Hào hứng đua bò Bảy Núi An Giang

Ngày 29/9, Hội Đua bò Bảy Núi An Giang lần thứ 29 năm 2024 đã diễn ra tại sân đua bò xã Vĩnh Trung, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Hai đôi bò tranh tài quyết liệt.

Hai đôi bò tranh tài quyết liệt.

Hội Đua bò Bảy Núi tranh Cúp Truyền hình An Giang do Đài Phát thanh-Truyền hình An Giang phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh cùng Ủy ban nhân dân thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn tổ chức.

Đây là lễ hội truyền thống và độc đáo chỉ có ở tỉnh An Giang, được tổ chức hằng năm tại vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang gồm thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn. Hội đua tổ chức luân phiên tại sân đua ở 2 huyện, thị xã trên.

Hội Đua bò nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2024 của tỉnh, mừng Lễ Sen Dolta của đồng bào dân tộc Khmer.

Dự thi đấu là người Kinh, người đồng bào dân tộc Khmer. Môn thi đấu kết nối, phát huy bản sắc văn hóa và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần, nâng cao sức khỏe, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong đồng bào dân tộc Khmer nhân dịp lễ Sen Dolta.

Năm nay, đến dự thi có 64 đôi bò đến từ thị xã Tịnh Biên và 5 huyện Tri Tôn, Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn (tỉnh An Giang), huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang).

Khán giả hồi hộp theo dõi các đôi bò đua bứt tốc

Khán giả hồi hộp theo dõi các đôi bò đua bứt tốc

Thể thức thi đấu loại trực tiếp, gồm 1 vòng hô (cho bò đi chậm) và 1 vòng thả (cho bò chạy). Chủ 2 đôi bò bắt thăm thi đấu, cặp bò nào thắng vào tiếp vòng trong.

Đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua hay bò chạy sau giẫm lên giàn bừa của đôi bò chạy trước xem như thua. Vì thế, đua bò thể hiện sự khéo léo của người điều khiển bò trên đường đua còn gọi là “tài xế” bò hay “nài bò”. Người điều khiển bò té khỏi giàn bừa cũng xem như thua.

Các cặp bò đua được huấn luyện trước đó hơn 1 tháng để bò quen với đường đua, quen tiếng ồn từ đám đông để tránh cho bò ra sân đua không bị hoảng sợ.

Lần nào cũng vậy, hội thi luôn thu hút đông đảo người dân tỉnh An Giang và các tỉnh khác đến xem, cổ vũ. Các cuộc đua luôn hào hứng, khó lường vì cặp bò thắng cuộc lần trước có thể thua cuộc ở lần thi này.

Hội thi đã quảng bá hình ảnh thân thiện đua bò Bảy Núi trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về môn thể thao độc đáo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2015.

Kết quả, đôi bò mang số đeo 52 của ông Lê Văn Mới (thị xã Tịnh Biên) đạt giải nhất; đôi bò mang số đeo 24 của ông Nguyễn Văn Cấn, thị xã Tịnh Biên đạt giải nhì

THANH DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hao-hung-dua-bo-bay-nui-an-giang-post833793.html
Zalo