Hành trình về 'vùng đất thiêng' Quảng Trị

Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), trong tháng 7, tỉnh Lạng Sơn tổ chức đoàn đi dâng hương, viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Đây là hoạt động ý nghĩa, tri ân các Anh hùng liệt sĩ trong đó có những liệt sĩ tỉnh Lạng Sơn đang yên nghỉ tại các nghĩa trang ở tỉnh Quảng Trị.

Đoàn đại biểu của tỉnh Lạng Sơn tham quan tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị

Đoàn đại biểu của tỉnh Lạng Sơn tham quan tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị

Hằng năm, cứ vào dịp tháng 7 là cả nước lại hướng về tỉnh Quảng Trị. Từng đoàn cán bộ, cựu chiến binh, thương binh, thân nhân liệt sĩ và Nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc hành hương về “vùng đất thiêng” này.

Những “địa chỉ đỏ” ở Quảng Trị

Giữa tháng 7/2024, tôi vinh dự được cơ quan cử theo phục vụ đoàn đại biểu của tỉnh Lạng Sơn đi viếng các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia: Trường Sơn, Đường 9 và di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị). Mất 1 ngày di chuyển với quãng đường trên 700km, đoàn đại biểu đã đến “vùng đất thiêng” Quảng Trị để dâng nén tâm nhang, tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Trên mảnh đất Quảng Trị có hàng chục nghìn chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu kiên cường và vĩnh viễn nằm lại nơi đây khi họ mới chỉ ở độ tuổi đôi mươi. Giữa di tích Thành cổ hôm nay, mỗi thành viên trong đoàn đều xúc động khi nghe thuyết minh viên kể về 81 ngày đêm rực lửa của mùa hè năm 1972. “Đã có 328.000 tấn bom đạn giặc Mỹ dội xuống, trọng điểm đánh vào tòa Thành cổ và thị xã Quảng Trị rộng chưa đầy 3km2 - một trận chiến kinh hoàng trong lịch sử chiến tranh thế giới. Thành cổ được xem là “nghĩa trang không nấm mồ”, là ngôi mộ chung của hàng vạn Anh hùng, liệt sĩ” - Giọng hướng dẫn viên Lê Đức Dã, Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị chùng xuống khi giới thiệu và thuyết minh đến sự kiện lịch sử này.

Sau khi tham quan Bảo tàng Thành Cổ, đoàn đại biểu của tỉnh di chuyển đến với chứng tích lịch sử là bến sông Thạch Hãn. Trong 81 ngày đêm năm 1972, hàng nghìn chiến sĩ đã vượt sông Thạch Hãn từ bờ Bắc vào bờ Nam chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Nhiều người con của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh, máu xương hòa vào dòng sông Thạch Hãn. Sự hy sinh cao cả ấy đã tô thắm trang sử vàng chói lọi về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, giữ cho non sông gấm vóc mãi trường tồn.

Theo thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, so với các tỉnh, thành trong cả nước thì Quảng Trị là tỉnh có nhiều nghĩa trang, nhiều mộ phần liệt sĩ với 72 nghĩa trang và hơn 7 vạn mộ liệt sĩ. Trong đó có hai nghĩa trang quốc gia lớn nhất là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh là nơi an nghỉ của 10.263 liệt sĩ, trong đó có 168 liệt sĩ quê Lạng Sơn. Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 Anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9, chiến trường Quảng Trị và đất bạn Lào trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây cũng là nơi yên nghỉ của 17 người con quê hương Lạng Sơn.

Trong cuộc đấu tranh trường kỳ giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của đất nước, trong đó có hơn 5.600 người con ưu tú của tỉnh Lạng Sơn đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình, dũng cảm chiến đấu, hy sinh. Máu đào của các anh đã đỏ thắm lá cờ vẻ vang của Đảng, để đất nước ta “nở hoa độc lập, kết trái tự do. Nhân dân ta được ấm no, hạnh phúc”.

Tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ

Trong cuộc đấu tranh trường kỳ giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của đất nước, trong đó có hơn 5.600 người con ưu tú của tỉnh Lạng Sơn đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình, dũng cảm chiến đấu, hy sinh, máu đào của các anh đã đỏ thắm lá cờ vẻ vang của Đảng, để đất nước ta “nở hoa độc lập, kết trái tự do. Nhân dân ta được ấm no, hạnh phúc”. Trong số những người con của tỉnh anh dũng hy sinh ấy, nhiều người chưa được tìm thấy mộ phần.

Trong hành trình từ mảnh đất biên cương Lạng Sơn đến với những “địa chỉ đỏ” ở các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia của tỉnh Quảng Trị, đoàn đại biểu của tỉnh chu đáo chuẩn bị những mâm lễ dâng hương là các món quà bánh, đặc sản của xứ Lạng với mong muốn mang chút hương vị, tình cảm của quê dâng lên các mộ phần liệt sĩ để các anh có thể cảm nhận được nghĩa tình sâu nặng của những người con các dân tộc Lạng Sơn gửi gắm, tri ân đến các anh.

Sau khi dâng nén tâm hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, đoàn đại biểu của tỉnh đã thành kính đến từng phần mộ liệt sĩ là người con quê hương Lạng Sơn để làm lễ tri ân.

Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, phần mộ của những liệt sĩ quê Lạng Sơn được quy hoạch thành khu vực riêng. Thắp nén hương thơm lên phần mộ của những người con quê hương đã yên nghỉ nơi đây, mỗi thành viên trong đoàn đại biểu của tỉnh đều trào dâng sự xúc động, nghẹn ngào, xen lẫn niềm thương tiếc, sự khâm phục, biết ơn và lòng tự hào dân tộc.

Những phần mộ liệt sĩ của tỉnh Lạng Sơn được sắp xếp ngay ngắn và được chăm sóc chu đáo, đầy trách nhiệm và nghĩa tình của đội ngũ quản trang. Với 168 liệt sĩ quê Lạng Sơn đang yên nghỉ tại đây, người trẻ nhất có lẽ chỉ tầm mười tám, đôi mươi mang theo nhiệt huyết và tình yêu quê hương, đất nước đã chiến đấu can trường cho nền độc lập, thống nhất hôm nay.

Bà Nguyễn Thị Bé, quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn chia sẻ: Tôi vốn là lính Cụ Hồ, khi xuất ngũ, tôi xin về làm quản trang ở đây để được gần hơn với đồng đội, vì tôi luôn tự nhủ, đồng đội đã hy sinh để mình được sống thì mình cần ở bên chăm lo cho đồng đội có giấc ngủ yên bình. Trong khuôn viên nghĩa trang này, tôi thường xuyên chăm lo cho các mộ phần của liệt sĩ tỉnh Lạng Sơn và được đón tiếp nhiều đoàn đại biểu của tỉnh và các huyện đến thăm viếng, thắp hương cho các liệt sĩ.

Trong những ngày tháng 7 này, nghĩa trang đón rất nhiều đoàn cán bộ, thương binh, bệnh binh, người có công và Nhân dân trong cả nước tới dâng hương, viếng mộ các liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây. Theo Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, trung bình mỗi năm, nghĩa trang đón khoảng 20.000 lượt người đến thăm viếng. Họ là những cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, ôn lại ký ức Trường Sơn cùng đồng đội; là những người thân đến đây để tìm lại bóng dáng người thân yêu ròng rã mấy mươi năm biền biệt...

Với tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn trước những hy sinh cao cả của các Anh hùng, liệt sĩ, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã luôn đoàn kết nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh mà đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra, xây dựng quê hương xứ Lạng ngày một phát triển, văn minh. Đặc biệt, phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm tới công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần các gia đình chính sách, người có công. Trong chuyến hành trình đến với các nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Quảng Trị, ngoài dâng hương, viếng mộ các liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây, Đoàn đại biểu của tỉnh Lạng Sơn còn dành tặng những phần quà ý nghĩa nhằm động viên đội ngũ Ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - những người trực tiếp hằng ngày chăm sóc các phần mộ của liệt sĩ.

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu của tỉnh Lạng Sơn trong chuyến hành trình về với “vùng đất thiêng” Quảng Trị khẳng định: Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa của tỉnh Lạng Sơn nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ. Hoạt động không chỉ thể hiện sự tri ân đối với liệt sĩ là những người con xứ Lạng mà còn là dịp để tỉnh Lạng Sơn đến thăm, nắm bắt thực trạng các phần mộ của liệt sĩ đang yên nghỉ tại 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia của tỉnh Quảng Trị. Từ đó xây dựng kế hoạch tu sửa, tôn tạo trình HĐND tỉnh trong thời gian tới, để qua đó các Anh hùng, liệt sĩ của tỉnh có một “mái nhà chung” khang trang, ấm cúng hơn.

Chia tay Quảng Trị, tôi và các đại biểu trong đoàn càng thêm thấu hiểu được giá trị của sự hy sinh và giá trị cuộc sống hòa bình ngày nay, để từ đó bày tỏ lòng thành kính tri ân những người đã cống hiến, hy sinh tuổi trẻ để giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc hôm nay.

THANH HUYỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/hanh-trinh-ve-vung-dat-thieng-quang-tri-5016114.html
Zalo