Du học sinh Việt 'chuyển mình' nơi trời Tây

Rời xa vòng tay gia đình, một mình nơi đất khách, họ đã từng chông chênh giữa nỗi nhớ nhà, lạc lõng giữa khác biệt văn hóa, và vật lộn với vô vàn thử thách tưởng chừng không thể vượt qua. Thế nhưng, chính những khoảnh khắc yếu lòng ấy lại trở thành bước ngoặt để họ học cách đứng vững, thích nghi và làm chủ cuộc sống.

Có trách nhiệm với chính mình

Với Lê Hoài Linh (SN 2000) - đang học thạc sĩ tại trường Đại học Nicolaus Copernicus (Ba Lan), việc tự mày mò nấu các món Việt Nam trong thời gian du học là một thay đổi lớn.

“Từ bé ở nhà mình luôn được mẹ chuẩn bị đồ ăn sẵn, lúc lên đại học lại ở ký túc xá không được nấu ăn, nên từ đó mình hình thành thói quen ăn ngoài và hiếm khi vào bếp”, Linh kể.

Vốn quen ăn đồ châu Á mà ẩm thực Ba Lan khá xa lạ, trong khi đó giá cả ở các nhà hàng Việt lại khá cao nên cậu bạn đã quyết tâm học nấu ăn để vừa tiết kiệm chi phí, vừa đỡ nhớ hương vị ẩm thực của quê nhà.

Quan trọng hơn, việc biết nấu ăn còn giúp Linh chủ động điều chỉnh thành phần, như tăng cường rau xanh và chất xơ. Với nhiều người, biết nấu ăn là điều bình thường, song với cậu bạn, đây lại là kỹ năng tâm đắc nhất.

“Từ khi học nấu ăn, mình mới nhận thấy rõ trách nhiệm với việc chăm sóc bản thân khi trước đây lúc nào cũng ăn uống vô tội vạ. Nhờ nấu ăn, mình cũng học được cách quản lý thời gian và tài chính tốt hơn, bởi không còn tốn nhiều thì giờ và tiền bạc để tìm kiếm những quán ăn mới nữa”, cậu nói.

Thói quen nấu ăn không chỉ điều chỉnh lối sống khoa học hơn, mà còn giúp Linh xoa dịu tâm lý và nỗi nhớ nhà ở trời Tây. Cậu giải thích, mùa đông ở Ba Lan rất lạnh, lại ít ánh nắng nên có thời điểm thiếu vitamin D khiến bản thân phải vật lộn với tâm lý thất thường.

“Vì thế, nấu ăn còn giống như liệu pháp để bổ sung vitamin, kéo cảm xúc của mình trở về trạng thái bình thường và ổn định”, Linh tâm sự.

 Lê Hoài Linh (SN 2000) - du học sinh thạc sĩ tại trường Đại học Nicolaus Copernicus (Ba Lan).

Lê Hoài Linh (SN 2000) - du học sinh thạc sĩ tại trường Đại học Nicolaus Copernicus (Ba Lan).

Không ngại "chuyển mình" để thích ứng

Từng tốt nghiệp thạc sĩ tại trường Đại học South Wales (Anh Quốc), theo chị Hoàng Kiều Thu (SN 1994), để tự lập nơi xứ người, cần kết hợp nhiều kỹ năng thiết yếu, trong đó quan trọng nhất là khả năng thích ứng với hoàn cảnh.

“Thời gian đầu sang Anh, mình từng vật lộn với nỗi nhớ nhà, nỗi cô đơn cùng áp lực học tập khi phải tự xoay xở mọi thứ. Thậm chí, có lúc mình bị sốc văn hóa và tự hỏi bản thân, liệu rằng quyết định đi xa có thật sự đúng đắn”, chị Thu tâm sự.

Tuy nhiên, không để bản thân lún sâu vào trạng thái đó, chị Thu nhận ra bản thân phải thay đổi cho phù hợp với môi trường, thời tiết, đồ ăn cho đến cách giao tiếp và phong cách sống hoàn toàn mới.

“Mặc dù đã tìm hiểu về nước Anh từ trước, nhưng thực tế vẫn khiến mình ngây người với nhiều tình huống khó đỡ. Đặc biệt là cách nói chuyện và giao tiếp của người bản địa. Vốn quen cách nói chuyện trực tiếp của người Việt, mình phải từ từ thay đổi cách biểu đạt cho phù hợp với lối nói gián tiếp của người Anh”, chị kể lại.

Theo chị Thu, học tập ở một đất nước mới đã biến chị từ người ngại thích nghi trở thành người háo hức khám phá. Việc phải liên tục thích ứng với môi trường mới đã giúp chị phát triển bản thân và tìm được việc làm trước khi tốt nghiệp.

"Hiện tại, mình làm việc tại HM Courts & Tribunals Service (HMCTS) – cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp Anh, chuyên cung cấp dịch vụ hành chính cho hệ thống tư pháp tại Anh và xứ Wales. Đây là cột mốc tự hào nhất của mình trong suốt hành trình học tập và làm việc nơi đây”, chị Kiều Thu chia sẻ.

 Sẵn sàng thích nghi với cái mới đã giúp chị Kiều Thu tìm được việc làm ở Anh ngay cả khi chưa tốt nghiệp.

Sẵn sàng thích nghi với cái mới đã giúp chị Kiều Thu tìm được việc làm ở Anh ngay cả khi chưa tốt nghiệp.

Thoát khỏi vùng an toàn để tự lập

Còn với Đinh Ngọc Ánh (SN 1998), du học sinh tại trường đại học Gachon (Hàn Quốc), sống xa nhà đã giúp cô bạn xây dựng được kỹ năng tự giải quyết vấn đề. Ánh cho biết, lúc còn ở Việt Nam khả năng tự lập của cô dường như tương đương với con số không bởi luôn được bố mẹ bao bọc.

“Hồi còn ở trong nước, mình hầu như không biết làm gì bởi chỉ đều đặn đến trường rồi về nhà. Ngay cả khi chuẩn bị sang Hàn du học, hồ sơ của mình cũng là được bố mẹ và trung tâm du học chuẩn bị cho”, cô bạn thừa nhận.

Sau khi sang Hàn, cô phải tự xoay sở và mày mò tất cả mọi thứ từ việc tìm nhà, ký hợp đồng, làm hồ sơ nhập học, xin học bổng và cả việc làm thêm. Vốn là người thích vẫy vùng và khám phá cái mới, song ở vùng đất lạ, Ngọc Ánh vẫn có đôi chút lo sợ bởi cái gì cũng là lần đầu.

“Bước ngoặt tự lập của mình đến từ một lần đi tìm việc để kiếm tiền đóng học phí. Lúc ấy, mình đã thuyết phục một người bạn đi cùng nhưng không được. Vừa sợ, vừa lo nhưng không còn cách nào khác, mình đánh liều đi vào gặp chủ quán và được nhận ngay sau đó. Chỉ thế thôi nhưng mình đã có sự tự tin và mạnh bạo hơn rất nhiều trong suốt những năm tự lập sau này ở Hàn Quốc”, Ngọc Ánh tâm sự.

Sau gần 6 năm du học, Ngọc Ánh cảm thấy may mắn vì đã sớm rời khỏi vùng an toàn để tự lập.

“Thoát khỏi vòng tay ấm áp của gia đình ban đầu có chút khó khăn và chênh vênh, nhưng khi tự đứng trên đôi chân của mình, mình mới hiểu thế nào là sống hết khả năng. Vượt sướng càng sớm thì càng sớm trưởng thành, bởi chỉ khi đối mặt với khó khăn, người trẻ mới thực sự học cách tự chủ và mạnh mẽ", Ánh nói.

Phương Lâm - Diệu Nhi

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/du-hoc-sinh-viet-chuyen-minh-noi-troi-tay-post1730284.tpo
Zalo