi trường… vẫn bị xử phạt hành chính ở mức quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

“Có doanh nghiệp đầu tư nhà máy hàng tỷ đồng để sản xuất thuốc giả, nhưng khi bị phát hiện chỉ bị xử phạt 6 - 12 triệu đồng. Mức phạt như vậy là quá nhẹ, không khác gì tạo điều kiện cho họ tái phạm. Do đó, cần xem xét tăng mức phạt tiền với pháp nhân, thậm chí tịch thu toàn bộ cơ sở vật chất sử dụng vào hành vi phạm tội,” ông Chính kiến nghị.

Như vậy, các ý kiến thảo luận tại tổ đã đặt ra nhiều góc nhìn khác nhau về việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, đặc biệt trong bối cảnh cần cân bằng giữa tính nhân đạo, phòng ngừa tội phạm và hiệu quả răn đe của pháp luật. Việc duy trì hay bãi bỏ án tử hình đối với từng loại tội danh cần được cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên thực tiễn xét xử, bối cảnh xã hội và định hướng phát triển tư pháp của đất nước.

Lập Nguyễn

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/can-nhac-hinh-phat-doi-voi-toi-van-chuyen-ma-tuy-va-san-xuat-thuoc-gia-479526.html
Zalo