Hành trình 'tìm ngọc' cùng Song Yến PSY tại hơn 50 điểm trường THPT

Học viện Giáo dục Tâm lý Song Yến PSY và Trường Đại học Trà Vinh đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp tại 50 điểm trường ở Tây Ninh, Kiên Giang, Cà Mau.

Ông Nguyễn Thành Gia ngồi cùng với đại diện trường THPT Quang Trung trong buổi tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: Song Yến PSY

Ông Nguyễn Thành Gia ngồi cùng với đại diện trường THPT Quang Trung trong buổi tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: Song Yến PSY

Hành trình kiến tạo tương lai cho thế hệ trẻ

Chương trình được Trường Đại học Trà Vinh cùng Song Yến PSY xây dựng với mục tiêu hỗ trợ học sinh THPT định hướng nghề nghiệp, nâng cao nhận thức và tự tin trong việc lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân và nhu cầu xã hội, đồng thời gắn liền với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nội dung của chương trình bao gồm việc giới thiệu các lý thuyết định hướng nghề nghiệp hiện đại, hướng dẫn cách lập kế hoạch nghề nghiệp cá nhân và cung cấp cái nhìn tổng quát về các ngành nghề cùng xu hướng việc làm trong tương lai. Đặc biệt, chương trình sẽ tạo cơ tạo hội giao lưu trực tiếp giữa học sinh và các chuyên gia tư vấn để giải đáp thắc mắc, chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng.

Mỗi buổi tư vấn sẽ kéo dài từ 90 phút đến 120 phút. Nội dung chủ yếu tập trung vào các vấn đề định hướng nghề nghiệp nhằm đảm bảo mang lại trải nghiệm thực tế, hiệu quả cho học sinh và giáo viên tham gia. Điểm nhấn của chương trình chính là sự đồng hành quan trọng từ Trường Đại học Trà Vinh. Đây là đơn vị sẽ hỗ trợ công tác tư vấn thông tin các ngành nghề thuộc các nhóm ngành khi học sinh có nhu cầu.

Ngoài ra, chương trình còn cung cấp các suất học bổng khuyến khích cho các em học sinh tại mỗi điểm trường. Thông qua các suất học bổng, Song Yến PSY mong muốn mang đến nguồn động viên to lớn để các em tiếp tục phấn đấu trên hành trình chinh phục giấc mơ đại học.

 Ông Nguyễn Thành Gia lên trao học bổng cho học sinh trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha và THPT Tây Ninh. Ảnh: Song Yến PSY

Ông Nguyễn Thành Gia lên trao học bổng cho học sinh trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha và THPT Tây Ninh. Ảnh: Song Yến PSY

Bên cạnh sự kiện ở các thành phố lớn, Song Yến PSY còn tổ chức các buổi vấn ở những huyện, xã vùng sâu vùng xa nhằm đảm bảo học sinh ở các địa phương khó khăn không mất đi cơ hội tư vấn. Đây cũng chính là phương châm trong hoạt động “mang đến cơ hội học tập chất lượng cho cộng đồng” của Trường Đại học Trà Vinh và sứ mệnh “Kiến tạo sức khỏe hạnh phúc cho thế hệ trẻ Việt Nam” thông qua việc mỗi bạn đều chọn hướng đi phù hợp cho mình.

Ông Nguyễn Thành Gia, Giám đốc Học viện Học viện Giáo dục Tâm lý Song Yến PSY chia sẻ: “Mình có xuất thân từ một vùng khó khăn, việc tiếp cận các thông tin về nghề nghiệp đối mình vốn dĩ đã luôn hạn chế. Chính vì thế, mình nhận thức rõ tầm quan trọng của việc được tiếp cận các thông tin về cơ hội nghề nghiệp, làm thế nào để chọn ngành nghề phù hợp cho bản thân. Xuất phát những tâm tư đó, mình luôn cố gắng cho các em học sinh tại các vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận được các thông tin tư vấn nghề nghiệp từ sớm. Đó chính là nền tảng tốt để các em có thể cho mình những sự lựa chọn tốt hơn trong việc định hướng tương lai.”

 Phần giải đáp thắc mắc giữa em học sinh tại trường THPT Vĩnh Phong với chuyên gia tư vấn của Học viện Giáo dục Tâm lý Song Yến PSY. Ảnh: Song Yến PSY

Phần giải đáp thắc mắc giữa em học sinh tại trường THPT Vĩnh Phong với chuyên gia tư vấn của Học viện Giáo dục Tâm lý Song Yến PSY. Ảnh: Song Yến PSY

Ứng dụng kịch ứng tác trong buổi tư vấn

Điểm nhấn trong xuyên suốt chuỗi tư vấn chính là vở kịch ứng tác “Giờ phải làm sao?” do chính Song Yến PSY biên soạn. Tham gia vở kịch ứng tác, các em học sinh sẽ hóa thân thành 4 nhân vật đại diện cho 4 cách chọn nghề phổ biến. Mỗi nhân vật sẽ đưa ra những sự băn khoăn về việc nên chọn ngành nghề theo đam mê, thu nhập, năng lực hay xu hướng.

Thông qua những màn ứng biến sôi nổi, các em học sinh có thể trình bày quan điểm cá nhân về việc nên lựa chọn ngành nghề như thế nào trong bối cảnh xã hội hiện đại. Từ đó, các em sẽ hiểu rõ hơn về những ưu và nhược điểm của từng yếu tố trong việc lựa chọn nghề nghiệp.

 Các em học sinh tại trường THPT Vĩnh Bình Bắc tham gia vở kịch ứng tác cùng do Song Yến PSY biên soạn. Ảnh: Song Yến PSY

Các em học sinh tại trường THPT Vĩnh Bình Bắc tham gia vở kịch ứng tác cùng do Song Yến PSY biên soạn. Ảnh: Song Yến PSY

Việc sử dụng kịch ứng tác không chỉ mang đến những giây phút giải trí mà còn là một công cụ hữu hiệu để khơi gợi suy nghĩ, giúp các em tự tin hơn trên con đường sự nghiệp của mình. Chuyên gia tư vấn tâm lý ThS. Nguyễn Anh Khoa nhận định: “Sử dụng kịch ứng tác vào công tác tư vấn định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh là một phương pháp tốt và cần được phát huy thêm trong tương lai. Từ những vở kịch như thế, các em học sinh mới có thêm góc nhìn về câu chuyện lựa chọn nghề nghiệp sao cho phù hợp với nhu cầu của xã hội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Quan trọng nhất là tính tương tác giữa các tư vấn viên với các em học sinh sẽ trở nên gần gũi. Từ đó, các em mới có thể thoải mái chia sẻ những tâm tư, cũng như nguyện vọng để các tư vấn viên đưa ra các lời khuyên phù hợp nhất với mong muốn, sở thích các em học sinh.”

 ThS. Nguyễn Anh Khoa trong buổi tư vấn với các em học sinh tại trường THPT Nguyễn Trãi. Ảnh: Song Yến PSY

ThS. Nguyễn Anh Khoa trong buổi tư vấn với các em học sinh tại trường THPT Nguyễn Trãi. Ảnh: Song Yến PSY

ThS. Nguyễn Anh Khoa cũng mong muốn việc ứng dụng kịch ứng tác trong công tác tư vấn tuyển sinh có thể được phổ biến rộng rãi hơn. Bên cạnh đó, các Trường đại học cũng cần tăng cường và triển khai từ sớm các buổi tư vấn tuyển sinh nhằm cho em học sinh có thể cập nhập được những thông tin mới nhất về các nhóm ngành nghề trong xã hội.

PV

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hanh-trinh-tim-ngoc-cung-song-yen-psy-tai-hon-50-diem-truong-thpt-post725369.html
Zalo