Sắc lệnh của ông Trump gây tranh cãi dữ dội

Cách đây 127 năm, một phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ đã đặt ra tiền lệ cho quyền 'sinh ra ở Mỹ là công dân Mỹ' kéo dài đến ngày nay. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau khi nhậm chức đã có động thái ngăn chặn quyền này bằng một sắc lệnh hành pháp.

Tổng thống Donald Trump gây tranh cãi khi muốn xóa bỏ tiền lệ kéo dài hơn một thế kỷ ở Mỹ. Ảnh: Reuters.

Theo NBC News, Norman Wong, hậu duệ của Wong Kim Ark (Hoàng Kim Đức) - người gốc Á được coi là góp phần giúp hình thành tiền lệ “sinh ra ở Mỹ là công dân Mỹ” - mới đây đã lên tiếng chỉ trích sắc lệnh gây tranh cãi của ông Trump.

Norman Wong, 74 tuổi, sống ở Brentwood, bang California, gọi sắc lệnh của ông Trump là "gây rắc rối" và gây chia rẽ người Mỹ. Sắc lệnh hành pháp ông Trump mới ký được gọi là “Bảo vệ Ý nghĩa và Giá trị của Quyền công dân Mỹ”. Sắc lệnh quy định chỉ cấp quyền công dân theo nơi sinh đối với trẻ em có ít nhất cha hoặc mẹ là công dân Mỹ hoặc có quyền cư trú dài hạn ở Mỹ (được cấp thẻ xanh).

“Ông Trump đang muốn làm thay đổi tư duy của người Mỹ và điều đó không tốt chút nào”, ông Wong nói với NBC News. “Chúng ta không thể xây dựng một quốc gia đoàn kết nếu có sự phân biệt. Tôi nghĩ điều phù hợp là chúng ta trân trọng những giá trị truyền thống”.

Nhà Trắng hiện chưa lên tiếng bình luận sau khi sắc lệnh của ông Trump gây ra tranh cãi dữ dội ở Mỹ.

Tiền lệ cách đây 127 năm

Sắc lệnh của ông Trump cấm cấp quyền công dân cho trẻ em có mẹ sang Mỹ theo diện được cấp visa và cha không phải người Mỹ, bao gồm những người sang Mỹ theo dạng du học, làm việc ngắn hạn hoặc du lịch.

Theo NBC News, quyền “sinh ra ở Mỹ là công dân Mỹ” nằm trong Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp. Nhưng quyền này chỉ được diễn giải một cách cụ thể trong vụ kiện xảy ra cách đây hơn 120 năm.

Cuối thế kỷ 19, Hoàng Kim Đức, người Mỹ gốc Hoa sinh ra ở thành phố San Francisco, rời nước Mỹ để thăm quê hương ở Trung Quốc thời nhà Thanh. Năm 1895, Hoàng quay về Mỹ nhưng bị cấm nhập cảnh.

Cơ quan di trú từ chối coi Hoàng là công dân Mỹ và ra lệnh quyết định trục xuất theo Đạo luật loại trừ người Hoa năm 1882. Đạo luật cấm người lao động Trung Quốc nhập cư vào Mỹ.

Hoàng Kim Đức khi đó 21 tuổi, là con của gia đình thương gia Trung Quốc đã nhập cảnh hợp pháp vào Mỹ. Theo Đạo luật, cha mẹ của Hoàng không được phép nhập tịch. Đó là thời kỳ nước Mỹ có xu hướng bài trừ người Hoa, với những đám đông quá khích tấn công các doanh nghiệp Trung Quốc. Cuối cùng cha mẹ Hoàng quyết định trở về quê hương.

Nhưng Hoàng vẫn quyết tâm ở lại và đấu tranh đến cùng. Hoàng nhận được sự giúp đỡ của Hiệp hội từ thiện hợp nhất Trung Quốc để nộp đơn kiện lên Tòa án Tối cao Mỹ với lý do bị giam giữ và trục xuất bất hợp pháp, trái với Tu chính án thứ 14.

Hoàng Kim Đức được coi là người đã thiết lập quyền “sinh ra ở Mỹ là công dân Mỹ” kéo dài đến ngày nay. Ảnh: NBC News.

Các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ sau đó ra phán quyết đứng về phía Hoàng với tỉ lệ 6 phiếu thuận và 2 phiếu chống. “Tu chính án thứ 14 được diễn đạt rõ ràng rằng tất cả trẻ em sinh ra trong lãnh thổ Mỹ, kể cả trẻ em có cha mẹ là người nước ngoài, bất kể chủng tộc hay màu da đều được coi là người Mỹ”, Tòa án Tối cao ra phán quyết.

Kể từ đó, quyền “sinh ra ở Mỹ là công dân Mỹ” được áp dụng rộng rãi, trở thành một dấu ấn riêng của Mỹ, khác biệt so với các quốc gia khác. Cá nhân Hoàng Kim Đức được coi là người giúp thiết lập tiền lệ này.

Nhiều thập kỷ sau, Norman Wong là người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Đại học California Berkeley cũng như thành lập cộng đồng người Hoa tại San Francisco. Nhưng mãi đến khi ngoài 50 tuổi, Wong mới biết về di sản có sức ảnh hưởng của tổ tiên.

Wong nhớ lại việc cha mình tiết lộ phần lịch sử đó khi họ lật giở những đồ đạc cũ. Norman Wong cho biết khoảnh khắc đó rất quan trọng.

Wong nói các nỗ lực đấu tranh vẫn chưa kết thúc. Câu chuyện của Hoàng Kim Đức có lẽ là lời nhắc nhở về điều đó. Con trai Hoàng Kim Đức là Wong Yoke Fun bị cấm nhập cảnh vào Mỹ vì cơ quan di trú cho rằng không thể xác nhận mối quan hệ cha con giữa hai người. Năm 1911, Wong Yoke Fun, người sinh ra ở Trung Quốc, bị trục xuất, theo NBC News.

Phản ứng dữ dội ở Mỹ

Theo NBC News, sắc lệnh hành pháp của ông Trump đã gây ra phản ứng dữ dội từ các nhà hoạt động và nhà lập pháp người Mỹ gốc Á, dẫn đến các vụ kiện pháp lý.

Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ, cùng với một số tổ chức xã hội khác đã đệ đơn kiện, cáo buộc chính quyền ông Trump "vi phạm các quy định nêu trong Hiến pháp". Một liên minh gồm 22 bang ủng hộ đảng Dân chủ cũng đã đệ đơn kiện.

"Đây là cuộc chiến chống lại các gia đình Mỹ do một tổng thống không tôn trọng Hiến pháp của chúng ta phát động. Chúng tôi đã khởi kiện và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng tôi sẽ chiến thắng", Tổng chưởng lý bang Connecticut, William Tong nói, theo NBC News.

Đăng Nguyễn - NBC News

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hau-due-cua-nguoi-goc-a-tao-tien-le-sinh-ra-o-my-la-cong-dan-my-len-tieng-ve-sac-lenh-cua-ong-trump-204252201122109084.htm
Zalo