Hành trình 'Viết tiếp câu chuyện hòa bình'
Ngày 30/4, trên tàu Hòa Bình, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh), Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) phối hợp cùng Tổ chức Tàu Hòa Bình và hai tổ chức từng được trao giải Nobel Hòa bình - Liên đoàn Nihon Hidankyo và Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) tổ chức chương trình giao lưu văn hóa với chủ đề 'Viết tiếp câu chuyện hòa bình'.

Chương trình "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" mang thông điệp về tình đoàn kết, nỗ lực tiếp tục gìn giữ hòa bình tới thế hệ trẻ.
Sự kiện có sự tham gia của đại diện tổ chức được nhận giải Nobel Hòa bình năm 2024 và 2017 cùng các chuyên gia về hòa bình đến từ các nước trong khu vực.
Đây là dịp để mọi người suy ngẫm về lịch sử và những bài học cho tương lai, đồng thời là lời hứa đoàn kết, xây dựng cầu nối hữu nghị, tăng cường hiểu biết, nỗ lực bảo đảm hòa bình lâu dài.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của sự kiện Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Đây là lời nhắc nhở về lịch sử kiên cường của người Việt Nam và tri ân sự ủng hộ quý báu từ bạn bè quốc tế.
Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế là một thành viên đáng tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Gìn giữ hòa bình là trách nhiệm chung của toàn nhân loại, đòi hỏi sự đoàn kết, lắng nghe và hành động từ tất cả các quốc gia. Việt Nam đã và đang tích cực đóng góp vào giải trừ vũ khí hạt nhân, đồng hành cùng những Hibakusha (người sống sót sau bom nguyên tử) hướng tới một thế giới phi hạt nhân.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) phát biểu tại chương trình giao lưu.
Thông qua các hoạt động giao lưu nhân dân, văn hóa, đối thoại và các sáng kiến như thu thập chữ ký hưởng ứng Lời kêu gọi Hibakusha, VUFO nỗ lực kết nối cộng đồng, truyền cảm hứng và nuôi dưỡng sự hiểu biết. VUFO đã phối hợp với các đối tác tại Nhật Bản như: Tổ chức Nihon Hidankyo; Hội đồng Nhật Bản chống bom nguyên tử và khinh khí (Gensuikyo); Hội hữu nghị Nhật-Việt trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, nâng cao nhận thức về giá trị của hòa bình và tầm quan trọng của đoàn kết quốc tế trong việc xây dựng hòa bình.
Ông Yoshioka Tatsuya, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành tổ chức Tàu Hòa Bình (Peace Boat) cho biết, Việt Nam và Nhật Bản đều trải qua, thấu hiểu nỗi đau chiến tranh. Sự kiện này là dịp để hai bên chia sẻ quan điểm, hướng tới một thế giới hòa bình và phi hạt nhân.
Bà Kuramori Terumi, người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Nagasaki chia sẻ: “Tôi là người đã trải qua chiến tranh hạt nhân nên thấu hiểu những mất mát, nỗi đau, hậu quả do chiến tranh gây ra. Tôi mong muốn và chia sẻ với Việt Nam, mong rằng trên thế giới sẽ không còn chiến tranh, mọi người chung sống hòa bình”.
Tại sự kiện, Đoàn Thanh niên VUFO đã có bài trình bày giới thiệu về Việt Nam. Bài trình bày điểm lại những cột mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế; đồng thời chia sẻ thông tin về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Việt Nam.
Thông qua trình diễn trang phục dân tộc, giới thiệu về đặc sản địa phương, các đoàn viên thanh niên VUFO đã mang đến các đại biểu đến từ Tàu Hòa Bình cái nhìn trực quan về văn hóa Việt Nam.

Đại diện Đoàn Thanh niên VUFO trình bày giới thiệu về Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra giao lưu “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” với sự tham gia của Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Chủ tịch VUFO, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam; bà Kuramori Terumi, người sống sót sau thảm họa ném bom tại Nagasaki, đại diện của Liên đoàn Nihon Hidankyo; ông Kawasaki Akira, Chủ tịch ICAN; ông Lee Jae Young, Giám đốc điều hành NARPI.
Các diễn giả đã chia sẻ quan điểm, các góc nhìn đa dạng về hòa bình, những bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình hoạt động vì hòa bình, thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác toàn cầu; đồng thời gửi thông điệp về tình đoàn kết, tiếp tục nỗ lực gìn giữ hòa bình tới thế hệ trẻ.

Các diễn giả chia sẻ quan điểm, góc nhìn đa dạng tại chương trình giao lưu văn hóa.
Sáng cùng ngày, các đại biểu chuyên gia đã tham quan và trải nghiệm văn hóa địa phương tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Tàu Hòa Bình (Peace Boat) là tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở tại Nhật Bản, hoạt động với mục tiêu thúc đẩy hòa bình, nhân quyền và phát triển bền vững. Chuyến đi đầu tiên của Peace Boat được khởi hành năm 1983. Chuyến hải trình năm 2025 khởi hành từ Yokohama, Nhật Bản là chuyến thứ 120 của tàu Hòa Bình và Hạ Long, Việt Nam là điểm đến thứ 4. Trong hải trình này, Tổ chức tàu Hòa Bình dự kiến triển khai một dự án đặc biệt kỷ niệm 80 năm kể từ khi kết thúc thế chiến II chủ đề “Thời khắc cho hòa bình” (Time for Peace).