Hành trình yêu thương của chương trình 'Mẹ đỡ đầu'

Dù chưa từng trải qua thiên chức làm mẹ nhưng chị Nguyễn Thị Bích Trâm-Chuyên viên Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã trở thành mẹ đỡ đầu, là chỗ dựa yêu thương cho bé Rahlan H'Phong Lan (buôn Choanh, xã Uar).

Mối quan hệ không bắt nguồn từ huyết thống nhưng lại lớn dần lên bằng tình thương chân thành. Đó là một trong nhiều câu chuyện xúc động trong 5 năm thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” trên địa bàn tỉnh.

Hành trình của tình mẫu tử

Là người trực tiếp tham mưu triển khai chương trình tại địa phương, chị Nguyễn Thị Bích Trâm thấu hiểu những thiệt thòi của trẻ mồ côi. “Mỗi lần gặp các con, lòng tôi nhói lên. Các con sống thiếu vắng hơi ấm cha mẹ nhưng vẫn mạnh mẽ vươn lên như những mầm cây trên đất cằn”-chị Trâm chia sẻ.

 Nhiều câu chuyện xúc động được chia sẻ tại buổi giao lưu. Ảnh: Minh Châu

Nhiều câu chuyện xúc động được chia sẻ tại buổi giao lưu. Ảnh: Minh Châu

Từ lòng trắc ẩn ấy, chị nhận đỡ đầu bé H’Phong Lan-mồ côi cha từ nhỏ. “Lúc nhận đỡ đầu cháu, tôi chưa từng trải qua thiên chức làm mẹ. Nhưng từ khi gắn bó với H’Phong Lan, tôi cảm nhận rất rõ tình mẫu tử”-chị Trâm khẳng định.

Chị thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ bé trong học tập, kết nối các nhà hảo tâm tặng xe đạp, cặp sách, quần áo, quà Tết… 3 năm liền, H’Phong Lan đạt học sinh xuất sắc, là niềm tự hào của người mẹ đỡ đầu luôn dõi theo con bằng tình yêu thầm lặng.

Ở tuổi 67, bà Trần Thị Nhàn (thị trấn Chư Prông) không giấu được xúc động khi kể về quyết định đón bé gái 3 tuổi mồ côi mẹ về nuôi. “Lần đầu tiên gặp, tôi cứ ngỡ cháu bị tự kỷ. Cháu không nói năng, không giao tiếp với ai. Là y sĩ, tôi nhận ra ngay những dấu hiệu bất thường ấy và xót xa cho một đứa trẻ còn quá nhỏ đã thiếu vắng vòng tay mẹ”-bà Nhàn kể.

Thương cảm, bà Nhàn đưa bé về nhà, kiên trì trò chuyện, dạy hát, múa và dành thời gian cho con mỗi ngày. Rồi một ngày, bé bất ngờ cất tiếng gọi “ngoại ơi” khiến bà xúc động vỡ òa. Với bà, đó là khoảnh khắc thiêng liêng không thể nào quên. Bé được bà Nhàn cho đi học mẫu giáo, lớn lên trong vòng tay yêu thương của người mẹ đỡ đầu giàu lòng nhân ái.

Bà Nhàn chia sẻ: “Tuổi tôi giờ ăn chẳng nhiều, lại có lương hưu nên còn nuôi được cháu ngày nào, tôi sẽ cố gắng hết sức. Ngoài kia vẫn còn nhiều trẻ mồ côi cần được chở che. Chỉ cần có tình thương dẫn lối, chúng ta sẽ luôn đồng hành được với các con”.

 Em Nguyễn Tấn Định và những người mẹ đỡ đầu ở Hội LHPN phường Yên Thế (TP. Pleiku). Ảnh: M.C

Em Nguyễn Tấn Định và những người mẹ đỡ đầu ở Hội LHPN phường Yên Thế (TP. Pleiku). Ảnh: M.C

Từ vòng tay của mẹ đỡ đầu, những đứa trẻ mồ côi đã có hành trình mới đầy hy vọng. Chẳng hạn như em Nguyễn Tấn Định (lớp 9, Trường Tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân, phường Yên Thế, TP. Pleiku) từng muốn nghỉ học phụ mẹ sau khi cha qua đời. Năm 2023, Định được Hội LHPN phường Yên Thế nhận làm con đỡ đầu. Từ đó, cuộc sống của em có thêm những gam màu ấm áp.

Mỗi tháng, các mẹ đều đến thăm hỏi, động viên, trao những phần quà nhỏ nhưng thắp lên trong em niềm vui và hy vọng về cuộc sống. Không phụ sự kỳ vọng, nhiều năm liền, em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, ngày càng tự tin hơn trong học tập và giao tiếp. “Em hứa sẽ cố gắng học giỏi, sống có ích để các mẹ luôn tự hào về em”-Định bày tỏ.

Còn bé Rơ Châm Thi (lớp 5, Trường Tiểu học Hùng Vương, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) là một trong những trường hợp đầu tiên được Hội LHPN xã Ia Din nhận đỡ đầu khi triển khai chương trình. Nhờ sự đồng hành, yêu thương và hỗ trợ của các mẹ, cô bé mồ côi cha từng nhút nhát và có nguy cơ nghỉ học vì hoàn cảnh quá khó khăn, đã vươn lên trở thành học sinh xuất sắc nhiều năm liền.

“Trước đây, nhà em lợp mái tôn cũ, mưa xuống là em phải chạy tìm xô, chậu đi hứng nước khắp nơi. Khi được các mẹ ở Hội LHPN xã nhận đỡ đầu, các mẹ đã kết nối và hỗ trợ xây nhà cho gia đình em”-Thi kể. Đôi mắt em ánh lên niềm vui và sự biết ơn khi nhắc đến những người mẹ đỡ đầu của mình.

 Được Hội LHPN xã Ia Din (huyện Đức Cơ) nhận đỡ đầu từ năm 2021 đến nay, em Rơ Lan Thi luôn đạt danh hiệu xuất sắc trong học tập. Ảnh: Minh Châu

Được Hội LHPN xã Ia Din (huyện Đức Cơ) nhận đỡ đầu từ năm 2021 đến nay, em Rơ Lan Thi luôn đạt danh hiệu xuất sắc trong học tập. Ảnh: Minh Châu

Lan tỏa yêu thương

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động từ tháng 10-2021 nhằm hỗ trợ, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt. Tại Gia Lai, sau gần 5 năm, chương trình đã trở thành điểm sáng nhân văn, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Toàn tỉnh có 407 trẻ mồ côi được đỡ đầu, trong đó có 10 em mồ côi vì đại dịch Covid-19. Gần 10 tỷ đồng đã được vận động để trao quà, học bổng, phương tiện đến trường cho các em.

Sáng 19-5, Hội LHPN tỉnh tổ chức tổng kết chương trình “Mẹ đỡ đầu” giai đoạn 2021-2025. Tại buổi lễ, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hay trong việc kêu gọi cộng đồng cùng chăm sóc trẻ mồ côi; giao lưu với chủ đề “Mẹ đỡ đầu-Điểm tựa yêu thương”. 18 tập thể, 18 cá nhân tiêu biểu đã được Hội LHPN tỉnh tặng bằng khen vì những đóng góp tích cực cho chương trình.

Tại lễ tổng kết giai đoạn 2021-2025 tổ chức vào sáng 19-5 tại TP. Pleiku, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Rơ Chăm H’Hồng khẳng định: “Chương trình không chỉ thể hiện tinh thần “Thương người như thể thương thân” mà còn là biểu tượng cho lòng nhân ái của phụ nữ Việt Nam. Nhiều trẻ mồ côi đã không còn đơn độc mà có thêm điểm tựa yêu thương trong hành trình trưởng thành”.

Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 4.536 trẻ mồ côi. Con số này cho thấy, chương trình cần tiếp tục được nhân rộng. Vì vậy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh kêu gọi cộng đồng cùng chung tay, lan tỏa yêu thương để mỗi trẻ mồ côi đều được chăm sóc, nuôi dưỡng và có cơ hội phát triển toàn diện, để chương trình “Mẹ đỡ đầu” trở thành điểm sáng trong công tác an sinh xã hội.

MINH CHÂU

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/hanh-trinh-yeu-thuong-cua-chuong-trinh-me-do-dau-post323854.html
Zalo