Điều gì xảy ra khi ông Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris?

Tân Tổng thống Donald Trump vừa rút Mỹ - quốc gia phát thải lớn nhất thế giới - khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu ngay ngày đầu tiên ông trở lại Nhà Trắng, gây thách thức lớn cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo Reuters, động thái này đưa Mỹ cùng với Iran, Libya và Yemen trở thành những quốc gia duy nhất trên thế giới không tham gia Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015, nơi mà chính phủ thành viên đã đồng ý hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) so với mức trước thời kỳ công nghiệp, để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Điều này phản ánh sự hoài nghi của tân Tổng thống Mỹ về hiện tượng nóng lên toàn cầu, phù hợp với chương trình nghị sự rộng lớn hơn của ông nhằm giải phóng các công ty khoan dầu khí của Mỹ khỏi các quy định, để họ có thể tối đa hóa sản lượng.

"Mỹ sẽ không phá hoại các ngành công nghiệp của chính mình, bởi Trung Quốc vẫn gây ô nhiễm mà không bị trừng phạt", Reuters dẫn lời ông Trump nói trong buổi lễ nhậm chức tại Nhà Trắng và nhấn mạnh rằng việc rút lui khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris sẽ có hiệu lực vào năm sau.

Tổng thống Donald Trump vừa rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris ngay ngày đầu tiên ông trở lại Nhà Trắng hôm 20/1. Ảnh: CNN.

Tổng thống Donald Trump vừa rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris ngay ngày đầu tiên ông trở lại Nhà Trắng hôm 20/1. Ảnh: CNN.

Thông tin với CNN, người phát ngôn của Liên Hợp Quốc là Florencia Soto Nino cho biết, bất chấp việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris thì Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc - ông Antonio Guterres - vẫn tin tưởng rằng các thành phố, tiểu bang và doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục thể hiện tầm nhìn, khả năng lãnh đạo bằng cách nỗ lực hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, ít carbon, tạo ra nhiều việc làm chất lượng.

Được biết, Mỹ hiện là quốc gia sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới nhờ vào hoạt động khoan dầu bùng nổ kéo dài nhiều năm ở Texas, New Mexico và những nơi khác, được thúc đẩy bởi công nghệ thủy lực phá vỡ đá phiến và giá dầu toàn cầu tăng cao kể từ khi cuộc chiến giữa Nga -Ukraine nổ ra.

Trước đó, ông Trump cũng đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, mặc dù quá trình này mất nhiều năm và đã ngay lập tức bị đảo ngược bởi chính quyền Tổng thống Biden vào năm 2021.

Việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris gây thách thức cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Reuters.

Việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris gây thách thức cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Reuters.

Paul Watkinson - cựu chuyên gia đàm phán về khí hậu và cố vấn chính sách cấp cao của Pháp - cho biết, việc rút lui lần này của Mỹ sẽ gây ra nhiều thách thức đối với các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Bởi lẽ, Mỹ hiện là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, việc nước này rút khỏi thỏa thuận sẽ làm suy yếu tham vọng cắt giảm lượng khí nhà kính toàn cầu.

Reuters CNN đều cho rằng cách tiếp cận của ông Trump hoàn toàn trái ngược với cựu Tổng thống Joe Biden - người muốn Mỹ dẫn đầu các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và tìm cách khuyến khích quá trình chuyển đổi khỏi dầu khí, bằng cách sử dụng trợ cấp và quy định.

Li Shuo - chuyên gia về ngoại giao khí hậu tại Viện Chính sách xã hội châu Á - cho biết, việc Mỹ rút lui có nguy cơ làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc trên thị trường năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và xe điện.

Theo báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, thế giới đang trên đà nóng lên toàn cầu hơn 3 độ C vào cuối thế kỷ này. Các nhà khoa học cảnh báo rằng mức độ này sẽ gây ra những tác động dây chuyền như mực nước biển dâng cao, nắng nóng và bão tàn phá.

Các quốc gia đã phải vật lộn để cắt giảm mạnh lượng khí thải cần thiết nhằm hạ thấp mức tăng nhiệt độ dự kiến, vì chiến tranh, căng thẳng chính trị và ngân sách chính phủ eo hẹp khiến biến đổi khí hậu tụt xuống cuối danh sách ưu tiên.

Kim Thảo

Theo Reuters, CNN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dieu-gi-xay-ra-khi-ong-trump-rut-my-khoi-thoa-thuan-paris-post1711231.tpo
Zalo