'Hành trình vì hòa bình' của tướng Vịnh và đội quân mũ nồi xanh
Cuốn sách Hành trình vì hòa bình của cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành, là một cuốn sử ký ghi lại một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử đối ngoại quốc phòng Việt Nam. Đây không chỉ là hồi ức cá nhân mà còn là câu chuyện chung của cả một tập thể, bắt đầu từ những nỗ lực vượt qua rào cản tư duy, đến hành trình đầy gian nan nhưng tự hào của quân đội Việt Nam trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Mặt trận không tiếng súng
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, người đặt nền móng cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam, từng khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc trong thời bình không chỉ là bảo vệ biên giới mà còn phải tham gia các sứ mệnh hòa bình, góp phần xây dựng thế giới an toàn hơn.” Dưới sự dẫn dắt của ông, những chiến sĩ mũ nồi xanh đã vượt qua những rào cản khó khăn nhất, từ điều kiện khí hậu khắc nghiệt đến khác biệt về văn hóa, để thực hiện sứ mệnh của mình. Đây là mặt trận không tiếng súng, nhưng đầy thách thức, nơi mỗi nhiệm vụ đều đòi hỏi sự kiên cường, chuyên môn vững chắc và đặc biệt là sự quan tâm chân thành đến cuộc sống của những người dân bản địa.
Tác phẩm gồm sáu chương, với năm chương là hồi ức của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, từ những ngày đầu dò đường, chuẩn bị lực lượng, đến những trải nghiệm thực địa tại châu Phi và những bài học đúc kết. Chương cuối tập hợp cảm nhận của nhiều người, như một sự tri ân với ông và các đồng đội.
Trong buổi ra mắt sách tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng), Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chia sẻ: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh không chỉ có tầm nhìn chiến lược về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, mà còn nhấn mạnh tư duy “gắn bó với dân, lấy dân làm gốc”. Đây là kim chỉ nam để lực lượng mũ nồi xanh của Việt Nam luôn tạo dấu ấn đặc biệt tại một quốc gia được cho là khó khăn nhất thế giới, nơi các chiến sĩ không chỉ thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình mà còn giúp dân xây nhà, làm đường, giảng dạy tiếng Anh, tin học cho trẻ em.
“Khi đến Nam Sudan, ngoài hình ảnh “trên vai bé chăn bò lủng lẳng súng a ka”, tôi vô cùng ấn tượng với những vườn rau xanh do các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam tự tay gây dựng, từ Bệnh viện Dã chiến 2.1 đến 2.6 hiện nay. Nhìn những ngọn rau muống lên xanh của bộ đội cụ Hồ ở Nam Sudan, tôi nghĩ sống rồi! Việt Nam có rau muống, có cơm, có mắm là sống, là chiến đấu được”. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn (nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175), một trong những người đầu tiên có công gây dựng Bệnh viện Dã chiến 2.1 xúc động kể lại. Những mảnh đất cằn cỗi tại châu Phi đã trở thành những khu vườn rau xanh mướt, không chỉ phục vụ đời sống của lực lượng Việt Nam mà còn giúp người dân địa phương học được cách trồng rau, tăng gia sản xuất, cải thiện sinh kế.
“Trong mọi hoàn cảnh, người lính Cụ Hồ không chỉ chiến đấu mà còn xây dựng, phát triển, và mang lại hy vọng cho cộng đồng. Tính “nhân dân” đặc trưng ấy không chỉ là bản chất mà còn là niềm tự hào của quân đội ta trên mặt trận quốc tế”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn nói thêm.
Tướng Vịnh nhìn ở góc khác
Hành trình của cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh không chỉ ghi dấu bởi những chiến lược lớn lao, mà còn bởi sự giản dị, nhân văn và tình cảm trong từng câu chuyện nhỏ.
Đây là câu chuyện những người đi sau kể về ông khi lần đầu (năm 2018) tiễn các bác sĩ quân y sang Nam Sudan làm nhiệm vụ: “Tại buổi lễ xuất quân của Bệnh viện Dã chiến 2.1, sau khi kết thúc phần phát biểu, ông chỉ dặn các đồng chí chỉ huy Cục gìn giữ Hòa bình và Bệnh viện quân y 175 rằng: “Các cậu làm sao thì làm, giữ được an toàn về con người là trên hết”. Trước khi máy bay cất cánh, ông lại đặt ra hai điều kiện với lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175 đi cùng các anh em: một là khi sang đó không được nằm đất, nằm đất thì rất nguy hiểm. Ở đó, sự chênh lệch nhiệt độ lớn, ban đêm 10 độ C, ban ngày 40-50 độ C thì ốm lúc nào chả biết được. Hai là phải có cơm nóng trong bữa ăn đầu tiên”.
Một kỷ niệm khác, diễn ra trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát. Qua cuộc họp trực tuyến với Bệnh viện Dã chiến 2.2, phía đầu cầu Nam Sudan báo cáo rằng trong thời điểm này, các lãnh đạo, chỉ huy Bệnh viện cấp trung tá, thiếu tá cũng ra gác cổng, cũng vào phụ bếp anh em như bình thường. Nghe thấy vậy, tướng Vịnh nói luôn: “Bây giờ mà có tình huống thì Thượng tướng cũng đi gác được, nên các đồng chí trung tá vui lòng đi gác”. Chính câu đùa vui đúng lúc này đã giúp nhen lên tinh thần lạc quan của những quân nhân đang phải làm nhiệm vụ xa Tổ quốc trong những điều kiện hết sức khó khăn về y tế và trang thiết bị bảo hộ.
Phu nhân của Thượng tướng, bà Đặng Thị Minh Ngọc, chia sẻ rằng cuốn sách này là lời tri ân của ông với lãnh đạo, đồng đội và những người đã sát cánh cùng ông trên hành trình đầy thử thách, là món quà mà ông muốn dành tặng cho thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp bước hành trình vì hòa bình trong tương lai.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng, qua đời ngày 14/9/2023 khi 64 tuổi. Ông quê ở TP Huế, là giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành quan hệ quốc tế; Ủy viên Trung ương Đảng khóa 11 và 12. Ông là con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cố chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Sinh thời, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người đầu tiên phát biểu công khai về chính sách quốc phòng “3 không” của Việt Nam vào năm 2010 (không liên minh, liên kết; không đi với nước này chống nước kia; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam).