Người dân Quảng Bình gia cố nhà cửa, cẩu thuyền lên bờ tránh mưa bão
Người dân ven biển tại tỉnh Quảng Bình khẩn trương giằng chống nhà cửa, gia cố mái tôn bằng bao cát, tích trữ lương thực để ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão. Ngư dân còn thuê xe cẩu để đưa tàu thuyền lên bờ tránh mưa bão.
Chiều nay (18/9), người dân ven biển tỉnh Quảng Bình hối hả chạy đua với thời gian giằng chống nhà cửa, hàng quán ven biển, xúc cát vào bao tải để gia cố mái tôn.
Chị Lại Thị Mỹ, ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho biết, nghe tin áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, gia đình huy động các thành viên ra bãi biển để gia cố, giằng chống hàng quán kinh doanh, tháo dỡ các biển quảng cáo.
Theo chị Lại Thị Mỹ, nhà cửa ở gần biển nên bà con xây kiên cố, chỉ lấy bao cát gia cố mái tôn, chặt tỉa các cành cây cao.
“Khẩn trương cho công tác phòng chống bão, chúng tôi lấy bao cát chằng trên mái tôn, dùng dây thừng giằng xung quanh để đỡ thiệt hại. Các quán sát biển nên năm nào cũng chuẩn bị ứng phó với mưa bão rất khẩn trương. Giằng chống xong quán thì mọi người về nhà chứ không ở lại quán, đến lúc bão tan thì mới ra dọn dẹp và kiểm tra lại quán xá”, chị Mỹ nói.
Ứng phó với áp thấp nhiệt đới, ngư dân xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới tập trung bảo vệ tài sản như tàu, thuyền sau đó mới gia cố nhà cửa. Những tàu, thuyền lớn được người dân di chuyển đến khu neo đậu Cừa Phú, xã Bảo Ninh và âu tàu Nhật Lệ.
Các tàu thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ không vào âu tàu tránh trú, ngư dân đã thuê xe cẩu tàu thuyền lên bờ, chở về nhà để bảo quản đề phóng sóng to gió lớn đánh hỏng, chìm tàu.
Ông Nguyễn Trường Lâm, ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh cho biết, nghe tin bão lũ là ngư dân đưa tàu thuyền vào âu, có nhà thì cẩu thuyền lên bờ, che đậy, thế mới đảm bảo tài sản an toàn. “Bà con ngư dân giữ an toàn tài sản, chằng chống nhà cửa và di dời. Buổi tối có trực ban của thôn, xã đi tuần, cảnh báo, nếu tình huống khẩn cấp sẽ di dời người trong những ngôi nhà yếu. Ở đây nghe mưa bão thì trước đó 2, 3 ngày nước sông Nhật Lệ dâng cao, chảy xiết nên tàu thuyền của ngư dân phải tránh, thậm chí cẩu thuyền đưa về nhà cất, trùm bạt cho nước không vào”, ông Lâm cho biết.
Tỉnh Quảng Bình có hơn 7.300 phương tiện tàu thuyền với gần 19.000 lao động đi biển. Đến thời điểm 17 giờ ngày 18/9 còn 4 tàu thuyền với 24 lao động đang hoạt động trên vùng biển Nam Vịnh Bắc Bộ. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã kết nối liên lạc, kêu gọi các tàu thuyền này, hiện đang trên hành trình vào bờ tránh trú.
Các địa phương tại tỉnh Quảng Bình thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão. Lực lượng bộ đội biên phòng đang tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn, tổ chức hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền tại các khu neo đậu. Lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, vị trí sạt lở ven biển, nhất là các tuyến đê, kè xung yếu trực diện biển.
Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay bộ đội biên phòng tuyến biển và biên giới đang hỗ trợ nhân dân giằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây cao, rà soát, kiểm tra các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt.
Theo đại tá Trịnh Thanh Bình, sẵn sàng các phương án, kịch bản di dời dân tại nơi xung yếu bão có thể đổ bộ, các vị trí nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét. “Các tàu thuyền trên biển cơ bản đã có thông tin liên lạc và đảm bảo vào bờ trước ngày 19/9. Đặc biệt trước cơn bão có các đợt mưa lớn, mưa cục bộ nên trước hết là phải chống bão sau đó chống lụt và chống sạt lở. Rà soát các phương án, tình huống theo từng cấp độ để điều động, sử dụng lực lượng, cấp độ nào là lệnh điều động của tỉnh, trường hợp nào điều động lực lượng tại chỗ ở huyện, xã”.