Hậu Giang: Đổi mới, nâng cao chất lượng quán triệt, học tập và tuyên truyền nghị quyết của Đảng

Nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền nghị quyết của Đảng là khâu đầu tiên và rất quan trọng, nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

 Quang cảnh buổi Tọa đàm “Đổi mới, nâng cao chất lượng quán triệt, học tập, truyên truyền nghị quyết của Đảng" do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức ngày 2-8-2024.

Quang cảnh buổi Tọa đàm “Đổi mới, nâng cao chất lượng quán triệt, học tập, truyên truyền nghị quyết của Đảng" do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức ngày 2-8-2024.

Đổi mới, nâng cao chất lượng quán triệt, học tập và tuyên truyền nghị quyết của Đảng

Nhận thức rõ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền nghị quyết của Đảng, nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc, đầy đủ về chủ trương, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nghị quyết. Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền các nghị quyết của Đảng trên tinh thần thường xuyên đổi mới, sáng tạo, vận dụng linh hoạt nhằm ngày một nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, vun đắp niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, chính sách vào thực tiễn địa phương, đơn vị. Cụ thể:

Việc đổi mới công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết được quan tâm tham mưu kịp thời ngay sau khi các nghị quyết được ban hành, theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong toàn tỉnh triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền nghị quyết đảm bảo cả về số lượng và chất lượng học tập, quán triệt. Các nghị quyết của Đảng được phổ biến, quán triệt và tuyên truyền đến tất cả các chi, đảng bộ, đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân bằng các hình thức phong phú như: Trực tuyến, trực tiếp hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến; qua tuyên truyền miệng, các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội, các hình thức cổ động trực quan… lan tỏa thông tin, đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.

Tại Hội nghị trực tiếp, Hậu Giang quan tâm đổi mới phương pháp nghiên cứu, học tập, hình thức quán triệt đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng. Đối với hội nghị cán bộ chủ chốt, thực hiện việc chia tổ thảo luận, đi sâu phân tích các nội dung, những điểm mới, tính khả thi, tính vừa sức của nghị quyết gắn với thực tiễn cơ quan, đơn vị; đề cao việc tự nghiên cứu, tăng cường thảo luận, quán triệt những quan điểm lý luận gắn với thực tiễn mà nghị quyết đặt ra. Đối với cán bộ, đảng viên ở cơ sở tập trung vào những vấn đề cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm nhằm thống nhất nhận thức, tư tưởng thông suốt trong triển khai tổ chức thực hiện; có phân công nhiệm vụ góp ý cụ thể cho cán bộ, đảng viên tham gia thảo luận. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức sinh hoạt chuyên đề để thảo luận sâu từng nội dung của nghị quyết. Đổi mới phương pháp truyền đạt, ứng dụng công nghệ hiện đại vào tổ chức hội nghị học tập, quán triệt ở các cấp.

Đối với hội nghị trực tuyến, Hậu Giang chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hội nghị bằng hình thức trực tuyến, chỉ đạo tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt, kết nối đường truyền từ Trung ương đến các điểm cầu của tỉnh, của huyện và cấp xã; tài liệu hội nghị được cấp phát kịp thời đến các đại biểu, tạo thuận lợi cho đại biểu tự nghiên cứu, tra cứu, tham khảo phục vụ nhu cầu học tập, công tác. Đồng thời, bố trí cơ sở vật chất, hội trường, hạ tầng mạng để các hội nghị được triển khai đúng kế hoạch. Việc học tập nghị quyết của Đảng bằng hình thức trực tuyến đã mang lại nhiều hiệu quả, vừa tiết kiệm được thời gian, kinh phí, đem lại hiệu quả thực chất. Đối với các chi, đảng bộ và cán bộ, đảng viên không học trực tuyến, các đơn vị tổ chức học tập trực tiếp theo đơn vị, theo cụm; nhiều chi bộ, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức học ghép trong sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, chi hội … Từ đó, bảo đảm tất cả cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ đều được tham gia học tập nghị quyết của Đảng.

 Đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang phát biểu tại Hội nghị (trực tuyến) toàn quốc triển khai Chỉ thị 35.

Đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang phát biểu tại Hội nghị (trực tuyến) toàn quốc triển khai Chỉ thị 35.

Năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành trực tiếp quán triệt, phổ biến các nghị quyết của Đảng đến cán bộ, đảng viên. Các hội nghị học tập bằng hình thức trực tuyến được mở rộng điểm cầu đến tận cơ sở và khuyến khích mở rộng tối đa thành phần. Từ đó, tỷ lệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia học tập khá cao (trên 99%), cụ thể: Nếu từ lần hội nghị trực tuyến triển khai, quán triệt học tập nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng toàn tỉnh có 19 điểm cầu với 4.226 cán bộ, đảng viên tham dự, thì đến Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6, khóa XIII, toàn tỉnh đã tổ chức được 110 điểm cầu với trên 11.800 đại biểu tham dự; đến Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII, toàn tỉnh tổ chức được 302 điểm cầu, với hơn 24.900 đại biểu tham dự.

Bên cạnh đó, trên tinh thần bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy: “hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”, công tác tuyên truyền, phổ biến nghị quyết của Đảng có nhiều điểm mới, nổi bật là việc đẩy mạnh tuyên truyền chiều rộng lẫn chiều sâu trên tất cả kênh, hình thức tuyên truyền. Tuyên truyền chiều sâu qua đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên các cấp; trong đó Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp tham gia báo cáo nghị quyết của Đảng; đưa nội dung nghị quyết của Đảng vào sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đoàn thể, khu dân cư, các buổi gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; chú trọng đối tượng tuyên truyền đặc thù: Tranh thủ các vị sư cả, chức sắc, tôn giáo, kiều bào, tuyên truyền song ngữ trong đồng bào Khơ-me tại các điểm chùa, đồng bào tôn giáo. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tuyên truyền được 12.032 cuộc, có 416.985 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham dự; xây dựng, khuyến khích địa phương, đơn vị thực hiện các mô hình tuyên truyền hiệu quả ở thành phố Vị Thanh, Ngã Bảy, huyện Châu Thành A, Châu Thành, mặt trận Tổ quốc các cấp… đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

Tuyên truyền chiều rộng trên các nền tảng được chú trọng, có nhiều đổi mới đem lại hiệu quả tích cực. Đặc biệt phát huy vai trò báo chí, truyền thông, hệ thống truyền thanh, thông tin lưu động trên các nền tảng số, in-tơ-net, mạng xã hội tham gia tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng. Trong năm, tỉnh hợp tác với 23 cơ quan báo chí Trung ương, với 1.717 tin, bài; báo đài địa phương mở nhiều chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền; 300 nội dung tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, 959 buổi thông tin lưu động. Hình thức tuyên truyền không ngừng đổi mới, sáng tạo qua các sản phẩm báo chí đa phương tiện, ứng dụng đồ họa 3D, các video clip, các sản phẩm inforaphics, hình ảnh và các hình thức cổ động trực quan khác: bản tin, hội thi, triển lãm, khẩu hiệu tuyên truyền… lan tỏa chủ trương, nghị quyết của Đảng đến các tầng lớp nhân dân, qua đó tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận xã hội trong triển khai, quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng.

 Đồng chí Lê Công Lý, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tại buổi Tọa đàm “Đổi mới, nâng cao chất lượng quán triệt, học tập, truyên truyền nghị quyết của Đảng.”

Đồng chí Lê Công Lý, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tại buổi Tọa đàm “Đổi mới, nâng cao chất lượng quán triệt, học tập, truyên truyền nghị quyết của Đảng.”

Nhằm triển khai hiệu quả việc học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc việc lãnh đạo, chỉ đạo và việc tổ chức học tập, triển khai thực hiện. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chuẩn bị tài liệu học tập cấp phát đến các chi, đảng bộ cơ sở. Ngay sau hội nghị học tập, quán triệt, các cấp ủy dành 1/2 ngày để đại biểu nghiên cứu tài liệu, thảo luận, góp ý chương trình, kế hoạch hành động, bám sát đặc điểm tình hình đơn vị mình để triển khai đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường, nổi bật là triển khai ứng dụng nền tảng số “Sổ tay đảng viên điện tử”, biên tập, biên soạn nội dung cơ bản, cốt lõi trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết sử dụng nghiên cứu, tham khảo, trao đổi, thảo luận trong sinh hoạt chi bộ, góp phần đổi mới phương pháp, cách thức nghiên cứu, học tập nghị quyết, đồng thời đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ thiết thực, hiệu quả.

Đặc biệt, trong năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo công tác triển khai, quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng và ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo, nhằm khảo sát, đánh giá kết quả, những tồn tại, hạn chế trong công tác triển khai, quán triệt, thực hiện các nghị quyết, kế hoạch, đề án, chương trình, … của Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 tại các đảng bộ huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Qua đó kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc thưc hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả, thực chất, sát với tình hình thực tiễn của địa phương.

Nhìn chung, những đổi mới trong công tác tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền các nghị quyết của Đảng, chất lượng hiệu quả công tác quán triệt, học tập có những chuyển biến tích cực về mặt nhận thức của các cấp ủy và cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là người đứng đầu, thấy được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng; từ đó có chương trình hành động phù hợp nhằm đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận trong thực tế, mỗi khi nhắc tới nghị quyết hay đi học nghị quyết phần lớn cán bộ, đảng viên thường có tâm lý “ngại”, “ngán” và học chưa nghiêm túc. Điều này cũng được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII thẳng thắn nhận diện và chỉ rõ, nguyên nhân đó cũng chính là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị: Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính vì vậy, mà một bộ phận cán bộ, đảng viên tinh thần, thái độ học tập chưa đúng đắn. Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị cũng là căn nguyên cơ bản để dẫn tới việc phá hoại tổ chức Đảng từ bên trong, làm suy yếu Đảng. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp chưa có quyết tâm chính trị cao; việc cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng thành chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện ở một số địa phương, đơn vị còn chung chung, chỉ đạo thiếu quyết liệt, còn trông chờ, ỷ lại cấp trên;”. Do đó mà việc học tập nghị quyết chưa thực chất, coi nhẹ tầm quan trọng của nghị quyết trong khi các nghị quyết chính là kim chỉ nam cho hoạt động của cả một thời kỳ hoặc định hướng về những vấn đề then chốt. Chính vì điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng học nghị quyết của cán bộ, đảng viên.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền các nghị quyết của Đảng trong thời gian tới, cần quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong việc tổ chức học tập và triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng. Thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc học tập, nghiên cứu nghị quyết của Đảng, kịp thời tuyên truyền các văn bản mới cho cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện các nghị quyết, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, đột phá, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị.

Thứ ba, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao chất lượng báo cáo viên và tuyên truyền viên cơ sở; đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, phương pháp tổ chức quán triệt nghị quyết của Đảng theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng.

Thứ tư, chú trọng đổi mới công tác quản lý các lớp học tập nghị quyết đảm bảo chặt chẽ, khoa học, hiệu quả; rà soát, tổ chức quán triệt bổ sung đối với những cán bộ, đảng viên chưa tham gia học tập, đảm bảo đạt tỷ lệ từ 95% trở lên.

Thứ năm, phân công báo cáo viên tại các hội nghị quán triệt nghị quyết của Đảng đảm bảo phù hợp với năng lực, sở trường, kinh nghiệm; nội dung quán triệt phải được tổng hợp, chuẩn bị kỹ lưỡng theo hướng tập trung vào những vấn đề trọng tâm, cốt lõi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nắm bắt, có liên hệ với tình hình thực tế của địa phương.

Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Kết quả quán triệt, học tập, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên hằng năm.

Thứ bảy, ứng dụng công nghệ vào việc giảng dạy, kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết của Đảng, nhất là đối với cấp cơ sở như hệ thống phòng họp trực tuyến, loa truyền thanh không dây, biên soạn tài liệu phù hợp với đối tượng học tập nghị quyết của Đảng.

T.Phong – D.Thúy

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nghi-quyet-va-cuoc-song/hau-giang-doi-moi-nang-cao-chat-luong-quan-triet-hoc-tap-va-tuyen-truyen-nghi-quyet-cua-dang-21614
Zalo